Cứ đến mùa tuyển sinh đại học là các bạn học sinh cấp 3 lại thấp thỏm, lo lắng với cột mốc sắp tới của mình.
Bạn lo mình chọn ngành sai, bạn thì trông chờ vào quyết định của bố mẹ, bạn thì chờ thời.
Anh nhận ra trong tư duy các bạn có gì đó sai sai. Nhân bài viết này, anh sẽ trả lời một số câu hỏi mà các bạn học sinh đã gửi về cho anh, hy vọng nó sẽ giúp các bạn an tâm hơn phần nào.
Hướng cái nào trước: hướng trường hay hướng nghiệp?
Nhiều bạn học sinh lớp 12 đã chọn ngành, chọn trường xong thì lại cảm thấy không chắc chắn, sợ mình chọn sai. Bởi vì bạn cảm thấy tính cách không phù hợp với ngành đã chọn, hoặc bạn nghĩ với ngành này sau khi ra trường sẽ khó xin việc.
Cho nên mặc dù đã ra quyết định, nhưng bạn lại cứ chần chừ, đấu tranh nội tâm vì cảm thấy không chắc chắn với điều mình đã chọn.
Lời khuyên của anh không phải là chọn ngành, hay chọn trường trước, mà là bạn phải hướng nghiệp trước.
Hướng nghiệp tức là định hướng nghề nghiệp, chọn nghiệp trước sau đó mới biết là mình có nên học đại học không, hay chỉ cần học cao đẳng, hay học nghề thôi là được rồi. Rồi từ đó bạn mới biết ngôi trường nào, chuyên ngành nào sẽ dạy cho bạn để làm nghề đó tốt nhất.
Còn nếu bạn không đi học, vậy thì trải nghiệm nào, công việc nào sẽ giúp bạn làm tốt nghề sau này.
Người hướng nội thì học ngành gì phù hợp?
Đây là suy nghĩ sai lầm bởi vì mình đã tự định danh và bó hẹp bản thân trong một khuôn khổ nào đó. Người hướng nội cũng là người, họ có thể làm bất cứ công việc, ngành nghề nào mà bản thân mỗi người yêu thích.
Không có một quy chuẩn công việc nào dành cho người hướng nội.
Bất cứ công việc nào để thành công cũng đòi hỏi phải giỏi về chuyên môn, kỹ năng và mối quan hệ. Cho nên nếu bạn hiểu tính cách của mình, thì bạn nên tìm ra phương pháp phù hợp để có thể trau dồi 3 yếu tố đó theo cách riêng của mình.
Tính cách nào cũng sẽ có năng lực, điểm mạnh riêng, quan trọng là bạn hiểu mình đến đâu và tìm cho ra phương pháp tiếp cận khiến bạn cảm thấy thoải mái nhất.
Nên tiếp tục hay từ bỏ ngành học không yêu thích?
Trước khi ra quyết định nên từ bỏ hay tiếp tục ngành học không yêu thích, bạn nên làm 2 việc sau đây.
Thứ nhất, bạn nên chia sẻ chuyện đó với ba mẹ để nghe họ góp ý kiến. Bởi vì họ là người hỗ trợ tiền học cho mình nên họ có quyền được tham gia vào việc học. Nếu gia đình bạn có đủ điều kiện, họ sẵn sàng nuôi bạn thêm một năm nữa thì việc chuyển ngành không phải là vấn đề.
Tuy nhiên, sau đó bạn cũng phải xem xét thêm yếu tố thứ hai.
Việc bạn chuyển ngành là do bạn lười biếng, nán nản, không cố gắng hay là do bạn đã nỗ lực, đã có kết quả nhưng bạn cảm thấy không yêu thích.
Bởi vì, nếu bạn chuyển ngành vì bạn chưa làm tốt thì đó gọi là “give up”, còn nếu thay đổi ngành học vì bạn đã làm hết sức nhưng nhận ra nó không phải của mình, thì đó gọi là “move on”.
Trên đây là giải đáp thắc mắc của anh cho một số câu hỏi của các bạn học sinh gửi về cho anh. Bạn bấm vào video để nghe thêm câu trả lời của anh nhé!
Nếu bạn có thắc mắc với chủ đề chọn ngành này thì hãy để lại bình luận bên dưới cho anh nhé!