Flavors Vietnam 2023
04/04/2023

Nắm chắc 2 nguyên tắc giao tiếp với cấp trên hiệu quả

Giao tiếp với cấp trên là kỹ năng vô cùng quan trọng đối với người đi làm. Theo kết quả thống...
Đã sao chép
Đã lưu
Giao tiếp với cấp trên

Giao tiếp với cấp trên là kỹ năng vô cùng quan trọng đối với người đi làm. Theo kết quả thống kê của DDI, có tới 57% nhân viên nghỉ việc là do Sếp của họ! Và nếu bạn đã đi làm thì chắc chắn không ít lần đau đầu vì phải đoán ý Sếp hay thậm chí là thất vọng với suy nghĩ: “Tại sao Sếp không hiểu mình!”

Vậy nên, ngày hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau làm rõ một vài vấn đề xoay quanh câu chuyện giao tiếp với cấp trên sao cho hiệu quả. Và anh là Nguyễn Hữu Trí – người sẽ đồng hành cùng các bạn trong bài viết này.

Chúng ta bắt đầu nhé!

Lo sợ khi không giỏi giao tiếp với cấp trên

Trong tất cả các loại đồng nghiệp, loại đồng nghiệp kỳ diệu nhất, đáng sợ nhất, mệt mỏi nhất không ai khác chính là Sếp của bạn. Làm sao giao tiếp với cấp trên hiệu quả để mình có thể gây ấn tượng, xây dựng lòng tin, chứng minh năng lực trước nhiều đồng nghiệp khác?

Đây chắc chắn là nan đề mà không chỉ khiến những tấm chiếu mới ra trường mà ngay cả người đi làm lâu năm cũng “nặng đầu”! Và nếu mình cư xử không khéo thì khả năng nhảy việc, khả năng bị tổn thương lại cao thêm một bậc.

Như anh đã nêu về con số 57% ở đầu bài viết, từ một góc nhìn khác, có thể thật ra những người này họ không nghỉ việc mà họ chỉ từ bỏ người lãnh đạo mà thôi.

Trên thực tế, Sếp không chỉ là người duyệt báo cáo, đốc thúc công việc; đến cuối năm Sếp còn là người đánh giá hiệu quả, duyệt lương thưởng và quyết định vai trò tiếp theo của bạn. Đó là lý do vì sao nói thành bại trong sự nghiệp của mình có đến 70-80% liên quan đến Sếp.

Cho nên nỗi lo sợ khi không được lòng cấp trên, không giỏi giao tiếp với Sếp là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Mâu thuẫn khi giao tiếp với cấp trên
Khi gom đủ thất vọng, người lao động sẽ rời đi

Và trong khuôn khổ bài viết này, anh sẽ đúc kết cho các bạn một vài hành trang quan trọng để mọi người chuẩn bị tinh thần bước vào “hậu cung công sở” – nơi mà chuyên môn chưa phải là tất cả!

2 nguyên tắc giao tiếp với cấp trên giúp bạn nắm cơ hội thăng tiến

Nói về nghệ thuật giao tiếp chốn công sở, anh có 2 nguyên tắc muốn chia sẻ với các bạn dựa trên binh pháp Tôn Tử: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”

Nghệ thuật giao tiếp với cấp trên
Nghệ thuật giao tiếp với cấp trên

Nguyên tắc số 1: Biết người

Biết người ở đây có nghĩa là MÌNH PHẢI HIỂU SẾP. Chúng ta không thể giao tiếp với cấp trên hiệu quả khi mà không hề hiểu họ.

Ở đây các bạn đi làm thường rất hay hy vọng Sếp phải hiểu mình. Nhưng các bạn lại quên rằng chúng ta quanh đi quẩn lại chỉ có 01 người Sếp trực tiếp, trong khi dưới Sếp có 3 – 5 hay thậm chí vài chục nhân viên.

Vậy thay vì mong chờ cấp trên hiểu hết tâm tính, nguyện vọng của rất nhiều người như mình, thì tại sao các bạn không nỗ lực chỉ để hiểu một người? Lúc này câu chuyện sẽ đơn giản hơn rất nhiều!

Nguyên tắc số 1 - Biết người

Hãy thử tìm hiểu xem Sếp thích gì, ghét gì, đọc sách gì,… và khi đó bạn sẽ dần lý giải được hành động, suy nghĩ, mong đợi, tầm nhìn cấp trên của mình. Từ đó chúng ta tìm được cách hòa hợp, giao tiếp đúng mực, làm việc đúng ý Sếp.

Điều tuyệt vời hơn là khi các bạn hiểu được Sếp, các bạn có thể trở thành người đồng hành, người san sẻ, người bổ khuyết cho Sếp và mình sẽ có cơ hội thăng tiến lên những vị trí quan trọng trong doanh nghiệp.

Nguyên tắc số 2: Biết mình

Biết mình tức là HIỂU RÕ NĂNG LỰC CỦA MÌNH. Nhân viên càng có bản lĩnh, năng lực càng cao thì càng có quyền tự do thể hiện.

Trong trường hợp này nếu bạn không giỏi tâm lý, không nhanh nhạy về mặt giao tiếp với cấp trên thì các bạn sẽ phải bù bằng tài năng và thực lực.

Khi bạn chỉ nghiêng về một mặt nhưng bạn thực sự mạnh, thực sự xuất sắc thì luật chơi vẫn nằm trong tay bạn. Bởi vậy, mình giỏi, mình khéo thì không gì phải sợ!

Nhưng anh nghĩ còn một điều cực kỳ quan trọng đó là sau khi các bạn hiểu được năng lực của mình thì phải làm sao để hướng dẫn cho Sếp biết cách tận dụng mình, tinh ý giao cho mình công việc phù hợp. Và bí quyết của anh là XUNG PHONG!

Nguyên tắc số 2 - Biết mình

Khi xung phong, chưa biết kết quả sẽ ra sao nhưng chắc chắn các bạn đã ghi được điểm cộng với Sếp về mặt thái độ trong công việc.

Cái lợi thứ hai đó là bạn được quyền chủ động chọn phần việc phù hợp hoặc mình yêu thích, nhờ vậy mà xác suất thành công sẽ cao hơn.

Cuối cùng nếu thất bại, các bạn cũng ít bị chửi hơn vì đã nhiệt tình và cố gắng hết mình rồi. Ok, hiểu ý anh không mọi người?

Khi gặp Sếp tồi, giao tiếp với cấp trên sao cho đúng?

Dĩ nhiên, Sếp không phải là Bao Công, không phải lúc nào cũng thiết diện vô tư. Sếp cũng là con người giống anh, giống các bạn, cũng có điểm mạnh, điểm yếu, sở thích, sở ghét, có cái tôi riêng.

Hiểu và tôn trọng Sếp, sau đó hiểu và tôn trọng mình chính là nền tảng để đôi bên gắn kết với nhau một cách lâu dài.

Cuối cùng, nếu bạn đã nỗ lực làm tốt tất cả những điều trên mà Sếp các bạn vẫn không tôn trọng, thiên vị, quấy rối, định hướng sai lầm, vi phạm đạo đức/pháp luật thì có nghĩa bạn đã gặp một người Sếp tồi!

Lúc này, đừng vội vàng đưa ra quyết định vì biết đâu bạn sẽ phải tiếc hùi hụi trong tương lai hoặc chịu chèn ép kinh khủng hơn. Hãy giành thời gian xem kỹ video bên dưới, anh có 2 lời khuyên bổ ích cho các bạn trong trường hợp này:

“Tôi khôn chọn Chúa để thờ” – nhưng đừng vì một trải nghiệm tồi nào đó mà có ác cảm với tất cả các loại Sếp trên đời các bạn nhé.

Trong trường hợp bạn quyết dứt áo ra đi thì đây là 3 thứ bạn cần có để Bắt đầu lại sự nghiệp ở bất cứ tuổi nào!

Sau mỗi thất bại anh tin các bạn sẽ khôn ngoan hơn, học được cách giao tiếp với cấp trên hiệu quả hơn để rồi con đường sự nghiệp của mình lại rộng mở.

Và tại đây, anh Trí đang rất mong chờ đọc xem câu chuyện chốn công sở của các bạn thú vị đến mức nào, có drama hơn “tấm chiếu mới” ngay đầu video hay không. Khung bình luận bên dưới là của các bạn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *