Xin chào các bạn! Anh là Nguyễn Hữu Trí – Mr Quéo đến từ Học viện Awaken Your Power.
Ngày hôm nay, chúng ta sẽ tiếp tục bàn luận với nhau về chủ đề thao túng tâm lý.
Ở phần trước, anh đã chia sẻ cho các bạn về 3 yếu điểm khiến bạn bị thao túng tâm lý. Trong bài viết này, anh sẽ tiếp tục chia sẻ cho các bạn về cách đối diện và đề phòng những thủ thuật này nhé.
Sẵn sàng chưa nào? Let’s go!
Trau dồi bản lĩnh về cảm xúc và tâm lý để tránh bị thao túng
Để tránh bị người khác thao túng tâm lý thì bước đầu tiên mà các bạn cần làm đó là trau dồi bản lĩnh về cảm xúc và tâm lý của mình.
Tuy nhiên, đối với những bạn đang có những tổn thương tâm lý trong mình thì sẽ rất khó để làm được điều đó. Trong trường hợp này, anh khuyên các bạn nên đi tìm sự hỗ trợ từ những chuyên gia tâm lý để họ giúp mình chữa lành những tổn thương trong tâm lý.
Còn lại, đối với những bạn đang ổn định về cảm xúc và tinh thần của mình thì anh xin chia sẻ với các bạn một kỹ năng vô cùng đơn giản để rèn luyện nội lực tâm lý cho mình, đó là các bạn hãy tập nhận diện những cảm xúc và tâm lý mà mình đang có.
Một người có trí thông minh cảm xúc không có nghĩa là họ có khả năng ức chế những cảm xúc tiêu cực và luôn vui vẻ, mà người có trí thông minh cảm xúc là người có thể nhận diện được chính xác cảm xúc của họ ngay tại thời điểm hiện tại.
Nếu họ đang buồn thì họ biết rằng mình đang buồn, nếu họ đang say sưa và hứng thú thì họ biết rằng mình đang rất say sưa và hứng thú,… Họ có thể nhận diện cảm xúc của mình rất đơn giản.
Điều này không phải học là có mà nó là một quá trình luyện tập, liên tục trò chuyện với cảm xúc và nhận diện được cảm xúc của mình
Hỏi trực tiếp người muốn thao túng tâm lý mình
Tiếp theo, bước thứ hai để phòng chống bị thao túng tâm lý đó là:
Khi các bạn gặp một đối tượng nào đó, sau một khoảng thời gian trò chuyện, các bạn nhận ra rằng tâm lý và cảm xúc của mình bị thay đổi thì các bạn có thể hỏi trực tiếp họ rằng: “Hình như bạn đang muốn tạo ra thay đổi tâm lý này cho tôi có đúng không?”
Ví dụ, khi đang trò chuyện với bạn mình thì bạn có thể chậm lại một nhịp và hỏi họ: “Nãy giờ mình nói chuyện với nhau thì hình như mày đang muốn tao cảm thấy mình rất là tệ vì chuyện mà tao đã làm vào tuần trước, có phải vậy không?”
Đây là một kỹ thuật rất đơn giản và anh gọi nó là kỹ thuật canh cửa. Bởi vì cảm xúc và tâm lý là những thứ rất riêng tư, nó giống như ngôi nhà của mình vậy. Khi một ai đó muốn ảnh hưởng tâm lý của mình thì họ phải mở cửa và đưa vào đó một cảm xúc, tâm lý mới.
Khi đó, các bạn có thể hỏi thẳng họ rằng “Anh/chị ơi, tôi thấy hình như anh/chị đang bẻ khoá nhà tôi đấy, anh/chị muốn vô nhà tôi đúng không?”
Hành động này sẽ giúp chúng ta phân biệt được rằng người ta đang lén lút để thao túng mình hay họ đang đường đường chính chính muốn ảnh hưởng tâm lý, hành vi của mình.
Có những người cố tình ảnh hưởng lên các bạn bởi mục đích tư lợi cá nhân và gây thiệt hại cho các bạn. Lúc này, họ sẽ chột dạ và chạy mất.
Nhưng cũng có những người ảnh chủ động ảnh hưởng lên các bạn bởi họ chân thành quan tâm đến bạn. Khi đó, họ có thể sẽ trả lời rằng: “Đúng vậy, tôi thấy bạn rơi vào trạng thái tự ti, mặc cảm rất lâu rồi nên tôi muốn đến và mang đến cho bạn sự bình an, tự tin hơn.”
Thủ thuật người gác cổng này sẽ giúp bạn xác nhận được ý đồ của những người muốn ảnh hưởng và thay đổi tâm lý, cảm xúc của các bạn.
Hạn chế việc thao túng tâm lý người khác nếu chưa được cho phép
Điều cuối cùng, để tránh việc thao túng tâm lý xảy ra với mình thì các bạn cũng nên hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến tâm lý của người khác nếu chưa được cho phép.
Nếu các bạn là bố mẹ thì hãy hạn chế việc thao túng tâm lý con mình. Các bạn đừng áp đặt những hành vi mà mình cho là đúng lên con mình khi chưa có sự đồng thuận của trẻ. Sau này, khi con mình biết được điều này thì nó sẽ rất buồn và thất vọng.
Tương tự, chúng ta cũng nên thẳng thắn với người yêu của mình. Nếu các bạn muốn gì thì hãy chia sẻ thẳng thắn với họ. Đừng dùng cảm xúc của mình để ảnh hưởng đến tâm lý của người mình yêu rồi áp đặt họ phải sống thuận theo ý mình mà không biết điều đó có hợp ý họ không.
Bên cạnh đó, các bạn phải rất cẩn trọng khi áp dụng những hành vi thao túng này với khách hàng của mình.
Nếu mình bán hàng không công tâm, mình cố tình thúc đẩy những cảm xúc mãnh liệt của người ta để họ đưa ra những quyết định thiếu cân nhắc thì điều này sẽ khiến bạn khó mà tạo uy tín và duy trì mối quan hệ bền vững với khách hàng.
Và đó là tất cả những gì anh muốn chia sẻ trong bài viết này. Các bạn có thể xem video dưới đây để nghe anh chia sẻ kỹ hơn về nghệ thuật thao túng tâm lý nhé!
Cuối cùng, các bạn đừng quên bình luận xuống phía dưới để chia sẻ cho anh biết về cảm nhận của các bạn nhé!