Flavors Vietnam 2023
04/04/2023

Triệu chứng nỗ lực ảo – Càng nỗ lực càng không ra kết quả

Xin chào các bạn, xin được giới thiệu, anh tên là Nguyễn Hữu Trí hay thường gọi là Mr. Quéo...
Đã sao chép
Đã lưu

Xin chào các bạn, xin được giới thiệu, anh tên là Nguyễn Hữu Trí hay thường gọi là Mr. Quéo Ồ ruây, ông thầy đẹp trai và chuyên cà khịa đến từ học việc Awaken Your Power. Bài ngày hôm nay sẽ viết về chủ đề nỗ lực ảo – triệu chứng khi chúng ta càng cố gắng nỗ lực làm 1 việc gì đó, thì kết quả lại càng không đến.

Có bao giờ bạn trải qua chuyện đó chưa? Nếu vẫn chưa hình dung ra được nỗ lực ảo là gì thì cùng kiểm tra xem thử các bạn có dính triệu chứng nào của nỗ lực ảo không nhé.

6 triệu chứng của nỗ lực ảo:

1) Mua sách để đầy nhà nhưng không bao giờ sự đọc hết cuốn nào.

2) Đăng ký nhiều khóa học, nhưng đến ngày đi học thì lại lười không đi.

3) Tải tài liệu đầy máy nhưng không bao giờ mở ra.

4) Biết phải học, tập trung, nỗ lực cố gắng nhưng … thôi nghỉ ngơi chút đã.

5) Lưu các trang web hay, clip đỉnh vào trong danh sách ưa thích và rồi không bao giờ mở lên xem lại.

6) Rất cuồng tham gia những buổi hội thảo hù hà, truyền động lực, hừng hực đến khi về nhà thì xìu.

Đã bao giờ các bạn trải qua những cảm giác này chưa? Và nếu ai trong số các bạn dính từ 2 đến 3 triệu chứng trong mục này thì cũng đừng quá lo lắng. Đọc tiếp bài viết, anh sẽ phân tích và hướng dẫn các bạn các cách bước ra khỏi vòng lặp “nỗ lực ảo”.

Nỗ lực ảo không đáng sợ, đáng sợ là bạn không nhận ra nó.

2 loại nỗ lực ảo đa phần mọi người mắc phải.

Nỗ lực ảo có 2 cấp độ: Nỗ lực ảo nhập môn (loại nhẹ) và nỗ lực ảo chuyên sâu (loại nặng). Những triệu chứng phía trên đều là nỗ lực ảo loại nhẹ nên sẽ dễ khắc phục hơn.

Về nỗ lực ảo nhập môn:

Đây là loại nỗ lực bị thôi thúc bởi nỗi đau. Nỗi đau khi bị mất mặt, mất kết quả, mất tiền, mất cơ hội. Khi đó chúng ta lao vào hành động, làm bất cứ thứ gì để khỏa lấp đi sự đau đớn của mình. Và vì khởi nguồn của những hành động này là nỗi đau, nên ngay khi được xoa dịu, chúng ta sẽ mất hết động lực để hành động.

Để vượt qua loại nỗ lực ảo nhập môn này thì cơ bản là các bạn phải chuyển hóa được loại động lực sợ hãi và đau đớn sang động lực tò mò và say mê. Loại động lực thứ 2 có tác dụng lâu dài và bền bỉ hơn. Và điều quan trọng là nó đến từ bên trong, giúp các bạn tìm lại những định hướng chân thật.

Vượt qua được thử thách nhập môn, các bạn sẽ bắt đầu kiên trì hành động và đối mặt với 1 khó khăn nâng cao: Nỗ lực ảo chuyên sâu.

Về nỗ lực ảo chuyên sâu:

Có bao giờ bạn có cảm giác là mình chạy lông xồng xộc, tối ngày sáng đêm, trái phải trước sau, online, offline, indoor, outdoor đủ hết. Vậy mà đến cuối tuần nhìn lại cũng chẳng có gì ra gì hết.

Làm việc quần quật liên tục, ai mua gì cũng bán, bán gì cũng mua, đơn nào cũng chốt, mối nào cũng kiếm, mê tiền còn hơn mê gái. Vậy mà bon chen suốt cả 1 năm đến Tết, tài khoản ngân hàng vẫn tròn trĩnh con số 0.

Hay thậm chí, gần gũi luôn nè, tập thể dục. Tuần 3 buổi yoga, 2 lần chạy bộ, dăm buổi còn trekking, leo núi, chèo thuyền, đạp vịt các kiểu mà bụng vẫn tròn vo. Cân nặng không suy suyển là bao.

Có thấy quen không? Những điều trên chính là triệu chứng của nỗ lực ảo chuyên sâu. Cơ bản là các bạn nghiêm túc nỗ lực lâu dài, bền bỉ nhưng kết quả vẫn không đâu vào đâu. Không lười biếng, không trì hoãn, nhưng cuối cùng sức khỏe, bạn bè, công việc, tài chính, nó vẫn thúi quắc.

Trong hơn chục năm giảng dạy thì đây chính là loại thử thách khó khăn nhất mà học viên của anh mắc phải. Điều làm anh lo lắng đó là những năm gần đây, triệu chứng này càng ngày phổ biến với những người trẻ hơn. Và nếu không có cách để vượt qua được thời điểm này, thì sẽ xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng.

