Xin chào các bạn! Anh là Nguyễn Hữu Trí – Mr Quéo đến từ Học viện Awaken Your Power.
Ngày hôm nay, anh muốn chia sẻ với các bạn về một câu chuyện của một bạn học viên trong khoá học AYP của bọn anh. Bạn ấy tên là Anh Thư.
20 năm sống vì “người khác”, Thư dần lãng quên chính mình.
20 năm chịu tổn thương, Thư vô tình gây tổn thương cho chính người mình yêu thương nhất.
Các bạn hãy cùng lắng nghe Anh Thư chia sẻ câu chuyện của mình trong video dưới đây nhé!
Một câu chuyện cảm động và đáng suy ngẫm, đúng không nào?
Tiếp theo, trong bài viết này, anh sẽ chia sẻ 3 bài học quý giá có thể rút ra từ câu chuyện của Anh Thư. Các bạn đã sẵn sàng chưa nào? Let’ go!
Tổn thương tâm lý đủ lâu sẽ ảnh hưởng đến những phần còn lại
Đầu tiên, qua câu chuyện của Anh Thư, chúng ta phải nhận ra rằng:
Đôi khi trong tuổi thơ hoặc trong suốt quá trình chúng ta lớn lên, có những biến cố xảy ra. Đó có thể là biến cố về gia đình, trường lớp,… Và rồi một ai đó từ môi trường bên ngoài ức chế, đè nén quyền được hồn nhiên, vui chơi, tò mò, thích thú của chúng ta vì một yếu tố hoàn cảnh nào đó.
Và khi đã bị cưỡng chế đủ lâu thì chúng ta tự làm điều đó với chính mình luôn.
Khi phải gồng liên tục trong một thời gian rất dài và không cho những cảm xúc chân thật của mình được lắng nghe, không cho những cảm xúc vui vẻ, hồn nhiên mà bất kì đứa trẻ nào cũng có được thể hiện thì nó sẽ tạo nên những tổn thương tâm lý.
Đừng xem thường cảm xúc và tâm lý của mình. Bởi vì khi mình gây ra các tổn thương về cảm xúc và tâm lý trong một thời gian đủ lâu thì tự khắc chúng sẽ chuyển hoá thành những tổn thương về mặt vật lý.
Vậy nên chúng ta cần chú ý hơn về việc lắng nghe những cảm xúc, tâm lý và tinh thần của mình. Nếu việc bỏ mặc cảm xúc, tinh thần đủ lâu thì nó sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến những phần còn lại.
Tổn thương dưới danh nghĩa tình thương
Điều thứ hai mà chúng ta có thể nghiệm ra từ câu chuyện của Anh Thư đó là:
Sau những tổn thương và mất mát trong quá khứ thì Thư luôn rất lo lắng và sợ bất cứ thứ gì sẽ xảy ra với hai đứa em của mình. Vì vậy nên bên cạnh chuyện thương em, Thư bắt đầu có những hành vi kiểm soát chúng.
Và sự ám ảnh kiểm soát, gò bó đó của Thư đã gây nên những bất hạnh, cãi vã giữa bạn và em của mình. Tình thương của bạn đã vô tình gây tổn thương cho em mình.
Qua chuyện này, ngày hôm nay, nếu lỡ bạn nào đang rơi vào tình trạng bị kiểm soát bởi người thân của mình, bởi những người luôn nói là thương mình và mình cũng biết rằng họ thương mình thì các bạn đừng vì chuyện này mà thù ghét hay căm hận họ.
Chúng ta hãy chậm lại 1 nhịp và bình tĩnh để hiểu và thương người thân của mình hơn. Bởi vì có khi mình không biết rằng cuộc đời của họ đã trải qua những mất mát gì đó khiến cho họ sợ, vì sợ nên họ mới gây ra những hành vi kiểm soát.
Hiểu được lý do vì sao họ làm như vậy để chúng ta đừng căm ghét người thân của mình nữa. Bởi vì khi sự tức giận, thù hận tích tụ đủ lâu thì nó sẽ gây ra cho mình những tổn thương tâm lý rất nặng nề.
Bù đắp sự tổn thương bằng những điều nho nhỏ
Điều cuối cùng là một bài học rất dễ thương khiến anh vô cùng tâm đắc đó là:
Trong cuộc sống này, không phải bất cứ việc gì chúng ta làm cũng cần phải gắn với một điều gì đó to lớn như một kế hoạch 5-10 năm hay một định hướng lâu dài của sự nghiệp.
Anh, các bạn hoặc bất cứ ai trong chúng ta cũng có quyền làm một điều gì đó chỉ đơn giản vì chúng ta thích, thế thôi!
Gần 20 năm trước, cuộc đời đến và tước đoạt đi những ngày tháng được quyền sống một cách vô tư, vô lo của Anh Thư. Bạn ấy đã phải gồng gánh ngần ấy năm để hỗ trợ mẹ, để chăm lo và bù đắp cho hai đứa em.
Ngày hôm nay, khi đã hơn 30 tuổi, Anh Thư đã tìm lại cho mình quyền được có khoảng thời gian sống một cách hồn nhiên, vô lo giống như vậy.
Bạn ấy có quyền được làm những điều khiến bạn ấy vui mà không gây phiền toái hay tổn hại cho ai và nó không nhất thiết phải mang lại giá trị cho khách hàng, thị trường hay xã hội gì hết.
Cuộc sống đâu chỉ có việc đi làm kiếm tiền hay định hướng sự nghiệp lâu dài. Cuộc sống còn phải có những khoảnh khắc bình an, hồn nhiên, được kết nối với chính mình và được làm những điều khiến mình hạnh phúc.
Và đó là 3 bài học anh nghiệm ra được từ câu chuyện của Anh Thư. Còn các bạn thì sao? Hãy chia sẻ cảm nhận của các bạn ở dưới phần bình luận nhé!