Flavors Vietnam 2023
04/04/2023

Hy sinh vì người khác nhưng lại chẳng ai hy sinh vì mình

Xin chào các bạn, xin được giới thiệu, anh tên là Nguyễn Hữu Trí hay thường gọi là Mr. Quéo...
Đã sao chép
Đã lưu

Xin chào các bạn, xin được giới thiệu, anh tên là Nguyễn Hữu Trí hay thường gọi là Mr. Quéo Ồ ruây, ông thầy đẹp trai và chuyên cà khịa đến từ học việc Awaken Your Power. Trong bài ngày hôm nay, anh xin liều mạng để phản biện 1 đức tính được đề cao và ca tụng trong văn hóa truyền thống của Việt Nam – ĐỨC HY SINH.

“Đức hy sinh là đức tính cao đẹp của người Việt Nam”. Cái đức tính này được lập trình cho học sinh ngay từ trong những bài học vỡ lòng. Cho nên, trước khi phân tích chủ đề này, câu hỏi đầu tiên: Các bạn có phải là người đang sống theo hệ “Sẵn sàng hy sinh bản thân vì tập thể, luôn sống hết lòng vì mọi người không?

7 biểu hiện của người chơi hệ “hy sinh vì người khác”

Đã bao giờ bạn trải qua cảm giác là mình sống cho người khác vì sợ người ta tổn thương nhưng khi nhìn lại thì người đáng thương nhất lại là chính mình.

Có 7 biểu hiện phổ biến của người chơi theo hệ “sống vì người khác”. Các bạn kiểm tra xem mình có dính cái nào không nha:

1) Luôn nhìn sắc mặt của người khác để hành xử.

2) Vì không muốn cãi nhau nên nhận lỗi trước, dù không rõ là mình sai lỗi gì.

3) Rất sợ ai đó ghét mình và luôn mong muốn được nhiều người yêu mến.

4) Không biết nói “Không”, dẫn đến mình ôm nhiều việc không cần thiết cho bản thân.

5) Không có chính kiến, gió chiều nào theo chiều ấy.

6) Luôn có những mong đợi thầm kín trong cách người khác sẽ cư xử với mình, nhưng người ta hỏi thì không bao giờ nói.

7) Hiểu cảm xúc của người khác rất nhanh, nhưng không hiểu cảm xúc của chính mình.

Bạn dính những biểu hiện nào, cái nào nặng nhất. Thả cho anh cái bình luận ở dưới và báo cáo kết quả trắc nghiệm. Việc này sẽ giúp các bạn tự nhìn nhận lại thói quen, hành vi của mình 1 cách rõ ràng hơn đó.

7 dấu hiệu của người chơi hệ hy sinh vì người khác.

Người hay hy sinh, nhận tổn thương về mình chưa xứng đáng chăm lo cho người khác.

Người dễ dàng nhận tổn thương, thiệt thòi về mình, làm sao đủ bản lĩnh để chăm lo cho người khác? Mặc dù nói là sống vì người khác, nhưng khi mình sẵn sàng nhận tổn hại cho bản thân, nghĩa là mình chưa lo cho bản thân tới nơi tới chốn. Vậy còn đòi chăm sóc cho ai?

Về điểm này, anh xin chia sẻ 1 trích đoạn trong bộ phim “Vua hài kịch” nổi tiếng của Châu Tinh Trì. Phim kể về 1 anh chàng rất nghèo, nuôi mộng làm diễn viên nổi tiếng nhưng mãi không thành. 1 ngày, anh đem lòng yêu 1 cô gái điếm, góp hết cả gia tài cũng chỉ đủ ngủ “1 đêm” cùng cô.

Cho đến sáng hôm sau, khi cô thức dậy bỏ về. Anh chàng nhìn thấy, băn khoăn hồi lâu rồi vội đứng phắt dậy, chạy theo, gọi với níu lại. “Cô đừng đi! Tôi nuôi cô! Không đi làm nữa được không?”. Cô gái điếm bỗng đứng lại, lặng lẽ quay lưng, hờ hững 1 câu rồi bước đi tiếp: “Nuôi nổi anh trước đã. Thằng khờ!”.

Cho nên, thẳng thắn đi! Chỉ những người dũng cảm đấu tranh cho quyền được sống, được phát triển trọn vẹn, quyền được hạnh phúc của chính mình, thì chỉ những người đó mới đủ khả năng để chăm lo cho 1 ai khác.

Tóm lại, muốn lo được cho người khác, lo cho mình trước đi đã!

Người hay nhận tổn thương về mình chưa xứng đáng chăm lo cho người khác.

Hy sinh không nên là 1 đức tính “mặc định” đáng được ca ngợi.

Việc tung hô và ca ngợi đức tính hy sinh là 1 việc thật ra rất vô lý. Thẳng thắn kiểm điểm điều chỉnh sau những lần hy sinh bắt buộc, để sự hy sinh đó không lặp lại nữa. Thậm chí, đừng gắn “hy sinh” như 1 mác tính cách mặc định cho 1 đối tượng xã hội cụ thể nào.