Suy sụp sự tự tôn và mất niềm tin vào bản thân và cuộc sống. Đó là sự bất mãn lớn với bản thân, với công việc, với cuộc đời. Và sau thời gian dài nỗ lực mà vẫn thất bại thì các bạn sẽ không tin vào chuyện nỗ lực nữa. Bạn nào thật sự gặp những vấn đề này và cần 1 góc nhìn chi tiết, khách quan để ngừng nỗ lực ảo thì xem thêm video ở đây:

Vì sao nỗ lực ảo ngày càng dễ mắc phải?

Đây là 1 triệu chứng rất phổ biến hiện nay, đặc biệt là với những độ tuổi đang còn rất trẻ. Đơn giản là vì sự kết hợp của 1 tư duy cũ và 1 cuộc chơi mới – Tư duy cuồng kiến thứcCuộc chơi bùng nổ thông tin thời kỳ 4.0.

Tư duy cuồng kiến thức:

Tư duy này xuất phát từ xưa, phổ biến ở những quốc gia nghèo thông tin và giáo dục. Ngày xưa, chữ quý như vàng. Sách báo, sự hiểu biết là thứ tôn nghiêm. Biết chữ thì mới được làm quan, đảm bảo về 1 tương lai giàu có và trọng vọng. Tư duy này nó vẫn được di truyền và di chứng thành chủ nghĩa “tôn thờ kiến thức”, vẫn tồn tại dai dẳng đến ngày hôm nay.

Khi chúng ta vẫn tiếp tục duy trì cái tư duy cũ. Học để biết, để thi, học để có bằng cấp. Vậy thì đừng trách sao dù bỏ nhiều thời gian và nỗ lực nhưng kết quả vẫn mông lung như 1 trò đùa.

Cuộc chơi bùng nổ thông tin:

Chưa khi nào Internet, Facebook, Youtube, Google lại trở thành những nhà phân phối và cung cấp thông tin hiệu quả đến vậy. Lòng tham được đọc, được xem, thỏa mãn trí tò mò của con người ngày hôm nay được đáp ứng triệt để.

Thậm chí không chỉ cung cấp thông ngay khi các bạn cần, mạng xã hội ngày hôm nay giúp các bạn kết nối với những người có cùng sự quan tâm, giao lưu phản biện, chia sẻ kiến thức với nhau. Dĩ nhiên nhờ những công cụ theo dõi AI mà các đề xuất nội dung cũng rất đúng với nhu cầu của bạn. Điều tuyệt vời nhất là nó còn miễn phí.

Nhưng các bạn có bao giờ thắc mắc, nếu không lấy 1 đồng bạc nào hết từ các bạn thì tại sao những ông lớn đứng đằng sau các nền tảng mạng xã hội lại có thể trở thành tỷ phú không? Họ chỉ đơn thuần bán đi thời gian và sự tập trung của bạn cho nhà quảng cáo.

Và thế là chúng ta dễ bị mất tập trung. Chúng ta bỏ nhiều thời gian tích lũy thông tin mà quên đi điều quan trọng nhất là phải biết vận dụng những thông tin để đưa ra quyết định và hành động khôn ngoan hơn.

Lý do khiến bạn mắc phải nỗ lực ảo

5 bước vượt qua nỗ lực ảo chuyên sâu:

Tóm lại, sau khi hiểu được nguồn gốc của thói quen “nỗ lực ảo chuyên sâu” thì có 5 bước thực hành cơ bản để có thể vượt qua hành vi này:

1) Xác định mục đích trước khi học và tìm hiểu.

2) Tập trung tìm hiểu cho sâu.

3) Tập trung làm và áp dụng

4) Tập trung tiếp tục làm và áp dụng.

5) Tập trung làm và áp dụng đến tận cùng.

Đến lúc này các bạn có nhìn ra được lý do mình luôn tất bật nhưng không hoàn thành được gì cả: Đó là vì chúng ta tìm hiểu hời hợt và hành động nửa vời.

Cuối cùng, thẳng thắn đi! Anh biết có không ít những bạn hay theo dõi bài giảng của anh cốt chỉ để tìm lại 1 chút động lực tức thời, tự nhủ rằng mình cũng đang học hỏi từ những người thành công. Nhưng thật ra các bạn có nghiêm túc áp dụng những điều mình đã học hay không?

Cho nên xin đi thêm 1 bước nữa, làm 1 bài tập nhỏ và nộp cho anh dưới phần bình luận:

3 câu hỏi để nhìn nhận khách quan triệu chứng “nỗ lực ảo chuyên sâu” của bản thân.

1) Các bạn có đang rơi vào nỗ lực ảo hay không, và cụ thể là khía cạnh, lĩnh vực gì?

2) Sau hôm nay, bạn sẽ nghiêm túc tìm hiểu những khía cạnh đó thông qua cách nào?

3) Các bạn cam kết áp dụng, rèn luyện như thế nào trong 1 tháng sắp tơi?

Và anh sẽ đọc hết bình luận của các bạn. Nhớ là xin được đồng hành cùng với nhau, là cùng nhau hành động chứ không chỉ gật gù, tấm tắc khen ngợi và rồi ngó lơ.

Tập trung xác định mục tiêu, tìm hiểu sâu và thực hành thật nhiều để vượt qua nỗ lực ảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *