Vấn nạn khoe khoang thành tích của con cái trên mạng xã hội hay tại các cuộc họp mặt đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Là bạn, bạn sẽ ủng hộ hay phản đối?
Riêng cá nhân tôi, tôi đã từng ghét cay ghét đắng hành vi khoe con vì ngày còn nhỏ những thành tích của mình từng bị mổ xẻ, thêm thắt, tâng bốc trong câu chuyện của những người lớn với nhau.
Ấy vậy mà, khi trở thành ba mẹ, tôi lại có cảm giác thèm được khoe con.
Vì lẽ đó, tôi muốn chia sẻ với các vị phụ huynh góc nhìn của mình về cách làm sao để khoe con cho tinh tế, cho con mình không bị khó xử, ngại ngùng hay sợ hãi.
Cùng theo dõi bài viết này nhé!
Làm sao để khoe con cho khéo?
Sự thật, khoe con là nhu cầu tự nhiên và bản năng. Vì chúng ta là người chứng kiến cả quá trình nỗ lực của con nên khi con có thành tựu mình thực sự rất vui, rất tự hào và muốn khoe cho cả thế giới cùng biết.
Mọi người đã trải qua cảm giác như vậy chưa? Hãy chia sẻ với nhau dưới phần bình luận của bài viết nhé.
Quay lại với câu chuyện, sẽ ra sao nếu chúng ta chỉ vì thỏa mãn nhu cầu tức thời của mình mà gây tổn hại cho con mình?
Để trả lời cho câu hỏi này, sau đây tôi sẽ chia sẻ với các bạn về những điều nên và không nên làm khi khoe con:
Thứ nhất: khoe con khiến con mình bị áp lực, khó chịu hoặc kiêu căng, tự mãn
Rất rõ ràng, khi chúng ta chỉ tập trung khoe thành tích như con tôi chạy về nhất, xuất sắc môn cầu lông, đứng nhất lớp điểm Toán,… thì ngay lập tức nhận được sự trầm trồ nhưng kèm theo đó là mong đợi vô hình về việc đứa trẻ phải luôn giỏi.
Điều này sẽ biến thành áp lực xã hội rất lớn về thành tích đè nặng lên vai đứa trẻ trong tương lai. Nó đẩy con rơi vào cảm giác lo lắng hay thậm chí là sợ hãi nếu đánh mất thành tích sẽ trở thành nỗi thất vọng trong mắt những người xung quanh.
Chính tảng đá nặng nề trong tâm lý và cảm xúc này sẽ kìm hãm sự phát triển toàn diện của trẻ. Đó là lý do khi bố mẹ càng khoe khoang thì con cái càng phản ứng khó chịu!
Thứ hai: khoe con tập trung 9 phần vào sự nỗ lực, kiên trì của con và 1 phần vào kết quả
Cái khoe này đòi hỏi cha mẹ phải đồng hành, quan sát và thấu hiểu những quyết tâm, cố gắng, nỗ lực của con để khoe cho đúng.
Đặc biệt, khi chúng ta xác nhận đúng những nỗ lực của con, các con sẽ cảm giác mình được quan tâm, được nghi nhận, được động viên.
Khi chúng ta không đề cập đến kết quả cuối cùng sẽ giúp con không bị đè nặng bởi áp lực thành tích, không tự so sánh bản thân với bạn bè khiến mình bị tổn thương, tủi thân.
Thay vào đó, các bé sẽ có thêm động lực để nghiêm túc và kiên trì làm tốt hơn nữa.
Còn nếu phải khoe 1 phần nào đó thì hãy tìm cách giải tỏa áp lực cho con như cách trong video sau:
Thứ ba: khoe con mình nhưng khiến con nhà người ta bị áp lực so sánh
Nếu các bạn khoe con mình với chủ đích so sánh để hạ thấp con người khác thì điều này là rất nghiệp! Và cái nghiệp đó sẽ nhanh chóng quay lại quật lên con mình vì đâu ai biết tương lai ra sao!
Cũng có trường hợp mình khoe con một cách vô tư, hồn nhiên, không suy nghĩ so sánh gì nhưng ngoài mặt phụ huynh bên kia chung vui với mình nhưng trong lòng họ đang ngầm xót xa cho con của họ.
Sau đó, họ quay về nhà và lôi con mình ra để “tra tấn” chúng bằng hàng loạt câu hỏi tại sao mày không được như con nhà người ta….
Dĩ nhiên, việc này không phải hoàn toàn do lỗi của chúng ta mà là do bậc phụ huynh kia họ tự ti cũng như thiếu kỹ năng để nuôi dạy con cái.
Nhưng cũng không thể phủ định rằng chính sự chia sẻ hồn nhiên của chúng ta đã gián tiếp tạo nghiệp cho những đứa trẻ khác!
Vì vậy, trước khi khoe con hãy cân nhắc xem mình đang khoe với ai. Trong trường hợp con họ làm chưa tốt hoặc chưa được ghi nhận nỗ lực, tôi khuyến nghị các bạn đừng nên khoe trước mặt những phụ huynh này.
Thứ tư: khoe con khiến cho người đối diện cảm thấy tự ti, mặc cảm
Nhiều khi chúng ta biết rõ con cái của bạn bè, người thân đều rất giỏi giang nhưng đáng tiếc bố mẹ của chúng lại là những người mang trong mình tâm lý tự ti, mặc cảm.
Điều này có thể bắt nguồn từ những tổn thương, thua sút nào đó trong quá khứ khiến cho họ rất sợ bị thua so với mọi người.
Đối với những ông bố/bà mẹ như vậy dù cho con họ có nỗ lực bao nhiêu, thành tích tốt đến mức nào cũng không bao giờ là đủ!
Khi đó, chúng ta tuyệt đối không được khoe con mình trước mặt họ, kể cả thành tích cá nhân của bạn cũng vậy.
Bởi vì có thể ngoài mặt họ cười giả lả để chúc mừng bạn nhưng sau đó sẽ quay về nhà đay nghiến con cái của họ.
Thậm chí, họ còn sinh ra thái độ ganh ghét với chính các bạn!
Thứ năm: chỉ nên khoe trước những phụ huynh tự tin, giỏi giang và con của họ cũng giỏi giang không kém
Điều này có lẽ ngược với lẽ thường vì chúng ta luôn thích khoe con với những người kém hơn mình để họ phải ngưỡng mộ mình.
Nhưng đáng tiếc mặt trái của sự ngưỡng mộ và thèm thuồng ấy chính là sự gánh ghét và tỵ nạnh. Những người này càng gần mình bao nhiêu thì sự ganh ghét của họ càng lớn.
Ngược lại, khi chúng ta khoe con với những người hơn mình, có lẽ sẽ không nhận được sự ngưỡng mộ nhưng chúng ta sẽ nhận được sự đồng cảm, công nhận và động viên.
Thứ sáu: lời khoe ngọt ngào nhất không nên phát ra từ miệng chúng ta
Nếu ngày hôm nay các bạn phải đích thân đi khoe là con mình giỏi, con mình ngoan điều đó có nghĩa chẳng ai biết nó giỏi cả, cho nên mình mới phải đi khoe.
Vậy nên tôi thấy rằng thay vì đi khoe, chúng ta cần tiếp tục kiên trì kết nối, lắng nghe, thấu hiểu, động viên và đồng hành cùng con cho đến một ngày nghe được những phụ huynh khác chân thành khen ngợi con mình.
Đây mới chính là sự khoe khoang ngọt ngào nhất!’
Ở đây tôi có một mẹo vui để người ta khen con mình đó là chúng ta hãy chủ động khen con họ trước. Và họ sẽ đáp lễ lại ngay sau đó.
Tổng kết cho một công cuộc khoe con tinh tế
Tóm lại, việc khoe con sao cho chuẩn gói gọn trong 3 thứ: đúng nơi, đúng cách, đúng người. Khi đó niềm vui sẽ được lan tỏa và nhân lên gấp nhiều lần.
Thay vì dành rất nhiều thời gian để suy tính cách chia sẻ, khoe khoang về những điều tuyệt vời của con thì điều quan trọng là chính chúng ta cần phải trau dồi bản lĩnh và nhân cách để làm gương cho con.
Trên con đường đồng hành cùng con trẻ, chính chúng ta cần phải có cho mình Tư duy dạy con đúng đắn để giúp con phát triển tốt hơn, vươn đến những điểm sáng trong tương lai sau này.
Còn băn khoăn nào trong quá trình nuôi dạy con cái, hãy chia sẻ cùng tôi và các vị phụ huynh khác trong bình luận bên dưới bài viết nhé.
Cảm ơn các bạn đã giành thời gian cho bài viết này. Hẹn gặp lại ở những chủ đề thú vị hơn nữa!