Không nên ca tụng đức hy sinh của người phụ nữ Việt Nam:

Nếu anh là 1 người đàn ông, anh lẽ ra nên cảm thấy xấu hổ khi không thể lo cho cô gái của mình 1 cuộc sống bình an, thăng hoa và hạnh phúc. Anh nên nghiêm túc xem lại bản lĩnh của mình. Làm sao cho cô gái của mình bớt khổ và không bao giờ phải hy sinh nữa.

Hoặc nếu như cha mẹ người Việt Nam, không nên tự hào vì đức hy sinh, nhường nhịn phần ngon cho con cái:

Họ nên nghiêm túc xem lại thói quen quản lý chi tiêu. Lên kế hoạch tài chính cho bản thân, cho gia đình mình ngay từ lúc còn trẻ. Lẽ ra họ phải sắp xếp được thu nhập, chi phí của gia đình để có thể đáp ứng tốt nhu cầu của mình và lo lắng chu toàn cho con cái, bố mẹ lớn tuổi. Các bạn nghĩ là khi con mình nó ăn ngon mặc đẹp, nhưng nhìn thấy bố mẹ thiếu thốn, nó có thật sự vui vẻ 1 cách trọn vẹn hay không?

Đồng ý là có những cái hoàn cảnh éo le và nghiệt ngã. Nếu gia đình hoặc 1 dân tộc rơi vào cái hiểm họa khó lường, như là thiên tai, dịch bệnh hoặc xâm lược chẳng hạn. Khiến chúng ta chịu tổn thất về của cải, sức khỏe, tâm lý, thậm chí là tính mạng. Và nếu chúng ta thật sự không còn lựa chọn nào khác thì buộc lòng phải chấp nhận sự hy sinh đó. Nhưng đừng đề cao và tung hô nó như 1 đức tính cao quý.

50 năm về trước, chiến tranh xảy ra, đàn ông ra trận chiến đấu, phụ nữ ở nhà chịu thương chịu khó nuôi con. Không có gì đáng tranh cãi. Nhưng tại sao đến ngày hôm nay, đất nước hòa bình, cuộc sống đầy đủ hơn nhiều, mà phụ nữ Việt Nam vẫn phải giữ cái đức hy sinh, chịu thương chịu khó đó? Sao không phải là ông chồng chịu thương chịu khó, mà cứ mặc định sẽ là người phụ nữ?

Bạn nào muốn nghe anh phân tích rõ hơn về cách để thoát khỏi thói quen hy sinh quên mình vì người khác thì xem video ở đây nha:

Hy sinh nếu bị hiểu sai sẽ tạo nên những cuộc đời bất hạnh.

Uất ức không tự sinh ra, cũng không tự mất đi. Nó chỉ truyền từ người này sang người khác.

Bà mẹ, ông bố sau 18 năm hy sinh, dầm mưa dãi nắng nhường nhịn miếng ngon, ngọt cho con mình. Sẽ đến lúc họ yêu cầu con mình hy sinh 1 cái ước mơ, hoài bão để thi vào 1 cái ngành học khác vừa ý họ.

Ông bố nhún nhường, ngậm đắng nuốt cay trên công công sở. Ông đem cái thứ đó về nhà, khạc nhổ lên đầu con cái.

Bà mẹ hy sinh, phụng sự nhà chồng suốt 30 năm, sau này phun cái thứ đắng cay đó lên đầu con dâu, và hành hạ nó cho ra bã.

Kẻ bị người lớn hơn mình ức hiếp mà không dám chống lại thì tự khắc sẽ tìm người yếu hơn để bắt nạt, để giải tỏa ấm ức. Cuối cùng, đối tượng đáng thương nhất lại là người thấp bé nhất và cần được bảo vệ nhất – những đứa trẻ. Và nếu đứa trẻ không tìm được ai để bắt nạt, để truyền lại những cái độc hại này thì nó sẽ tự bắt nạt chính mình. Đó là hệ lụy tâm lý được sinh ra từ đức hy sinh truyền từ đời này sang đời khác.

Hy sinh nếu bị hiểu sai sẽ tạo nên những cuộc đời bất hạnh.

Sinh ra để sống, để trưởng thành chứ không phải để hy sinh

Chúng ta sinh ra để sống, để trưởng thành. Sống 1 cuộc đời hạnh phúc và ý nghĩa chứ không phải để hy sinh. Việc trở thành 1 phiên bản hạnh phúc hơn của chính mình là sự đóng góp ý nghĩa nhất để xây dựng 1 gia đình hoặc tập thể hạnh phúc.

Và thẳng thắn, tới thời điểm này, bạn nào không đồng tình thì có thể chia sẻ những góc nhìn phản biện ngay bên dưới. Còn nếu bạn thấy anh nói hợp tình, hợp lý, thì rất mong là bạn ngẫm nghĩ lại cách ăn ở của mình rồi chia sẻ với anh điều này ở phần bình luận bên dưới:

Bạn sẽ nghiêm túc trau dồi để đấu tranh cho sự hạnh phúc nào của riêng mình? Nếu có thì sẽ là trong vai trò và mối quan hệ nào của bạn trong những ngày tháng tiếp theo?

Anh đợi câu trả lời của các bạn ở phần bình luận bên dưới!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *