“Đừng chờ ai đó truyền động lực!” – Um… đúng vậy, ngay tại đây anh cần các bạn đọc kỹ lại một lần nữa về chủ đề mà anh sẽ chia sẻ trong bài viết này. Có lẽ nó đã đi ngược với suy nghĩ của đại đa số các bạn về khao khát được TRUYỀN ĐỘNG LỰC!
Và anh là Nguyễn Hữu Trí – người sẽ giúp các bạn hiểu được bản năng và đam mê mới chính là thứ giúp mình có động lực thực sự! Sẵn sàng chưa nào? Chúng ta cùng bắt đầu nhé…
Chúng ta có đang bị “nghiện” truyền động lực?
Các bạn biết không điều mà anh ghê sợ nhất trong suốt hơn 10 năm huấn luyện cho hơn 120.000 người đó là bị gọi là DIỄN GIẢ TRUYỀN ĐỘNG LỰC! Điều khó khăn nhất là khi anh bước vào buổi huấn luyện của mình và hỏi học viên rằng các bạn mong đợi gì từ anh trong buổi học này và anh luôn nhận được những câu trả lời kiểu như: “Em muốn gặp anh để lấy động lực trong cuộc sống/ trong học tập/trong công việc/…”
Khi nghe như vậy các bạn đã làm anh thực sự ngạc nhiên, làm anh băn khoăn và lo lắng. Bởi từ thời buổi nào mà con người ta bắt đầu có thói quen NGHIỆN việc được truyền động lực từ người khác vậy?Các bạn nghĩ xem, nó có phải giống như cái kiểu mình mệt mệt thì ra bệnh viện truyền chai nước biển, buồn buồn ra quán truyền nửa két bia không? Bộ nhất định phải được truyền động lực thì các bạn mới sống, mới làm việc hiệu quả được hả ta?
Nhìn lại đi nào, có bao giờ các bạn tự hỏi là làm cách nào mà một con cá có thể tự bơi lội tung tăng và con chim có thể tự bay lượn, tự xây tổ, tự nuôi con từ năm này qua tháng nọ mà có cần ai truyền động lực đâu. Ngược lại trong rạp xiếc, muốn con khỉ làm trò bên cạnh nó phải có một cái roi hoặc thêm một bịch kẹo/bịch đồ ăn để chúng có thể hoàn thành màn biểu diễn của mình và chính xác những thứ đó gọi là động lực! Nhưng khi sống ngoài tự nhiên thì chúng hoàn toàn có thể nỗ lực để hành động mà không cần ai hay vật gì đó “truyền động lực”. Tại sao lại có sự khác nhau như vậy? Câu trả lời đơn giản là vì mọi hành động kéo cày, thồ nặng hoặc làm xiếc đều đi ngược lại với bản tính tự nhiên của những con vật đó. Nhưng vì có người muốn chúng phải làm việc đó để đáp ứng nhu cầu cho bản thân họ nên người ta phải truyền động lực cho những con vật đó bằng cách dùng roi để đánh đập, dùng thức ăn để dụ dỗ chúng làm việc. Và về lâu về dài chúng bắt đầu hình thành thói quen, từ bị ép buộc thành bị “nghiện”, cho đến một lúc nào đó phải có thức ăn, phải có phần thưởng – PHẢI CÓ ĐỘNG LỰC thì chúng mới hành động. Con người cũng vậy!
Đừng căm ghét những người đã cố “truyền động lực” cho bạn!
Wao!… Thật may mắn khi các bạn lựa chọn đọc tiếp những dòng chia sẻ này của anh, vì anh biết những mà anh vừa viết ở trên có thể đã làm bạn cảm thấy khó chịu. Nhưng ngay từ đầu anh hoàn toàn không có ý định mua vui để làm vừa lòng các bạn, anh cũng không cho mình là một liều thuốc tăng lực có tác dụng “truyền động lực”! Vậy nếu động lực không đến từ việc được “truyền” thì điều gì sẽ giúp chúng ta gom đủ lý do để học tập, làm việc một cách đầy năng lượng?
Ok, chúng ta quay lại câu chuyện của con khỉ và con trâu để rồi nhìn lại chính mình, nhìn lại những người đã từng cố “truyền động lực” cho mình. Trong một phút suy ngẫm nào đó, nếu như các bạn cảm thấy căm ghét cái người đã làm mình phải “nghiện” thì hãy dừng nó lại nhé; bởi đôi khi họ cũng không có ác ý, mà ngược lại cũng chỉ muốn tốt cho mình. Chỉ là sâu bên trong họ đã chất đầy sự sợ hãi và bất an, vì chỉ có những người tràn ngập vết thương mới sẵn lòng gây ra thương tổn cho người khác. Bạn hiểu chứ, đừng căm ghét họ, chúng ta không thể tự chữa lành vết thương của mình bằng cách gây ra vết thương cho người khác!
