Trong suốt 5 năm sáng tạo nội dung trên Youtube, có 4 kiểu bình luận công kích mà anh hay nhận được từ độc giả của mình trên kênh. Những bình luận này thường đưa ra những nhận định “nghề giáo và tiền” không nên đi liền với nhau.
Họ cho rằng, những việc anh đang làm trong giáo dục là không mang tính thiêng liêng, nó đơn thuần chỉ là đổi chác kiến thức lấy tiền.
Đây là những bình luận hiểu sai về anh. Do vậy bài viết này cùng anh đi phân tích sâu hơn, để hiểu đúng đắn hơn việc anh đang làm nhé.
Anh là ông thầy lùa gà bán khoá học
Từ 2009 đến nay, học viện kỹ năng AYP được thành lập ra, duy trì và phát triển dựa trên việc bán khoá học.
Anh là người trực tiếp giảng dạy, anh là một ông thầy và anh bán khoá học.
Anh cho đó là việc bình thường, giống như việc người thợ may bán quần áo, người thợ làm bánh bán bánh.
Ở Việt Nam, người đi bán quần áo, bán nhà, bán xe, bán bảo hiểm thì đó là việc bình thường. Còn nếu thầy cô giáo trực tiếp đi mua bán kiến thức để kiếm tiền thì lại đánh mất tính thiêng liêng, cao quý.
Đây là quan điểm đã có từ lâu “Thầy cô giáo không nên để nhân cách, kiến thức của mình liên quan đến tiền bạc”.
Trái với quan điểm Việt Nam, ở Nhật Bản họ xem tất cả các nghề nghiệp đều kính trọng như nhau từ người giáo viên cho đến đầu bếp, từ người CEO đến lao công đều có vai trò quan trọng ngang nhau trong xã hội. Nếu vai trò nào làm tốt thì đều nhận được tưởng thưởng tương xứng.
Cho nên công bằng, các bạn nhận được giá trị từ khoá học, còn anh và đội ngũ học viện xứng đáng nhận được số tiền tương xứng với công sức đã bỏ ra.
Thêm nữa, anh không hề lùa gà. Để chính thức trở thành học viên, các bạn phải đi qua nhiều quy trình đăng ký, tư vấn, xác định đúng nhu cầu – đúng sự hỗ trợ thì học viện mới nhận tiền. Quá trình này kéo dài có khi vài chục phút, có khi vài giờ, thậm chí có khi là nhiều tuần.
Bản thân anh biết mình chỉ có thể giúp đỡ được một số đối tượng nhất định. Cho nên, đến khi nào anh thấy mình đủ tự tin giúp được thì mới nhận tiền.
Anh làm giàu bằng cách bán khoá học làm giàu
Sự thật là, các khoá huấn luyện của anh dạy kỹ năng để làm, chứ không dạy làm giàu.
Anh dạy cách để làm:
– Làm lành tổn thương trong tâm lý quá khứ
– Làm việc chủ động, có kế hoạch mục tiêu cho công việc, cuộc đời
– Làm quen với những người bạn mới, có mối quan hệ sâu sắc hơn
Ngay cả đến khoá học quản lý tài chính cá nhân liên quan đến vấn đề tiền bạc, anh cũng không dạy làm giàu. Anh dạy làm:
– Làm kế hoạch chi tiêu, phân bổ ngân sách của bản thân một cách hợp lý
– Làm bảng phân tích tài chính doanh nghiệp, tiềm năng của bất động sản.
Toàn bộ đó là kiến thức, là kỹ năng để làm một cách sâu sắc, kiên trì cho đến khi ra thành quả.
Khi mỗi người làm tốt hết những cái trên thì về lâu về dài, bạn chắc chắn sẽ giàu – một cách đủ đầy.
Giàu ở đây không chỉ là về mặt tiền bạc, mà bạn còn giàu có về niềm vui, bạn bè, gia đình và trải nghiệm.
Anh kiếm tiền quảng cáo từ Youtube
Cơ chế của Youtube là win-win. Nếu anh không cài quảng cáo thì Youtube không thu tiền tiền, anh cũng không có tiền, nội dung sẽ bị bóp tương tác. Khi ấy dù anh có làm nội dung hay như thế nào, bạn cũng không thấy được. Đây là lý do thứ nhất.
Điều thứ hai, số tiền quảng cáo trong suốt 5 năm qua anh nhận được thực chất không đủ trả lương cho một bạn nhân sự trong ekip.
Nói như vậy, không lẽ anh làm Youtube là vô nghĩa. Anh không nghĩ vậy.
Mục đích anh làm kênh Youtube có 2 ý:
Đầu tiên, anh muốn quảng bá cho học viện. Những nội dung trên kênh được xem như một video “sampling” để độc giả họ thưởng thức, họ phân tích xem là kiến thức, kỹ năng của anh có đáp ứng được cho họ không.
Nếu thấy phù hợp, thì khi có nhu cầu họ sẽ cân nhắc tìm đến anh.
Thứ hai, chặng hành trình sáng tạo nội dung là cách để anh trưởng thành hơn. Để ra một video cho các bạn xem mỗi tuần là sự khổ luyện trong suốt 5 năm. Anh phải nghiên cứu rất nhiều chất liệu từ sách vở, cuộc sống, sau đó mới đúc kết để chia sẻ lại cho các bạn.
Sau những video xuất bản, anh thấy mình khiêm nhường, sâu sắc, đa chiều hơn. Quá trình làm nội dung còn bắt anh phải trung thực để chấp nhận những thiếu sót của bản thân. Anh thật sự nghiêm túc với những nội dung truyền đạt cho các bạn.
Bài giảng của anh hỏng cả một thế hệ
Anh biết mỗi người thầy có triết lý sống khác nhau, anh cũng vậy. Triết lý, quan điểm sống của anh có thể phù hợp hoặc không phù hợp với một số người.
Cho nên, những nội dung anh chia sẻ có khi chỉ chạm được đến một số người nhất định.
Độ tương tác, chia sẻ nội dung trên kênh của anh là rất nhỏ so với hành tỷ những video trên nền tảng mạng xã hội ngày nay. Thời đại chúng ta đang sống được xem là dư thừa thông tin và kiến thức.
Hằng ngày có rất nhiều video được sản xuất ra. Cho nên bạn xem video của anh xong có khi sẽ quên hết những điều anh nói.
Cho nên không thể nào anh đủ khả năng làm hỏng cả một thế hệ.
Thêm nữa, sự thay đổi của mỗi người là do chính người đó quyết định. Mỗi khán giả phải chịu trách nhiệm cho sự thành bại của chính mình. Nếu bạn thành công là do bạn nghiêm túc, nhẫn nại trong quá trình rèn luyện.
Để giúp học viên hình thành một thay đổi lâu dài có khi không phải chỉ một vài video anh làm trên kênh mà có thể được. Nó là tổng hoà của nỗ lực từ học viên, sự hỗ trợ từ quá trình tư vấn, đồng hành 1-1 với từng người. Rồi cùng thực hành dự án, cùng nhìn lại để cải tiến từng chút một.
Khi ấy sự thay đổi bền vững mới diễn ra.
Cho nên, các bạn đừng quy chụp để rồi hiểu sai anh nhé.
Trong video này, anh có chia sẻ kỹ hơn câu trả lời, bạn bấm vào xem.