Flavors Vietnam 2023
16/01/2024

3 NGUYÊN TẮC nên tuân thủ trước khi CHUYỂN VIỆC

Chào bạn, anh Trí đây. Bài viết này anh sẽ bật mí 3 nguyên tắc cần tuân thủ trước khi...
Đã sao chép
Đã lưu
Chuyển việc

Chào bạn, anh Trí đây.

Bài viết này anh sẽ bật mí 3 nguyên tắc cần tuân thủ trước khi chuyển việc. Bạn nào có ý định nộp đơn vào lúc này thì rất nên đọc và áp dụng nhé.

Bắt đầu thôi nào!

Chuyển việc
3 nguyên tắc chuyển việc

Đừng chuyển việc

Hãy tháo gỡ những khó khăn trong công việc hiện tại.

15 năm anh huấn luyện và tư vấn định hướng công việc cho hơn 30,000 học viên. Có một lý do rất cảm tính mà 95% mọi người muốn chuyển việc, đó là “Tại vì em chán, em thấy không phù hợp nữa”.

Nhưng khi anh phân tích sâu nguyên nhân, thì thường các bạn trả lời đại khái không rõ ràng.

Mình phải thấy được lí do chán việc cụ thể là gì?

Ví dụ chán vì không có cơ hội, không thể phát triển, thu nhập thấp; hay chán vì công việc khiến mình burn-out…

hay ví dụ sâu hơn là mình chán vì mối quan hệ với đồng nghiệp, với sếp, với chính sách công ty…

Mọi thứ phải thật rõ ràng. Bạn phải nhìn thấy được lí do cụ thể. Như thế mới có thể biết nên tháo gỡ ở đâu. Theo kinh nghiệm của anh, khi hiểu rõ được lí do cụ thể thì cách điều chỉnh lại rất đơn giản và dễ dàng.

Bạn có tin là anh đã từng gặp trường hợp mâu thuẫn với sếp. Bạn nộp đơn xin nghỉ việc, để rồi 2 tháng sau bạn biết tin người sếp đó cũng thôi việc. Công việc đã từng làm là điều mà bạn yêu thích.

Quá uổng phí đúng không nào.

Để rõ hơn, trong video anh có hướng dẫn cụ thể cách tháo gỡ khi mâu thuẫn với sếp, khi bế tắc trong năng lực chuyên môn. Bạn bấm vào xem nhé.

Khoan chuyển việc

Tiếp theo, rút ra bài học cần thiết trước khi nghỉ việc.

Trường hợp này bạn đã cố gắng tháo gỡ nhưng vấn đề đang gặp phải vi phạm đến nguyên tắc sống của bạn. Lúc này bạn có thể chuyển việc.

Nhưng chậm lại chút, khoan chuyển việc mà hãy rút ra bài học đúc kết ở công việc cũ. Anh gợi ý một số câu hỏi, bạn dựa vào đó để trả lời.

-Vì sao ngay từ lúc phỏng vấn mình đã không nhận ra vấn đề về văn hoá/sản phẩm dịch vụ của công ty này?

-Trong lúc làm việc, mình đã làm gì khiến mối quan hệ với đồng nghiệp khủng hoảng và không thể cứu vãn?

-Mình còn điểm yếu, thiếu sót gì về chuyên môn kỹ năng khiến kết quả công việc không được đáp ứng yêu cầu?

-Mình phù hợp với điều gì và không thể chấp nhận điều gì trong công việc và môi trường làm việc?

-Mình thể hiện ấn tượng nhất khi nào? Mình thể hiện kém nhất khi nào?

Còn nhiều câu hỏi bạn có thể tự nghĩ ra, nhưng nên dựa trên nguyên tắc tập trung vào bản thân và nhận trách nhiệm về mình. Nhận trách nhiệm về mình bạn sẽ học được rất nhiều cho công việc tiếp theo.

Đây là bước quan trọng cho nên bạn hãy bình tĩnh trả lời một cách chi tiết. Nhờ đó bạn sẽ đưa ra lựa chọn tiếp theo một cách khôn ngoan, sắc bén và phù hợp hơn rất nhiều với cá tính, nhu cầu của mình.

Chuyển việc
Bài học cần rút ra khi chuyển việc

Chỉ chuyển việc khi…

Chỉ chính thức chuyển việc khi đã có định hướng mới tốt hơn.

Đây là lời khuyên chân thành của anh. Hãy xem công việc giống như một cuộc tình nghiêm túc mà chúng ta mong muốn được đồng hành bền vững, lâu dài với nhau.

Nếu bạn dự định đầu tư 2, 3 năm thanh xuân tiếp theo của mình cho một công việc hay ngành nghề nào đó. Các bạn bắt buộc phải thực hiện Due Diligence (thẩm định đầu tư, phân tích rủi ro).

Bạn đừng dựa trên những bài báo được trả tiền để tâng bốc công ty, những thông tin đại khái mơ hồ “Ngành này đang rất hot”, “Nghề kia đang kiếm được nhiều tiền”.

Một bí kíp rất hay để hiểu sâu về nội tình ngành nghề, công ty đó là bạn hãy tìm đến những người đàn anh, đàn chị kỳ cựu trong ngành từ 5 đến 10 năm. Những người đã bám trụ trong ngành qua những khủng hoảng, suy thoái và phát triển.

Họ chính là những người sẽ cho bạn thông tin vàng, giúp bạn tiết kiệm 5-7 năm trải nghiệm. Một số câu hỏi anh gợi ý tham khảo:

-Cái được và cái mất trong ngành, nghề này là gì?

-Yếu tố quan trọng nào cần có để thành công và bám trụ với nghề là gì? (ngoại hình, chuyên môn, các mối quan hệ…)

-Lối sống thường thấy của những người trong nghề là gì? (làm việc xuyên Tết, làm việc cuối tuần, có nghề phải uống rượu…)

-Trên thị trường thì công ty nào tốt, công ty nào không tốt. Tốt và không tốt cái gì?

-Những cá nhân kiệt xuất trong nghề này là ai? Họ giỏi cái gì và họ đã trả giá cái gì?

Chuyển việc
Thẩm định đầu tư và rủi ro trước khi chuyển việc

Anh rất vui nếu bạn xem bài viết này, sau đó áp dụng ngay lập tức. Thử trải nghiệm và xem bước tiến của bạn sẽ chắc chắn hơn rất nhiều trong sự nghiệp sắp tới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *