Flavors Vietnam 2023
16/05/2023

Có phải nỗi sợ đã đánh cắp những ƯỚC MƠ?

Bạn có cảm nhận nỗi sợ như những bóng đen lập lờ, đeo bám bạn dai dẳng suốt nhiều năm...
Đã sao chép
Đã lưu
Nỗi sợ

Bạn có cảm nhận nỗi sợ như những bóng đen lập lờ, đeo bám bạn dai dẳng suốt nhiều năm tháng không?

Lúc còn nhỏ sợ ma, sợ ông ba bị, sợ bị ăn đòn… Đi học sợ điểm kém, sợ dò bài, sợ bị chê học dở, sợ bị so sánh với con nhà kế bên…Đi làm sợ bị đuổi việc, sợ lương thấp, sợ thất bại, sợ kết nối, sợ trải nghiệm

Bạn ám ảnh về nó, mỗi lần ra quyết định nỗi sợ càng nhiều hơn, bạn thoái lui. Nó không rõ ràng nhưng nó choáng hết tâm trí, để rồi lý tưởng, ước mơ bị vùi lấp.

Chào các bạn anh Trí đây, các bạn đã bao giờ nghiêm túc ngồi xuống để tìm hiểu những lo âu bên trong chính mình chưa? Nếu chưa thì ngay lúc này là cơ hội tốt nhất để bạn không còn sợ nữa nhé!

Nhỏ thì sợ ma, đi học thì sợ điểm kém, đi làm thì sợ thất bại…Con người là tập hợp của nhiều nỗi sợ
Nhỏ thì sợ ma, đi học thì sợ điểm kém, đi làm thì sợ thất bại…Con người là tập hợp của nhiều nỗi sợ

Bản chất của nỗi sợ là gì?

Anh muốn phân tích bản chất sợ hãi dựa trên học thuyết “bộ não 3 trong 1” của nhà thần kinh học Paul Mclean đề xuất vào thập kỷ 60. Phân tích này giúp chúng ta biết tại sao sợ hãi.

Bộ não cấu tạo gồm 3 phần:

-Não bò sát: là bộ não nguyên thuỷ khi chúng ta tiến hoá từ loài bò sát hàng triệu năm trước. Nó chịu chức năng duy trì sự sống của cơ thể, điều khiển các hoạt động bản năng để chúng ta sinh tồn.

Nó đưa ra các phản xạ không điều kiện khi cảm thấy nguy hiểm rình rập, cho nên bộ não này được kích thích bằng nỗi sợ. Khi con người cảm thấy nguy hiểm, tự khắc bản năng sẽ tự vệ bằng cách chiến đấu hay bỏ chạy.

-Não thú: được phát triển từ loài động vật có vú, nó phát triển tập trung vào cảm xúc như những yêu thương đồng loại, nuôi dưỡng, hay chăm sóc…

-Não người: là một đặc trưng mà chỉ có ở loài người, phần não này chiếm hầu hết toàn bộ diện tích não và có nhiều nếp nhăn. Nó giữ chức năng ngôn ngữ, lý luận, tư duy, trừu tượng và đặc biệt giúp con người có tầm nhìn về tương lai, ước mơ, ý nghĩa cuộc sống.

Qua phân tích này, các bạn có thể thấy nỗi sợ là một bản năng tự nhiên mà chúng ta đã có từ xa xưa, ai trong chúng ta cũng mặc định được tạo hoá ban phát cho điều này.

Nỗi sợ là cơ chế báo hiệu chúng ta cần tự vệ: chiến đấu hoặc bỏ chạy khi gặp nguy hiểm
Nỗi sợ là cơ chế báo hiệu chúng ta cần tự vệ: chiến đấu hoặc bỏ chạy khi gặp nguy hiểm

Nỗi sợ lấn át những ước mơ

Một cái đầu đầy nỗi sợ hãi sẽ không còn chỗ cho những ước mơ. Đó là sự thật bởi vì nếu não bò sát liên tục bị kích thích, cơ chế của nỗi sợ sẽ được bật ra một cách liên tục. Lúc này, não bò sát chiếm ưu thế, tắt luôn chức năng của não thú – cảm xúc và não người – tư duy.

Điển hình trong giáo dục truyền thống, những đứa trẻ bị kích thích rất mạnh vào não bò sát. Bởi vì chúng đi học chủ yếu là vì nỗi sợ thay vì sự yêu thích.

Ở nhà bố mẹ, ông bà hay răn đe “Con phải đi học nếu không sau này sẽ đi lượm ve chai, bán vé số nghe chưa”.

Đi học thì thầy cô phê bình “Sao em học dở vậy, em sẽ bị điểm kém, em là thành phần cá biệt trong lớp vì không nghe lời…”.

Những đứa nhỏ không hiểu chúng đi học vì điều gì nếu không vì nỗi sợ.

Lớn lên chút nữa, sợ hãi không mất đi mà tăng lên do ngày càng nhiều tiêu chuẩn đặt ra. Nếu được hỏi, chúng sẽ kể liên tục về lo lắng của mình thay vì biết mình thích gì, hứng thú và tò mò với điều gì.

Hậu quả nghiêm trọng hơn nữa, khi chúng trưởng thành và đi làm toàn bộ tâm trí đã bị nỗi sợ che lấp. Lúc này những đứa trẻ là người lớn đi làm, chúng trong trạng thái mơ hồ không biết ước mơ của mình, không biết định hướng và đặt mục tiêu cho sự nghiệp, cuộc sống.

Nó tạo ra những rối loạn lo âu thường trực.

Nỗi sợ choáng hết tâm trí nên những ước mơ, lý tưởng đã không còn được nuôi dưỡng
Nỗi sợ choáng hết tâm trí nên những ước mơ, lý tưởng đã không còn được nuôi dưỡng

Cách vượt qua nỗi sợ hãi

Từ những phân tích trên, bạn đã hiểu vì sao cơ chế của nỗi sợ là rất tự nhiên bên trong nên chúng ta không thể nào xoá đi nỗi sợ được.

Hiểu như vậy thay vào đó chúng ta học cách phát triển toàn diện hơn 3 bộ não bằng cách kích thích thêm vào não thú và não người. Đó là phát triển tính tư duy, tưởng tượng và nuôi dưỡng cảm xúc yêu thương.

Đây là một hành trình dài để mỗi người luyện tập và phát triển cho mình thay vì để điều tiêu cực lấn át.

Tuy nhiên, để cho các bạn đọc xong bài viết biết cách nhanh nhất kiểm soát được nỗi sợ, anh chia sẻ 3 bước đơn giản trong phần cuối của video, bạn bấm vào xem nhé!

Cuối cùng, anh mong các bạn cùng đọc lại bài viết này nhiều lần để chiêm nghiệm, sau đó liệt kê ra cho mình bạn đang có những loại nỗi sợ nào. Đây là bước rất quan trọng để bạn nhận diện, làm cho nỗi sợ rõ ràng hơn.

Có phải mình sợ ma vì mình không biết con ma nó như thế nào phải không, tương tự nỗi sợ cũng vậy đó

Dưới đây, bình luận cho anh biết chia sẻ của các bạn nhé!

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *