Xin chào các bạn, xin được giới thiệu, anh tên là Nguyễn Hữu Trí. Chào mừng các bạn đến với chuyên mục Quéo’s Health – Nơi anh chia sẻ những câu chuyện chạy bộ đầy drama và những rút tỉa thẳng, thấm, thô, thật mà anh đã trầy trật học hỏi để có thể duy trì được lối sống năng động đều đặn và bền vững như ngày hôm nay.
Bài viết này xin được chia sẻ về triết lý tập luyện No Pain No Gain – triết lý tập luyện anh đã theo đuổi trong 1 thời gian dài trước đây và cũng giúp anh gặt hái được nhiều kết quả. Tuy nhiên nếu bạn nào đang tập theo triết lý này hẳn sẽ đồng ý với anh những buổi tập thường rất nặng nề và chỉ sau 1 thời gian ngắn mình cảm thấy kiệt sức, không muốn đi tập tiếp. Vậy đọc hết bài này và anh sẽ hướng dẫn 1 cách tập luyện mới vừa không đau đớn mà còn vui nha.
Nguồn gốc của triết lý No Pain No Gain
Đầu tiên, để hiểu tại sao tập theo No Pain No Gain khó duy trì thì mình phải biết nguồn gốc nó đến từ đâu trước.
Đó giờ ta hay nghe về No Pain – No Gain trong việc phát triển nói chung và rèn luyện thể thao nói riêng, ta luôn nghĩ rằng việc phải cố gắng hết sức trong từng buổi tập, phải đốt cạn hết năng lượng trong lúc rèn luyện thì mới mong có được kết quả hoặc cải thiện thành tích của bản thân.
Nên sau những buổi tập đó, có phải bạn luôn thấy:
+Mệt mỏi
+Cảm giác sợ đến ngày tập tiếp theo
+Đau nhức cơ thể vào ngày hôm sau
Từ đó khiến việc tập luyện của bạn bị trì hoãn, đôi khi phải bỏ “cục tiền” cho phòng tập hoặc PT để tìm được sự nghiêm túc, hoặc có khi vì bộn bề công việc nên đành bỏ qua, không ưu tiên cho việc tập luyện.
Vì sao tập luyện theo No Pain No Gain khó duy trì?
Về mặt sinh lý, No Pain No Gain gắn liền với nguyên tắc phát triển cơ bắp: Nếu cơ bắp của chúng ta bị đẩy tới giới hạn và bị tổn thương thì sau đó nó không chỉ phục hồi như cũ mà thậm chí còn phát triển mạnh hơn. Tuy nhiên, lạm dụng phương thức này chỉ dễ gây ra các chấn thương khó phục hồi và khiến bạn dễ rơi vào stress sau những buổi tập.
Các bạn hỏi vì sao anh biết ư? Vì anh đã từng tập luyện theo phương pháp này gần 5 năm trời, và chặng hành trình đó không dễ dàng chút nào …
Ông Quéo đã duy trì 5 năm tập theo No Pain No Gain như thế nào
Tại thời điểm này, sau 6 năm đều đặn chạy bộ, anh đã hoàn thành hầu hết những giải chạy khắc nghiệt nhất ở Việt Nam. Cũng chính vì vậy việc luyện tập chạy bộ đối với anh là 1 phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày.
Tuy nhiên, thú thật thì chỉ trong 1 năm gần đây, anh mới dần thay đổi và có cái nhìn đúng về việc tập luyện. Thời điểm trước 2022, anh vẫn luôn giữ cho mình triết lý tập luyện No Pain No Gain. Những buổi tập khi đó sẽ là dốc hết sức dù cho ngày hôm đó có mệt mỏi và rã rời.
Các bạn tưởng tượng mà tập đến nỗi lè lưỡi, xanh mặt. Cảm giác như mình vừa CHẾT ĐI SỐNG LẠI, thở thì không ra hơi. Để rồi trước mỗi buổi tập anh sẽ luôn lê lết khắp nhà, “giả vờ” tìm cái chai, kiếm cái quần, đôi vớ, chỉ để có cớ “trì hoãn” những cái buổi tập KHÔ MÁU đáng sợ đó.
Mọi việc chỉ thay đổi cho đến đầu năm 2022, khi chỉ còn 9 tháng là anh sẽ tham gia giải chạy VMM ở Sapa cự ly 160km. No Pain No Gain khiến cơ thể của anh bị giới hạn lại, để rồi anh buộc phải thay đổi cách tập luyện để chuẩn bị cho cuộc đua 160km dài đằng đẵng, đó là lúc anh tìm thấy 1 triết lý tập luyện vừa không đau đớn mà còn vui, No Love No Gain.
Triết lý tập luyện vừa vui vẻ vừa không đau thay thế No Pain No Gain
Phương pháp tập luyện No Love No Gain, với Love ở đây là yêu. Mà “yêu” sẽ không phải là nuông chiều, dễ dãi mà nó có nghĩa là “hiểu”. Quá trình tập luyện bắt đầu từ việc hiểu mình, hiểu cơ thể mình muốn gì, khi nào cần nghỉ ngơi, tại sao lại có những cảm xúc khác nhau ở những thời điểm bất kỳ, hiểu cả những trạng thái tích cực hay cạn kiệt năng lượng của mình. Từ đó tự mình lên những kế hoạch tập luyện phù hợp với riêng bản thân để cơ thể phát triển được tự nhiên và khỏe mạnh nhất.
4 bước để áp dụng ngay No Love No Gain vào những bài tập hàng ngày của các bạn:
- Lắng nghe và thấu hiểu nhu cầu của cơ thể
- Giải tỏa hoàn toàn căng thẳng trong luyện tập
- Tập nhẹ nhàng, thư giãn ở nhịp tim vừa phải để cơ thể tích lũy đủ sự khỏe mạnh và dẻo dai trước khi tăng khối lượng bài tập
- Rèn luyện dựa trên sự thích thú, thư giãn và kết nối với bản thân
Để hiểu rõ hơn cách áp dụng những bước này vào thực tế như thế nào thì các bạn có thể xem hướng dẫn của anh tại đây nha:
Còn lại riêng với những bạn ở thời điểm này thật sự quan tâm và muốn tìm hiểu kỹ hơn về triết lý tập luyện và phương pháp để lắng nghe kết nối cơ thể, trải nghiệm hòa mình với thiên nhiên thì có thể tham khảo AYP Adventure – Khóa học nuôi dưỡng lối sống năng động, khóa học và các trải nghiệm duy nhất trong học viện mà anh và các bạn sẽ có dịp gặp nhau trực tiếp để trèo đèo lội suối và vượt qua những giới hạn của chính mình.
Thông tin chi tiết về khóa học các bạn tham khảo Tại đây.