Thẳng thắn là một đức tính mà ai cũng e dè. Có người ngại chẳng dám nói vì sợ mất lòng người khác. Có người vì thẳng tính quá mà bất lợi đủ đường.
Anh Trí đây, hãy cùng anh đào sâu hơn vào tính cách thẳng thắn. Sau khi hiểu rõ, anh hy vọng mỗi bạn sẽ mạnh mẽ hơn, sẽ tìm lại được cho mình tiếng nói riêng nhưng không bị mọi người xa lánh.
Thẳng thắn thật thà thường thua thiệt
“Hồi đó khi vào đại học, em luôn thẳng thắn với tất cả mọi người, giờ nhìn xung quanh em chẳng có ai là bạn bè”.
“Thẳng thắn quá sẽ làm tổn thương người khác, đâu phải ai cũng muốn nghe sự thật”.
Khi nhắc tới việc thẳng thắn, chúng ta thường nghĩ ngay tới bao nhiêu sự xa lánh: bị đồng nghiệp ghét bỏ, bị người yêu xa lánh, bạn bè cũng chẳng có ai…
Bạn biết là không nên nói “tuốt tuồn tuột” ra hết, nhưng mà trong cuộc họp công ty bạn thấy nhiều quan điểm không đúng, bạn bè có nhiều tính cách không vừa lòng, người yêu thì không đồng điệu…
Nên bạn không kiềm chế được mà buông ra những câu nói – bạn cho là thật lòng.
Nghĩ lại, biết vậy thôi đừng nói, thấy hại nhiều hơn lợi.
Để anh nói điều này, thật ra thẳng thắn là bản năng đã được mặc định sẵn trong mỗi người.
Khi còn là đứa bé, bạn đã rất thẳng thắn, tin anh đi. Nếu chưa tin bạn bấm vào video để xem nhé.
Tại sao bạn không dám thẳng thắn?
Và rồi khi lớn lên, bạn bắt đầu được dạy về sự cân nhắc.
Ban đầu sẽ là những lời ỉ ôi, khuyên nhủ ngọt ngào đến từ ba mẹ khi bạn quá thẳng:
– Khi bạn gào khóc vì không được cho ăn
– Khi bạn giãy đành đạch vì bị giật mất đồ chơi
– Khi bạn cào cấu vào người lớn để tự vệ
…
Nhưng người lớn khôn ngoan lắm, họ sẽ dùng những chiêu thức cao hơn, đó là tạo ra những nỗi sợ với cấp bậc tăng dần
– Con mà không nghe lời là bị tịch thu hết đồ chơi
– Con mà quậy nữa là bị ăn đòn
– Con mà không nghe lời là bị đưa vô cô nhi viện
…
Và rồi bạn mất dần tính thẳng thắn. Bạn cân nhắc, ngại ngùng khi đưa ra quan điểm chỉ vì bạn sợ, bạn sợ người khác phạt mình, sợ người khác sẽ không vui.
Vậy giờ sao ta, thẳng thắn cũng không được được, mà im lặng cũng không được. Chọn cái nào cũng là không ổn hết.
Thẳng quá thì cô đơn, không có bạn bè, mà im lặng chịu đựng thì là “a hùa” mà không có chính kiến riêng.

Tại sao bạn không thẳng thắn?
Vậy để anh giải vây cho bạn nhé!
Chọn 1 trong 2 đều không ổn, kết quả là bạn sẽ luôn cảm thấy mâu thuẫn khi phải lựa chọn.
Câu trả lời của anh là hãy có cho mình cả hai thứ: vừa lý trí, vừa cảm xúc.
Bạn hãy có cho mình ý chí quyết liệt, mạnh mẽ của người thẳng thắn, và có cho mình sự cân nhắc, mềm dẻo đúng lúc.
Vào những tình huống cần cương thì cương, nhưng cần nhu thì nhu. Hãy linh hoạt ứng xử như dòng nước.
Trong triết học của Lão Tử, ông đề xuất “Người mạnh thật sự là người có dương ở bên trong, và âm ở bên ngoài”.
Cư xử ở bên ngoài thì nhu thuận, linh hoạt, hài hoà, nhưng ý chí nội tâm bên trong là sự quyết liệt, cứng rắn, mạnh mẽ.
Họ uyển chuyển nhưng không có vách núi nào mà không vượt qua được, không có khe nứt nào mà không luồn lách vào.
Khi là giọt nước nhỏ róc rách, khi là sóng trào cuồn cuộn.

Vậy làm sao để có cho mình được đức tính này, anh mời bạn cùng xem tiếp phần 2 về cách “Làm sao thẳng mà vẫn khéo”.
Anh mong tư duy mới này sẽ giúp bạn gỡ rối được phần nào.