Flavors Vietnam 2023

Vợ giữ hết tiền, phải sống làm sao?

Xin chào các bạn, anh tên là Nguyễn Hữu Trí hay thường gọi là Mr.Quéo Ồ ruây, ông thầy đẹp...
Đã sao chép
Đã lưu

Xin chào các bạn, anh tên là Nguyễn Hữu Trí hay thường gọi là Mr.Quéo Ồ ruây, ông thầy đẹp trai và chuyên cà khịa đến từ học việc Awaken Your Power. Bài viết hôm nay xin kể về những sóng gió trong chuyện tài chính của đa phần các vợ chồng ở Việt Nam – vợ giữ hết tiền.

Bài viết này rất quan trọng, nếu ai đã có gia đình rồi thì vô đây để đọc và cùng đấu tranh với tôi. Còn ai chưa có gia đình rồi thì nhất định phải đọc bài viết này để tự bảo vệ mình.

Đây là chủ đề rất thú vị, bởi vì theo thống kê, chuyện mâu thuẫn về mặt tiền bạc là lý do của hơn 50% cuộc cãi vã giữa vợ chồng và là gốc rễ của những rạn nứt của gia đình trong tương lai.

Gần 20 năm lập gia đình, cá nhân của anh đã trải qua rất nhiều khó khăn, và nếu không có sự hỗ trợ từ vợ anh nghĩ mình cũng khó có thể vượt qua được.

Vì vậy, cá nhân anh xin chia sẻ 1 vài góc nhìn về việc vợ lúc nào cũng giữ hết tiền của mình.

Vợ giữ hết tiền là 1 quan điểm đã hết sức lạc hậu

 “Đàn bà mặc định là người giữ tiền, đàn ông giữ tiền sinh hư”

Quan điểm này đã từng đúng trong quá khứ khi đàn ông trong gia đình là người duy nhất kiếm tiền, còn phụ nữ thì phải ở nhà lo chuyện chợ búa, bếp núc, con cái.

Trong bối cảnh đó thì việc vợ giữ hết tiền có vẻ hợp lý và có lợi bởi vì người chồng là người duy nhất kiếm tiền.

Khi áp lực mệt mỏi hoặc nếu trúng 1 vố lớn thì anh ta thường có xu hướng tiêu xài theo cảm xúc. Vung tay quá trán, hoặc đốt tiền ăn chơi để xả stress.

Ngược lại người vợ không vất vả kiếm tiền cho nên họ sẽ bình tĩnh hơn.

Họ là người chịu trách nhiệm cho việc chi tiêu trong gia đình, nuôi con, đi chợ cho nên sẽ có những tính toán trong việc chi tiêu và tiết kiệm lâu dài. Ở thời xa xưa đó, cô vợ sẽ có những tính toán tốt hơn anh chồng.

Vợ giữ hết tiền là 1 quan điểm hết sức lạc hậu.

Nhưng thưa các bạn, đó là thời đã xưa lắm rồi. Ngày hôm nay vai trò của phụ nữ và nam giới đã thay đổi quá nhiều.

Vậy thời nay, ai nên là người giữ tiền trong gia đình?

Xã hội hiện đại, ai nên là người giữ tiền trong gia đình?

Xã hội hiện đại, người phụ nữ cũng phải bươn chải, chịu áp lực không thua gì nam giới.

Tiềm năng kiếm tiền cũng như rủi ro trong phung phí chi tiêu của 2 phái nam nữ là tương đương nhau.

Chưa kể, mua nhà trả góp, tích lũy, bảo hiểm, dự phòng và đến thời điểm nào đó nó sẽ là kinh doanh, đầu tư để đa dạng hóa dòng tiền. Những khía cạnh này không thể mặc định cô vợ luôn là người giỏi nhất được.

Xã hội hiện đại, không bắt buộc người vợ giữ hết tiền trong gia đình.

Anh và vợ có 2 người bạn rất thân thời đại học hiện đã về chung 1 nhà.

Cô vợ là 1 người kiếm tiền rất giỏi, là 1 lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm trong 1 công ty lớn. Nhưng trong gia đình của chị ấy, anh chồng lại là người quản lý tiền bạc.

Vì anh chồng là 1 người cực kỳ giỏi về phân tích tài chính và là 1 nhà đầu tư rất lão luyện. Cho nên có lẽ trong thời buổi này chúng ta cần có 1 cách đánh giá khác về việc vợ giữ hết tiền trong gia đình

Về cách sắp xếp và quản lý tài chính trong gia đình có 3 kiểu, cùng xem thử vợ chồng bạn hoặc có khi là ba mẹ bạn ngày trước đang quản lý theo kiểu nào nhé.

3 kiểu quản lý tài chính trong gia đình

Kiểu đầu tiên và cũng là kiểu dễ gây tranh cãi nhất hiện tại: Tiền ai nấy giữ

1) Hệ tiền ai nấy giữ:

Mỗi người có 1 thu nhập riêng. Họ sẽ thống nhất với nhau về các khoản chi phí sinh hoạt chung.

Còn lại tất cả các chi phí chi tiêu cá nhân thì thân ai nấy giữ.

3 năm đầu tiên ngày mới cưới, vợ chồng anh đã sống theo hệ này.

Tuy nhiên nếu theo hệ này, khó chịu đầu tiên: Bất cứ khoản phí phát sinh nào đều phải thảo luận.

“Cái này anh trả hay em trả? Quà cưới của bạn em chứ có phải của anh đâu mà chia đôi?”

Việc thảo luận thường xuyên này, nếu không khéo léo và thẳng thắn thì dễ gây ra những sứt mẻ cho sự lãng mạn của đời sống vợ chồng.

Ưu và nhược điểm của hệ tiền ai nấy giữ.

Về lâu dài, việc này giới hạn khả năng tiết kiệm chung cho gia đình và sự minh bạch thấp cũng dễ gây ra lục đục trong các mối quan hệ.

2) Tất cả là của gia đình:

Thu nhập góp hết vào 1 chỗ. Không có vụ vợ giữ hết tiền mà là tiền của gia đình. Và nếu ai trong gia đình cần chi cái gì thì đề xuất, thảo luận, duyệt, chi trả.

Dĩ nhiên, quỹ gia đình sẽ giao cho 1 người quán xuyến, có khi là vợ, đôi khi là chồng.

Theo hệ tất cả là của gia đình thì điểm mạnh lớn nhất chính là sự minh bạch.

Không lo âu, không ngờ vực, cứ cần tiền thì liên hệ người này. Về lâu dài, nếu gặp được người có khả năng vun vén, tiết kiệm và chi tiêu cho gia đình sẽ giúp cho tích lũy chung của gia đình gia tăng 1 cách nhanh chóng.

Tuy nhiên cái giá phải trả sẽ là sự hy sinh tự do cá nhân khi cái gì cũng phải xin, từ cái áo, cái quần, cái son cho đến tiền cafe bạn bè.

Ưu và nhược điểm của hệ tất cả là của gia đình.

Do vậy nếu quá cứng nhắc và rập khuôn sẽ khiến cho đời sống vợ chồng trở nên khô khan và mất đi sự lãng mạn của người yêu.

3) Góp gạo thổi cơm:

Đây là hệ nằm giữa 2 hệ quản lý trên: Mỗi người góp 1 phần thu nhập của mình vào quỹ chung của gia đình và vẫn giữ 1 khoảng riêng để chi tiêu cá nhân. Đây là phương thức mà gia đình anh vẫn đang sử dụng vào thời điểm này.

Phương thức này về mặt lý thuyết hội tụ được ưu điểm của 2 mô thức trên. Vừa minh bạch và rõ ràng trước mắt, vừa đảm bảo được tương lai bền vững lâu dài.

Phương thức này chỉ có 1 điểm yếu duy nhất là đòi hỏi 1 nguồn thu nhập dồi dào ổn định hơn nhiều.

Nếu các bạn còn trẻ, thu nhập thắt thẻo thì rất khó để triển khai phương pháp này hiệu quả.

Ưu và nhược điểm của hệ góp gạo thổi cơm.

Về cá nhân anh nghĩ là nếu được thì các cặp đôi có thể bắt đầu với mô thức 1 hoặc 2 để rồi khi thu nhập của mình ổn hơn rồi thì có thể san sẻ với nhau khi áp dụng mô thức 3.

Ngày đó anh và vợ cũng rất cực khổ đeẻ có thể áp dụng được mô thức thứ 3 vào đời sống gia đình nên nếu bạn nào cũng muốn biết cách anh đã áp dụng thì xem video đầy đủ tại đây:

Còn lại có 5 nhắn nhủ mà anh nghĩ anh đã góp nhặt được để chia sẻ với các bạn trong những ngày tháng rất gian khó này:

  1. Sự tin tưởng tài chính giữa vợ chồng phải nuôi dưỡng từng bước một
  2. Thường xuyên trao đổi giúp thống nhất mục tiêu tài chính chung của 2 bạn
  3. Khiêm nhường, cư xử tinh tế khi có sự chênh lệch tài chính
  4. Quản lý tài sản tích lũy bằng nguyên tắc của quỹ đầu tư
  5. Chủ động cập nhật, trao đổi tình hình tài chính với các con

Các bạn có thể xem đầy đủ các thực hành 5 nhắn nhủ này ở video full youtube.

Và cuối cùng, vợ tôi cũng có nhắn nhủ 1 bài học mang tính sống còn với các ông chồng, đó là: ĐỪNG BAO GIỜ GIẤU DIẾM TIỀN BẠC VỚI VỢ CỦA MÌNH! Không có giấu được đâu! Trước sau gì cũng lòi ra thôi.

Nếu có 1, 2 điểm các bạn cảm thấy thú vị hoặc là các bạn có 1, 2 cái băn khoăn trong cái chủ đề này và rất mong mọi người có thể cởi mở bình luận bên dưới.

Dành riêng cho bạn nào không gặp vấn đề tiền bạc với vợ mà là với sếp thì có thể xem thêm bài viết 2 cách deal lương tinh tế nha.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *