“Con nhớ phải luôn ngoan ngoãn và vâng lời bố mẹ nghe chưa!” – Đây là hai tính cách điển hình luôn được đề cao trong văn hóa nuôi dạy con cái ở Việt Nam.
Khi gặp một đứa trẻ, người lớn thường không hỏi: Cháu nó có tự tin không? Cháu nó có năng khiếu hay cá tính gì?… mà gần như luôn hỏi là “Cháu nó ở nhà có vâng lời không?” Và người ta hay khen những đứa trẻ ngồi im lặng là ngoan ngoãn, bố mẹ khéo dạy con. Để rồi khi lớn lên nhiều người trong chúng ta lại bị nói là tự ti, nhút nhát,…
Vậy nên trong bài viết này, anh Trí xin được chia sẻ với các bạn về chủ đề TƯ DUY DẠY CON. Anh **** mong muốn: Khi chúng ta không thể thay đổi hành vi và suy nghĩ của ba mẹ mình thì hãy chủ động thiết kế tư duy và hành động của ba mẹ con mình sau này!
OK, chúng ta bắt đầu nhé!
Tư duy dạy con ngoan ngoãn, vâng lời trong thời đại của bố mẹ
Các bạn có từng thắc mắc vì sao bố mẹ luôn mong muốn, luôn có xu hướng rèn giũa chúng ta trở thành những đứa trẻ ngoan ngoãn và vâng lời hay chưa?
Anh lý giải thế này: bố mẹ chúng ta nằm ở lứa tuổi 6x, 7x hoặc đời đầu 8x, họ có tuổi thơ gắn liền với những hệ quả sau chiến tranh với mặt bằng chung là sự thiếu thốn về vật chất, dịch vụ, cơ hội việc làm,…
Vậy nên để có được chút ít tài sản, họ đã phải làm lụng rất vất vả, bươn chải mưu sinh chỉ mong tương lai con mình được khá hơn.
Sẽ ra sao nếu anh chị không giữ kỹ bộ sách giáo khoa để “truyền” lại cho các em, sẽ ra sao nếu con liên tục làm hư hại, thất lạc đồ đạc trong nhà? Nếu bạn ở thời đại đó, bạn có mong con mình phải ngoan ngoãn, không nghịch dại và vâng lời không?
Giờ đây các bạn đã hiểu vì sao tính cách ngoan ngoãn lại được bố mẹ đề cao chưa?
Dùng tư duy dạy con của 30 năm về trước, điều gì sẽ xảy ra?
Như anh đã chia sẻ từ phần đầu của bài viết, ngày hôm nay chúng ta vẫn đang dùng tư duy dạy con phù hợp với 30 năm về trước để dạy những đứa trẻ của 30 năm sau.
10 năm trở lại đây, nền kinh tế Việt Nam đã phát triển rất nhanh và cực kỳ năng động. Thời thế thay đổi hoàn toàn so với 30 – 40 năm về trước. Những đứa trẻ ngày nay được sinh ra trong một xã hội ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất với vô vàn lựa chọn về vật chất, dịch vụ, hàng hóa, việc làm,…
Chúng ta liên tục tiếp cận những thông tin mới, kiến thức mới. Chúng ta có thể lựa chọn con đường phát triển từ trong nước cho đến quốc tế. Chúng ta được khuyến khích phải linh hoạt, năng động, sáng tạo, phải không ngừng nâng cấp.
Vậy nên đức tính ngoan ngoãn, vâng lời trong xã hội công nghiệp cũ nhiều thiếu thốn không còn phù hợp với cuộc chơi đa màu, đa sắc như hiện nay nữa.
3 tư duy dạy con của ông Quéo
Ngày hôm nay, bố mẹ cần thay đổi cách nhìn cũng như tư duy dạy con để con mình có cơ hội phát triển đúng hướng, phù hợp với thời đại.
Ở đây, ông Quéo – Nguyễn Hữu Trí xin được chia sẻ với các bạn 3 tư duy dạy con được đúc kết từ chính bản thân anh:
1) Thay vì ngoan ngoãn, hãy dạy cho con tinh thần chịu trách nhiệm
Có thể hôm nay con lên internet học hỏi được nhiều điều mới mẻ hơn ba mẹ. Ba mẹ sẽ không cấm đoán con, nhưng con phải biết cân nhắc suy nghĩ trước khi đưa ra những lựa chọn và con phải chịu trách nhiệm cho những lựa chọn của mình.
Bố mẹ giỏi sẽ biết cách tạo ra một “phòng thí nghiệm cuộc sống” cho con mình có không gian an toàn để khám phá, trải nghiệm. Đương nhiên căn phòng này sẽ kèm theo những giới hạn cơ bản về thời gian, tiền bạc hoặc nguyên tắc gia đình, xã hội mà ta làm rõ với con.
Từ đó con trẻ được học tập, rèn luyện và độc lập chịu trách nhiệm với thành công hay thất bại của mình.
Để hiểu một cách chân thực nhất về nguyên tắc này, các bạn có thể xem tiếp video bên dưới để biết được ông Quéo đã làm gì khi con mình đòi… thức khuya!
2) Hãy động viên con phản biện mình một cách điềm tĩnh và thuyết phục
Ngày trước khi anh còn ở Singapore và tham gia một khóa huấn luyện về kỹ năng lãnh đạo, thầy của anh đã nói rằng gia đình là nơi thử thách nhất để các bạn trui rèn năng lực lãnh đạo của mình.
Nếu từ nhỏ đến lớn, ba mẹ luôn đàn áp những suy nghĩ, ý kiến cá nhân, liên tục khẳng định: “Mày thì biết cái gì!! Mày càng nói càng sai thôi, mày im đi, cấm có cãi!” – thì mai này con mình vào đời sẽ bị người ta lấn át, ức hiếp một cách dễ dàng.
Một khi chúng ta tin là mình kém, mình yếu thì ta sẽ không bao giờ dám ý kiến, dám đối kháng trước chỉ trích, áp đặt và dần mất đi chính kiến. Người như vậy ở xã hội ngày nay làm sao có đủ năng lực cạnh tranh, làm sao phát triển, làm sao dựng nên sự nghiệp được!
Và ác nghiệt hơn, những người này sẽ có xu hướng xả hết uất ức, dồn nén lên đầu bất kì ai yếu thế hơn với lòng tin chúng có quyền định đoạt, phán xét số phận của người khác như cách mà ba mẹ chúng đã làm.
Đó cũng là lý do anh luôn động viên con mình hãy học cách “cãi lời” một cách điềm tĩnh, có luận điểm và đầy tính thuyết phục. Nếu bạn muốn biết kết quả nó ra sao, video phía trên có thể giúp bạn.
3) Hãy hóa thân thành phiên bản bố mẹ mà bạn hằng ao ước
Có thể chúng ta chưa may mắn để có một ông bố, bà mẹ đủ sâu sắc nhưng chúng ta có quyền mang lại sự may mắn đó cho con cái mình sau này.
Nếu ngày hôm nay, chúng ta vẫn đổ lỗi cho hoàn cảnh, vẫn tự ti và lệ thuộc thì các bạn không thể khơi gợi ý chí độc lập, bản lĩnh và cá tính mạnh mẽ của con mình được.
Vậy nên hãy trui rèn cho chính mình tinh thần trách nhiệm, sự dũng cảm thể hiện quan điểm cá nhân và một tinh thần sẵn sàng chịu trách nhiệm để ta trở thành chiếc gương cho con cái cũng như học cách Yêu thương con cái mà không làm con bị tổn thương!
Quá trình trưởng thành, phát triển của bạn sẽ là một gia tài vô cùng giá trị có thể di truyền cho các thế hệ sau này. Hãy hành động ngay từ bây giờ, ngay từ chính bản thân mình các bạn nhé!
Cuối cùng, nếu bạn yêu thích chủ đề TƯ DUY DẠY CON này hoặc muốn chia sẻ bất cứ điều gì, ông Quéo đang chờ các bạn ngay dưới phần bình luận. Hãy cho anh biết suy nghĩa của bạn nào!
anh bt tâm lý học sát thủ không
e có 1 chuyện gấp lắmmmmmmmmmmmmmmmmmmmmmmmmmmm