Thôi, tao không đi đâu…
Đi mà! Mày cũng đâu làm gì đâu đúng không? Đi với tao bữa đi. Nhaaa…
Ờ, thôi cũng được…
Anh nghĩ các bạn trẻ hiện nay không có ít bạn bị rơi vào trường hợp như này đâu. Thật sự mình không muốn đi lắm, không muốn làm lắm nhưng chỉ cần đối phương năn nỉ 2 câu, đến câu thứ 3 đã gật đầu cái rụp rồi. Các bạn không có cách từ chối đối phương cũng không biết làm cách nào để từ chối khéo để không mất lòng 2 bên. Đúng không?
Xin chào các bạn, anh là Nguyễn Hữu Trí đến từ học viện Awaken Your Power. Hôm nay anh xin đưa ra cho các bạn 2 gợi ý nho nhỏ để có thể từ chối những điều mình không muốn để không mất lòng nhau nhất có thể.
Với ý thứ nhất, đây là cách từ chối với bạn bè và các mối quan hệ xã hội bên ngoài. Cách từ chối thứ 2 thì sẽ dùng cho người thương, người thân, các mối quan hệ gắn khít.
Tôn trọng kế hoạch của bản thân – cách từ chối đầu tiên
Anh thấy hầu hết các bạn không từ chối được lời mời của đối phương là vì các bạn không có kế hoạch, mục đích của riêng mình.
Hay con học ngành Y đi, dễ kiếm việc làm…
Thôi… Y chán lắm…
Nếu vậy con thích học ngành gì?
Gãi đầu Uhm… Con không biết nữa…
Thì đó, nếu vậy thì học Y đi!!
Hiểu ý anh không các bạn? Khi các bạn không có kế hoạch, mục đích cho bản thân mình thì bạn sẽ bị người khác áp đặt vào.
Vì vậy, anh chỉ có thể khuyên các bạn là… nếu thật sự bạn không có kế hoạch gì hết nhưng muốn từ chối cho lịch sự thì bạn có thể bịa ra một lí do rất lịch sự mà mọi người đều dùng “à, tui có việc riêng rồi, xin lỗi nha”. Người hiểu chuyện thì người ta sẽ không làm khó bạn bao giờ.
Còn nếu bạn thật sự có công việc riêng thì bạn phải đi giải quyết việc của mình trước. Đây là điều rất bình thường. Khi bạn có tư duy như thế, bạn từ chối người khác sẽ không cảm thấy tội lỗi nhiều. Vì phần lớn các bạn không thể từ chối người khác đều có chung lí do là cảm thấy tội lỗi.
Còn nếu bạn thật sự đã từ chối hoặc có kế hoạch riêng nhưng đối phương vẫn không ngừng bắt ép bạn làm theo ý người ta thì tin anh đi… có thể bạn không thật sự cần mối quan hệ đó đâu. Bạn thuộc dạng người khó từ chối người khác mà đối phương lại là người ích kỷ thì mối quan hệ như thế sẽ rất bấp bênh, nên chấm dứt sớm thì tốt hơn.
Tuy nhiên, những mối quan hệ bên ngoài hay chỉ đơn thuần là mối quan hệ bạn bè thì xử lí rất dễ, nhưng ví dụ thì người thân trong gia đình thì thế nào. Anh xin phép chia sẻ thêm về cách làm thứ hai…
Giao tiếp và thấu hiểu – cách từ chối thứ hai
Cách từ chối người thân hay những người mình yêu thương dễ nhất, đơn giản nhất và cơ bản nhất chỉ có thể là giao tiếp và thấu hiểu thôi các bạn.
Anh tạm không đề cập đến những vấn đề nho nhỏ, thường ngày trong gia đình như cách từ chối ăn đồ ăn mình ghét hay cách từ chối làm việc nhà vì có chuyện riêng gì đó. Vì nó khá tương tự như trường hợp đầu tiên rồi, nhất là người thật sự thương bạn thì sẽ tôn trọng lời bạn nói hơn.
Thế nhưng, có những trường hợp rất điển hình tại xã hội Á Đông hiện tại của chúng ta mà người thân vẫn còn những sự áp đặt nhất định, như là: chọn ngành, chọn công việc, kết hôn,… thì tin anh đi các bạn, giao tiếp là một sự kết nối tuyệt vời và dễ dàng nhất giữa người với người. Dùng giao tiếp và thấu hiểu để nhẹ nhàng từ chối đi những gì mình không muốn làm bằng các lí do thuyết phục.
Tất nhiên, các bạn không thể gào lên…
“Tại sao ba mẹ không chịu hiểu con…”
“Tại sao lại không tôn trọng con…”
Đầu tiên, các bạn phải nhẹ nhàng, bình tĩnh giao tiếp. Các bạn đưa ra những lí do thuyết phục để đối phương tin vào khả năng của các bạn. Tiếp theo là một việc cực kỳ quan trọng: hiểu đối phương trước khi bắt họ phải hiểu mình.
Tương tự như khi gia đình muốn bạn phải có 1 công việc ổn định nhưng bạn lại muốn công việc độc lập, sáng tạo, làm tự do chẳng hạn. Thay vì các bạn cứ lầm bầm trách móc à, ba mẹ đúng là tư duy thời xưa, cổ hủ,… thì các bạn phải hiểu, thời của họ, công việc ổn định là một loại đãi ngộ cao nhất của một người. Thời đấy, kinh tế bấp bênh, nay đói mai no.
Khi các bạn đã hiểu được tâm lý đối phương thì hãy ngồi xuống, nhẫn nại kể cho họ nghe sự khác biệt trong xã hội ngày nay, đam mê của mình, ước mong của mình… Khi cả 2 bên đều được lắng nghe và thấu hiểu thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Tổng kết 2 cách từ chối để không mất lòng nhau
Từ chối là một kỹ năng khá là khó, nhất là những bạn bẩm sinh mềm lòng, dễ cảm thấy có lỗi khi từ chối người khác. Tuy nhiên, có 2 tư duy chính các bạn nên có để tránh mất lòng người khác khi từ chối.
Đầu tiên, ưu tiên công việc của mình hàng đầu. Nếu như các bạn từ chối đối phương vì lí do kế hoạch riêng thì đó là điều tất nhiên và đối phương cũng sẽ tôn trọng các bạn.
Còn nếu các bạn không có việc thì hãy học cách từ chối khéo, uyển chuyển một chút, đó là một lời nói dối thiện chí, không sao cả.
Thứ hai, hãy mở lòng mình ra để thấu hiểu và sau đó là giao tiếp – một kỹ năng tưởng chừng như đơn giản nhưng lại là thứ quan trọng nhất trong bất kỳ một mối quan hệ nào.
Ngoài ra, video dưới đây sẽ có đầy đủ thông tin để các bạn có góc nhìn toàn diện hơn về 2 cách từ chối. Các bạn có thể coi video dưới đây để tìm kiếm cho mình câu trả lời chính xác nghen.