Flavors Vietnam 2023
15/05/2023

2 lầm tưởng của du học sinh khi quay về Việt Nam làm việc

Xin chào các bạn, xin được giới thiệu, anh tên là Nguyễn Hữu Trí hay thường gọi là Mr.Quéo Ồ...
Đã sao chép
Đã lưu

Xin chào các bạn, xin được giới thiệu, anh tên là Nguyễn Hữu Trí hay thường gọi là Mr.Quéo Ồ ruây, ông thầy đẹp trai và chuyên cà khịa đến từ học việc Awaken Your Power. Ngày hôm nay, anh xin được chia sẻ về chủ đề rất nhiều bạn trẻ ở nước ngoài quan tâm sau đợt đại dịch Covid, đó là băn khoăn du học sinh có nên về Việt Nam làm việc không?

Nhân dịp có 1 câu chuyện mới nổi gần đây trong chương trình Cơ hội cho ai, bạn du học sinh về nước xin việc sau đó bị 4/5 sếp từ chối. Anh xin được dựa trên câu chuyện này để làm rõ những thiếu sót mà bạn du học sinh phạm phải để bị loại và đồng thời chia sẻ góc nhìn của nhà tuyển dụng khi phỏng vấn các du học sinh. Nếu thật sự muốn có 1 mức thu nhập tốt ở Việt Nam thì các bạn du học sinh cần làm gì và nên có những kỹ năng nào.

Câu chuyện bạn du học sinh trẻ bị 4 sếp lớn từ chối

Tóm tắt sơ qua câu chuyện: Thùy – bạn du học sinh tốt nghiệp loại giỏi ở 1 ngôi trường có tiếng bên Úc, đã có kinh nghiệm 2 năm đi làm và đầy những hoài bão, định hướng trong công việc. Tuy nhiên, trong quá trình so tài với bạn sinh viên tốt nghiệp đại học Bách Khoa Việt Nam, Thùy đã vô tình phạm phải 2 sai lầm rất lớn, dẫn đến kết quả 4/5 sếp lớn đều từ chối bạn.

Sai lầm 1: Quá kiêu ngạo khi đòi cải tiến cả công ty

Bắt đầu phần giới thiệu, bên cạnh việc chia sẻ những ước mơ, hoài bão và sứ mạng 1 cách rất tự tin, Thùy kết lại bằng mong muốn ứng tuyển cho vị trí chuyên viên tư vấn đổi mới và cải tiến doanh nghiệp. Đây là 1 bước đi rất ngốc.

Vai trò tư vấn và đổi mới yêu cầu 1 người có nhiều sự từng trải, làm việc trong nhiều công ty lớn và đi qua nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau để có cái nhìn toàn diện.

Riêng cá nhân anh đã làm việc trong ngành huấn luyện được 15 năm nhưng ngày hôm nay khi anh xây dựng chương trình huấn luyện cho các tổ chức lớn hoặc tập đoàn đa quốc gia thì anh vẫn phải đến “ăn dằm nằm dề” để trò chuyện, hiểu từng nhân viên, lãnh đạo, môi trường làm việc của nơi đó thì anh mới dám đề xuất 1 chương trình huấn luyện nội bộ.

Và đó chỉ là 1 chương trình huấn luyện nhỏ chứ chưa nói gì đến việc thay đổi cả cấu trúc doanh nghiệp. Vậy nên nếu ngày hôm nay vừa mới chân ướt chân ráo về Việt Nam, chưa hiểu gì doanh nghiệp của người ta mà đã đòi ứng tuyển vị trí tư vấn đổi mới và cải tiến doanh nghiệp thì thật sự rất là bồng bột.

Cần làm gì khi đang là 1 nhân viên mới?

Sai lầm 2: Chủ quan vì nghĩ cuộc chơi dễ

Chủ quan vì Thùy nghĩ là học xong đại học nước ngoài, có 2 năm kinh nghiệm thì mình dễ trúng tuyển.

Với những công ty đa quốc gia thì đó là 1 lợi thế lớn khi bạn có thể thích nghi với môi trường đa văn hóa, nhưng điều này thật ra là không tận dụng được ở trong cuộc so tài này.

Chưa kể, trong phần thi phản biện về chủ đề du học sinh ảo tưởng thu nhập, nó lại đánh vào cái điểm yếu của Thùy nên bạn xử lý rất chật vật.

Và nếu phân tích 1 cách khách quan, đối thủ của Thùy,: 1 bạn sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ở Bách Khoa, có kỹ năng thuyết trình và lập luận rất sắc bén, hỏi vặn câu nào thì Thùy bị lung lay và lúng túng câu đó. Vì vậy cũng dễ hiểu khi bạn du học sinh cầm chắc thất bại trong tay.

