Flavors Vietnam 2023
31/08/2023

Khi phụ huynh phản ứng “căng cực” với bạo lực học đường

Ngay lúc này, anh cần các bạn thú thật ngày xưa khi đi học các bạn có từng đánh nhau...
Đã sao chép
Đã lưu
Bạo lực học đường

Ngay lúc này, anh cần các bạn thú thật ngày xưa khi đi học các bạn có từng đánh nhau hay chưa?

Mang trong mình cái máu thích cà khịa từ bé, anh đã từng đi chọc người ta và rồi bị đánh cho phù mỏ, tập 1.

Tập 2, anh tiếp tục bị ba mình chửi cho sấp mặt! Quá sức tổn thương, đến bây giờ vẫn nhớ. Tại sao mình là người bị đánh, ba không những không bênh mà còn quay ra la mắng mình…

Cho đến khi anh biết đến câu chuyện về một “chiến thần” sẵn sàng combat với cả nhà trường, phụ huynh, công an để bảo vệ con mình khỏi BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG. Phải chăng đây là người mẹ trong mơ của rất nhiều bạn nhỏ?

3 bài học ngỡ ngàng từ câu chuyện chiến đấu với bạo lực học đường

Qua cách hành xử rất quyết liệt của Thủy Bi – người mẹ anh nhắc đến trong video trên, chị Bi đã dạy được điều gì cho con mình?

Bài học bạo lực học đường
3 bài học bạo lực học đường qua câu chuyện của Thủy Bi

Thứ nhất: Con không cần chịu trách nhiệm

Nếu ai theo dõi câu chuyện sẽ thấy đây là một vụ bạo lực học đường hết sức điển hình của những đứa trẻ ở lứa tuổi đó.

Phải chăng người mẹ đang truyền đi thông điệp: “Con đi ra đường đánh người ta, đánh thắng thì không sao, đánh thua mẹ sẽ đánh thay con!”

Anh nghĩ đó là một sự thất bại trong việc dạy cho con chịu trách nhiệm với việc mình làm.

Nếu như không được học bài học này, có khi các em sẽ có cho mình suy nghĩ: “Ba má tao lo tất! Cứ chơi tới bến thôi!”

Rõ ràng, chúng ta không dạy được cho các em kỹ năng cân nhắc để đưa ra lựa chọn hành vi và chịu trách nhiệm cho lựa chọn của riêng mình.

Mặc dù rất thương con, nhưng cách bảo bọc, chiến đấu, chịu trách nhiệm thay con, trả thù thay cho con sẽ tạo nên thái độ ỷ lại rất lớn cho trẻ.

Đây là một thất bại trong việc hình thành tính cách và thái độ sống cho trẻ!

Tinh thần chịu trách nhiệm
Hãy dạy con tinh thần chịu trách nhiệm

Thứ hai: Nhìn xã hội theo chiều hướng tiêu cực

“Con có nhìn thấy không? Thầy cô, trường lớp không đứng về phía con đâu. Xã hội, chính quyền này chỉ chèn ép con thôi. Cho nên đừng tin bất kỳ ai hết, phải hung dữ lên để tự bảo vệ mình!”

Anh không biết câu chuyện sẽ thắng thua đi về đâu nhưng nó làm cho những đứa trẻ bắt đầu mất niềm tin về trường lớp, xã hội.

Cảm xúc bi quan, lo âu, đầy ngờ vực này sẽ theo các em khi bước chân vào cuộc đời. Và niềm tin này sẽ hình thành những đứa trẻ rất hung dữ, sẵn sàng tấn công bất cứ ai nếu bản thân thấy bất an.

Nó tạo nên cách nhìn cuộc sống rất tăm tối cho con chị Bi và cho rất nhiều đứa trẻ khác.

Sự tiêu cực trong suy nghĩ
Đừng gieo vào con sự tiêu cực với xã hội

Thứ ba: Lên án bạo lực bằng bạo lực

Theo câu chuyện này, người mẹ đang lên án hành vi bạo lực học đường bằng một thể loại bạo lực khác đó là bạo lực ngôn từ.

Chúng ta có thể nhìn thấy tất cả những từ ngữ sỉ vả, hạ thấp, bôi nhọ mà chị Bi dùng để công kích đứa trẻ đó trên không gian mạng.

Và sự thật là bạo lực ngôn từ gây tổn thương không kém hay thậm chí là hơn cả bạo lực thân thể, nó ảnh hưởng trực tiếp lên tinh thần nạn nhân với những di chứng khủng khiếp.

Cho nên chúng ta không thể lên án bạo lực bằng một thể loại bạo lực khác được.

Trong trường hợp này, người mẹ đã kích động cộng đồng mạng bước vào hành vi bạo lực đó cùng với mình.

Và nghiễm nhiên cũng dạy cho con mình điều đó!

Lên án bạo lực học đường
Lên án bạo lực

Mong đợi của phụ huynh với trường học

Bản thân anh cũng cho con học trường quốc tế với mức học phí khá cao. Như bao phụ huynh khác, anh cũng mong muốn tìm cho con mình một môi trường học tập tốt.

Nhưng anh hiểu được chúng ta không thể mong đợi nhà trường làm theo ý mình chỉ vì mình trả rất nhiều tiền.

Và nếu như mình mong đợi sự chuyên nghiệp trong cách giáo dục thì ít nhất phải tin tưởng họ, để cho họ được làm chuyên môn của mình một cách hiệu quả nhất.

Người càng giỏi sẽ càng có cách làm của riêng họ khác với mình. Đó là lý do mình phải bỏ tiền ra để mua trải nghiệm đó. Mình cần cởi mở, từ tốn hơn để học hỏi cách xử lý.

Đừng để vừa tốn tiền, vừa tốn công “ngăn cản” mà hậu quả thì con cái mình chịu!

Vậy nên, phụ huynh gửi tiền, cần gửi thêm sự tin tưởng, tôn trọng để cùng phối hợp với nhà trường phát huy tốt vai trò của 2 bên.

Nhà trường và phụ huynh
Trách nhiệm của nhà trường và phụ huynh

Hãy nhớ, mục tiêu cuối cùng là con cái của chúng ta nhận được sự hỗ trợ, dẫn dắt tốt nhất! Đừng để cái tôi lấn át đích đến!

Đó là góc nhìn của anh, còn các bạn thì sao?

Cuối cùng, nếu các bạn chuẩn bị làm bố mẹ hay đang trong quá trình nuôi dạy con, hãy đọc thêm bài viết về 4 cách yêu thương con cái đúng mực. Nó sẽ giúp bạn có cách hướng dẫn, giao tiếp hiệu quả với trẻ để con có thể phát triển một cách tự tin và đầy bản lĩnh!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *