Ước mơ luôn là vấn đề thế kỷ và luôn là câu hỏi hot nhất trong bất kỳ thời đại nào, nhất là trong thế hệ Gen Z khi ước mơ và cá tính được đặt lên hàng đầu. Vì thế, có rất nhiều bạn trẻ thắc mắc và có những trăn trở xoay quanh vấn đề này.
Xin chào các bạn, anh là Nguyễn Hữu Trí đến từ học viện Awaken Your Power. Hôm nay, anh xin chọn chủ đề chính là ước mơ và sẽ giải đáp một vài thắc mắc của các bạn trẻ đã comment dưới video của anh. Câu trả lời của anh chỉ dựa vào quan điểm cá nhân và sự tích lũy tư vấn mười mấy năm nay. Vì thế, các bạn có thể xem và tham khảo cho định hướng công việc cá nhân của mình.
Bây giờ bắt đầu nghen… Let’s go.
Nếu không có ước mơ thì làm sao?
Sống qua ngày, vui qua đời thôi em. Thật sự mà nói nghen… tỉ lệ phần trăm người không có giấc mơ với có là cao hơn rất nhiều. Nên làm người bình thường có gì không tốt đâu em.
Anh nói vậy không phải là khuyến khích mọi người không tìm giấc mơ mà hãy coi việc mình không có giấc mơ là chuyện rất bình thường và hãy cứ sống vui vẻ đến khi “nó” đến gõ cửa nhà mình là được. Và tất nhiên, trong quá trình đấy mình cũng sẽ trải nghiệm, trầy trật một chút thì “nó” mới đến. Chứ nằm há miệng chờ giấc mơ đến thì hơi khó nha.
Nhưng vì sao anh khuyên tụi em không nên bắt buộc bản thân phải có ước mơ? Vì thành thật đi, không phải ai cũng có nó. Khi bản thân tụi em tự ép mình thì các em phải đi vay mượn đam mê người khác hoặc bị người khác áp đặt “ước mơ” nào đó vào để lợi dụng các em đem lại lợi ích cho họ.
Vậy nên, hãy tỉnh táo và đừng quá áp lực bản thân phải có giấc mơ nghen.
Có quá nhiều ước mơ phải làm thế nào?
“Nếu có nhiều ước mơ quá thì ưu tiên cho cái nào vậy ạ”
Thiệt sự mà nói thì câu này anh cũng thấy hơi… lạ, hơi bất ngờ. Thường thì người ta tìm mòn mắt cả đời nhiều khi còn chưa có một giấc mơ chân chính. Còn bạn thì lại có quá nhiều giấc mơ thì bạn có chắc… đó là giấc mơ của mình không? Hay là sự hứng thú nhất thời.
Vầy đi, có nhiều đi nữa anh nghĩ tầm 15 cái là cùng. Ngồi viết 15 cái cũng xỉu lên xỉu xuống rồi. Bạn viết xong thì làm thêm 3 cột bên cạnh: điểm mạnh, điểm yếu và cái giá bạn phải trả để thực hiện nó. Khi viết xong, anh đoán chắc loại ra còn khoảng chừng 8-10 cái. Sau đó thì bắt đầu trải nghiệm.
Cố gắng, gồng mình hết sức và xem như nó là mục tiêu đời mình rồi trải nghiệm. Các bạn có thể xem thử mình có thể chịu được cái nào, có thể đi lâu dài với cái nào rồi từ từ quyết định hen.
Làm cách nào để có “ước mơ dài hạn”?
“Anh Trí ơi, em cũng có những giấc mơ, những định hướng, nhưng đó chỉ là mục tiêu vài tháng, 1 năm tiếp theo. Vậy làm sao để tìm được giấc mơ, đam mê thật sự của mình để xác định đoạn đường dài vậy anh”
Trời đất ơi, anh hỏi thiệt nghen… bao nhiêu tuổi rồi mà trông chờ chi cái xa xôi quá vậy. Anh – một ông già bốn mấy rồi đây nhưng mùa dịch vừa rồi giấc mơ của anh nó thay đổi là tính theo đơn vị tuần luôn á.
Anh đã từng hỏi một người mentor của anh – một ông sếp lớn trong ngành sản xuất giấy cũng câu hỏi tương tự vậy á: làm cách nào để giấc mơ, định hướng dài hạn. Người ta nói với anh là… mày khùng hả? Tụi anh có được cái định hướng 3 năm thôi mà dàn lãnh đạo cấp cao suy sụp suốt mấy tháng. Định hướng chi mà xa vậy…
Đầu tiên, em nên hoàn thành những mục tiêu nhỏ trước rồi từ từ khi có kinh nghiệm, có bản lĩnh thì mình sẽ dần dần nâng giấc mơ, mục tiêu, mục đích đời mình lên dần nghen.
Tổng kết các vấn đề về ước mơ
Chung quy ước mơ là thứ rất mơ hồ, là thứ “gần ngay trước mắt mà xa tận chân trời”. Vì thế, người muốn tìm kiếm giấc mơ đã nhiều, người muốn sống với đam mê của mình lại càng nhiều hơn. Vì thế, không có gì sai khi các bạn trẻ có rất nhiều thắc mắc, trăn trở về vấn đề giấc mơ, nhất là trong định hướng công việc. Anh mong bài hôm nay sẽ giúp ích cho các bạn phần nào.
Tuy nhiên, trong video dưới đây, anh sẽ có thời gian để trả lời nhiều và sâu sắc những câu hỏi của các bạn hơn. Vì thế, các bạn có thể xem video dưới đây và đặt những câu hỏi, những băn khoăn, thắc mắc về giấc mơ của riêng mình nghen.