Câu hỏi tiếp theo là làm sao để thoát ra khỏi tình trạng lệ thuộc đó? Đừng mong đợi từ anh hay bất cứ người nào khác, bởi vì các bạn không thể thoát ra khỏi trạng thái lệ thuộc vào người này bằng cách lệ thuộc vào người khác. Các bạn không nhất thiết phải ngay lập tức bỏ học, nghỉ việc, từ mặt bạn bè,… dĩ nhiên các bạn vẫn có quyền làm điều đó nếu gia đình không có gì ngoài điều kiện. Nhưng nếu ngày hôm nay chúng ta vẫn còn lệ thuộc vào một nguồn thu nhập quan trọng hay một mối quan hệ quan trọng nào đó thì các bạn có thể áp dụng 2 chiến lược đơn giản sau đây…
Hãy nói không với những điều nhỏ nhặt & vụn vặt trước khi tìm động lực
Ở thời điểm mà các bạn chưa học được kỹ năng liên quan đến thương lượng và thuyết phục để cân các thể loại việc khó, việc lớn như mệnh lệnh của sếp, mong đợi của bố mẹ thì cái đó để từ từ cũng được. Nhưng ngay từ bây giờ chúng ta hãy học cách “SAY NO” với những “cây roi nho nhỏ”, những “viên kẹo nho nhỏ” mà các bạn có thể hiểu đó là một buổi nhậu với đồng nghiệp, một vài game giải trí với bạn, cố sống theo mong đợi của cô ba hàng xóm,… Và rồi các bạn sẽ nhận ra việc mình bỏ lỡ một vài chuyện phiếm trên bàn nhậu, làm phật ý cô bán bánh mì,… thì ra chẳng làm chết thằng tây nào hết!
Bên cạnh đó hãy dùng năng lượng, dùng thời gian rảnh rỗi này để bắt đầu một điều gì đó mà các bạn cảm thấy hứng thú, tò mò. Nhớ là các bạn làm điều đó bởi vì mình thích và tuyệt đối không làm khi các bạn cảm thấy sợ hãi hoặc đang mong đợi một phần thưởng nào đó. Ở đây chúng ta chưa cần phải gắn kết nó với lý tưởng, sứ mạng hay bất kì mục tiêu lâu dài nào, chỉ đơn giản là các bạn thông qua nó để kết nối với bản tính tự nhiên của mình mà thôi.
“Say yes to yourself!” để tìm lại động lực từ bên trong
Khi bản tính tự nhiên bắt đầu được nuôi dưỡng và trỗi lên trở lại, nó sẽ mách bảo cho chúng ta biết tiếp chính xác mình nên làm gì tiếp theo. Cái đó gọi là ĐỘNG LỰC TỪ BÊN TRONG.
Đó là lúc mà các bạn sẽ tìm lại được động lực tự nhiên giúp một con chim đại bàng sải cánh trên bầu trời, một con cá tung tăng ở dưới suối, làm việc thức đến 2-3h sáng mà không những không mệt mỏi mà còn cảm thấy vẫn tràn đầy hứng khởi. Có ai ở đây đã trải qua cảm giác như vậy chưa? Đó chính là cảm giác đã mở ra chặng hành trình xây dựng sự nghiệp của Mr Quéo! Để rồi anh quyết định từ bỏ công việc hiện tại với mức lương đáng mơ ước và quay về Việt Nam với khát khao lớn nhất cuộc đời. Nếu các bạn tò mò điều gì đã làm nên một Nguyễn Hữu Trí như hôm nay, hãy lắng nghe câu chuyện của anh qua video dưới đây nhé:
Còn bây giờ hãy thực sự bình tâm, lắng nghe chính mình và viết xuống đây những mong muốn thực sự của các bạn. Chúng ta hãy note lại tại đây để đánh dấu ngày mà mình quyết định đi tìm lại động lực từ chính bản thân mình!
Và khi bạn đã vực dậy được động lực bên trong thì đó là lúc chúng ta cần tới BẢN LĨNH để thực hiện được điều mà mình mong muốn.
E năm nay 33tuoi ,mà e không biết định hướng nghề nghiệp để phát triển
Em bị mông lung trong động lực muốn đi tập calis mà bị nản, mà nghĩ lại nếu thực sự rõ ràng về động lực chắc chỉ có 1 2 việc trong cuộc sống :))