Sẽ rất là NGỐC nếu có ai đó đến và nói “Hãy nhảy ra khỏi VÙNG AN TOÀN”, bạn sẽ nhảy ra thiệt để rồi mắc sai lầm. Sau đó, thay vì nghi ngờ câu truyền động lực, bạn lại quay sang phán xét chính mình “Mình kém cỏi, không đủ năng lực”.
Anh Trí đây, câu nói kiểu này không còn quá xa lạ với các bạn. Anh biết đã có rất nhiều người hiểu sai. Có phải nhảy khỏi vùng an toàn thì mình sẽ an toàn? Cùng anh tìm hiểu sâu hơn bên dưới nhé.
Bản chất vùng an toàn?
Khi nghe ai đó truyền động lực, hãy dừng lại để nghi ngờ. Đừng bị FOMO, đừng đánh mất chính mình. Tương tự, khi nghe nói về “vùng an toàn”, đừng xem nó là tiêu cực mà hãy chậm lại để tìm hiểu.
Vùng an toàn là gì?
Vùng an toàn (comfort zone) được định nghĩa là một trạng thái tâm lý quen thuộc, nơi đó mọi người cảm thấy thoải mái, không có rủi ro. Liên hệ trong công việc, vùng an toàn là phạm vi bạn có thể hoàn thành tốt trách nhiệm được giao, vượt qua được những thử thách tương đối dễ dàng.
Cụm từ này hướng đến những người đã có thành tích trong công việc, nhưng họ đang bị “ru ngủ” bằng việc hưởng thụ thay vì tìm kiếm điều mới mẻ.
Nếu đang áp lực, bế tắc với công việc là bạn đang ở trong “vùng yếu kém”. Bạn muốn chạy trốn hiện tại để nhảy sang một môi trường mới.
Điểm yếu chí tử này được các đối tượng xấu dùng để lôi kéo, họ sẽ kể 2 câu chuyện quen thuộc “Con ếch trong nồi nước sôi”, “Gà và đại bàng” để khuyên các bạn nghỉ việc. Các bạn nghe video xem anh kể lại câu chuyện có hay không nhé.
Nhảy khỏi vùng an toàn rơi vào cùng an táng
Nếu các bạn vẫn còn yếu kém, vẫn chưa có thành tích trong công việc, xác suất rất cao các bạn sẽ giống con ếch, hay con gà trong câu chuyện anh đã kể ở trên.
Con ếch mới thấy nóng một tí đã nhảy thì nó đi từ nồi nước chưa sôi nhảy sang nồi cháo ếch.
Con gà cứ tưởng mình là đại bàng, thay vì bay vút lên trời cao nó sẽ nằm trong móng vuốt của diều hâu.
Cho nên hãy làm cho tới, làm cho tới đỉnh có thành quả nhất định trong công việc đang làm, rồi muốn bay nhảy đi đâu thì bay nhảy
Các bạn đừng vay mượn những câu chuyện truyền động lực kể trên để bỏ cuộc. Vì bỏ cuộc cũng giống như việc hút thuốc, có điếu đầu tiên thì có điếu thứ 2, điếu thứ 3… rồi một thời gian sẽ thành tật.
Đừng mới thấy khó khăn một tí là đã đòi bước ra khỏi vùng an toàn.
7 dấu hiệu sớm bạn đang ở trong vùng an toàn
Còn nếu lúc này, bạn đang làm tốt công việc được giao, nhưng bạn sợ mình đang trong vùng thoải mái. Vậy hãy cùng điểm qua xem bạn có mắc phải dấu hiệu nào dưới đây.
- Thu nhập ổn, chi tiêu ổn, tiết kiệm ổn nhưng chỉ đi ngang, mỗi năm tăng 10-15% chỉ đủ bù trượt giá
- Các bạn không nhớ lần gần nhất ngồi tổng kết công việc và định hướng với sếp là khi nào
- Các bạn có xu hướng dùng kinh nghiệm để giải quyết vấn đề hơn là ứng dụng công cụ hoặc kỹ thuật mới
- Ngại học hỏi thêm, ngại nghiên cứu công nghệ, xu hướng mới
- Cảm thấy bị đe doạ bởi những nhân viên mới đi làm năng động, sáng tạo
- Cảm thấy trống rỗng về cảm xúc công việc, nhưng luôn lẩn tránh để tìm kiếm cảm xúc từ những việc khác
- Các mối quan hệ trong 1, 2 năm trở lại đây toàn là những gương mặt cũ
Các bạn đếm lại xem mình có trên 3 dấu hiệu không, nếu có thì hãy lưu ý vì nồi nước đang sôi lên dần dần mà các bạn không biết.
Đừng để mình ngủ quên trên chiến thắng, ở mãi trong vùng an toàn rồi giới hạn bản thân học hỏi những điều mới mẻ.
2 việc cần chuẩn bị trước khi rời vùng an toàn
Trước khi nghỉ công việc hiện tại, chuẩn bị cho những trải nghiệm mới mẻ hơn, các bạn cần làm trước 2 việc này.
Một là, tìm người có kinh nghiệm, hoặc chuyên gia có chuyên môn để trò chuyện và tư vấn cho mình. Đó có thể là sếp trực tiếp, người thân trong gia đình, hoặc một chuyên gia có kỹ năng tư vấn định hướng.
Họ sẽ giúp các bạn phân tích, định hướng đúng năng lực. Họ sẽ gợi ý môi trường, công việc và vị trí phù hợp. Nhờ đó bạn có khởi đầu tốt hơn để nỗ lực xứng đáng đáp ứng được nhu cầu thị trường thay vì lại rơi vào vùng yếu kém tiếp theo.
Hai là, đầu tư thời gian, nỗ lực để rèn luyện một cách nghiêm túc những năng lực – tố chất của riêng các bạn trước khi đón nhận những thử thách mới.
Nếu các bạn còn trẻ thì việc thay đổi sẽ dễ dàng, nhưng nếu bạn đang gánh trách nhiệm với gia đình nhỏ, với bố mẹ hai bên thì việc lao ra khỏi vùng an toàn cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.
Để cảm nhận việc chuẩn bị cụ thể ra sao, các bạn cùng xem lại câu chuyện của anh Huỳnh Duy Khương – Trainer khoá Under Ground Leader của học viện AYP thông qua bài viết Người trung bình nhé.
Một lần nữa, hãy cho anh thấy bình luận bên dưới những bạn nào đang ở trong vùng an toàn, các bạn đã thoát ra như thế nào. Nếu chưa, các bạn hãy chia sẻ dự định cũng được nhé, biết đâu sẽ có những chuyên gia giúp đỡ các bạn.