Suy cho cùng thì đây cũng chỉ là 1 trải nghiệm giao lưu và kinh nghiệm cho định hướng phát triển lâu dài của Thùy sau này, cho nên cũng không có gì đáng để buồn như bạn đã nói. Anh tin với bản lĩnh của Thùy, bạn sẽ đối diện với thất bại này bằng tinh thần học hỏi và càng trở nên giỏi, khiêm nhường hơn.

Đừng vội chủ quan trong bất kỳ cuộc chơi nào.

2 điều du học sinh cần lưu ý khi về Việt Nam làm

Cá nhân anh từng là du học sinh, đi học và làm việc 2 năm ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Chưa kể ngày hôm nay, sau khi chuyển hết phương thức dạy học sang online và được gặp gỡ nhiều bạn từ nhiều độ tuổi ở 16 quốc gia khác nhau trên thế giới nên anh cũng hiểu mong đợi của các bạn du học sinh khi về nước. Vì vậy xin chia sẻ 1 vài quan điểm của anh dưới góc nhìn của 1 nhà tuyển dụng khi phỏng vấn du học sinh. Có 2 điều các bạn cần lưu ý:

2 lưu ý cho du học sinh khi về Việt Nam làm việc.

1) Doanh nghiệp không còn choáng ngợp về bằng tốt nghiệp nước ngoài

Cách đây 15 năm khi hai vợ chồng anh quyết định quay về Việt Nam sau thời gian du học ở nước ngoài: Ở thời điểm đó, mức lương của vợ anh bên Singapore là 5.400 đô một tháng rất cái đùng xuống còn có hơn 10 triệu khi về Việt Nam. Khi mà chỉ xin vào làm cho quỹ đầu tư ở Việt Nam thì họ không hề quan tâm những cái bằng cấp nước ngoài hay kinh nghiệm trước đó của chị.

Cách mà chị ấy đối diện với cuộc chơi đó là dùng thực lực của mình để khẳng định giá trị của chỉ. Đó là những ngày tháng chị làm việc cực kỳ chăm chỉ và quyết liệt: Anh thường sẽ đến văn phòng đón chị về lúc 3:30 sáng khi chị hoàn thành công việc, quay trở về nhà tắm rửa ngủ xong rồi 7:30 sáng hôm sau có mặt ở văn phòng tiếp tục làm việc. Chính sự nỗ lực và quyết liệt mà không dựa vào bằng cấp đó đã tạo ra kết quả xứng đáng: Sau 9 tháng, lương của chị được tăng gấp 3 và lãnh thưởng thêm 27 tháng lương vào cuối năm.

Cho nên đó là quy luật mà thị trường vận hành ngày hôm nay: Thu nhập của các bạn sẽ tương xứng với giá trị bạn mang lại cho doanh nghiệp.

2) Thế giới đang trở nên “phẳng” hơn

Cơ hội, kiến thức công nghệ hiện tại mở ra sự công bằng cho tất cả mọi người. Ngồi ở nhà nhưng chúng ta vẫn có thể tiếp cận được những góc nhìn mới từ khắp nơi trên thế giới, tư duy đa chiều và tài liệu nghiên cứu. Cho nên chỉ cần bạn sinh viên có cho mình cái ý chí và tinh thần ham học hỏi, bất kể là ta hay tây, ở đâu bạn cũng sẽ gặt hái được những kết quả rất đáng ngưỡng mộ.

Đặc biệt là từ sau thời kỳ đại dịch Covid, các công ty bắt đầu cởi mở hơn cho hình thức làm việc từ xa. Các công ty ở Thung lũng Silicon họ sẵn sàng thuê những nhân viên, kỹ sư lập trình ở Ấn Độ, Việt Nam làm việc cho mình với một mức lương cực kỳ tốt và họ không cần phải sống ở nơi cực kỳ đắt đỏ trên thế giới như là Thung lũng Silicon ở California vì vậy cơ hội việc làm ngày hôm nay rất công bằng.

Vậy câu hỏi đặt ra là làm sao để du học sinh có thể tận dụng được cơ hội khi đi học ở nước ngoài?

Có 3 thứ các bạn cần lấy được sau khi đi du học:

– Kiến thức, kỹ năng

– Tiền của tư bản

– Các mối quan hệ

Còn cách lấy cụ thể làm sao thì các bạn xem chi tiết ở video này nha:

Xong bài rồi, bạn thuộc nhóm nào trong bài viết này: Nhóm du học sinh hay nhóm sinh viên Việt Nam? Bạn có thấy 1 góc nhìn nào mới mà anh chưa đề cập trong bài viết không? Cùng thảo luận thêm ở dưới nha!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *