Ngày hôm nay anh Trí muốn chia sẻ với các bạn về một chủ đề mà anh đã được nghe rất nhiều lần từ hàng trăm sinh viên lẫn học viên tại học viện Awaken Your Power là: “Không hiểu sao em học TIẾNG ANH hoài mà hổng giỏi, hổng giao tiếp được T.T”
Trong bài viết này anh sẽ không đi vào những kỹ thuật hay phương pháp học Tiếng Anh sao cho hiệu quả, mà anh sẽ kể cho các bạn nghe quá trình anh vận dụng ngôn ngữ này thành một công cụ vô cùng hữu ích.
Sẵn sàng chưa?
Chúng ta bắt đầu nhé^^
Đắng lòng học Tiếng Anh 12 năm không biết nói!
Chúng ta sẽ bắt đầu câu chuyện bằng 3 sự thật:
Thứ nhất, anh học chuyên Toán
Thứ hai, anh đã từng rất ghét Tiếng Anh
Thứ ba, anh ngày xưa không dám mở miệng ra để trò chuyện hay phản biện
Nhìn lại hiện tại, anh không trở thành dân kỹ thuật chính hiệu, anh đến Singapore du học và quay về Việt Nam để làm một công việc đòi hỏi phải giao tiếp liên tục. Mầm mống của mọi sự đổi này đều nằm ở TIẾNG ANH!
Nó đã giúp anh từ một thằng học chuyên Toán từ nhỏ, để rồi một ngày được đại diện cho trường cấp 3 của mình sang Singapore tham gia hội thảo về khoa học kỹ thuật. Từ một đứa không bao giờ dám mở miệng ra để phản biện, đến năm 4 đại học lại có thể thuyết trình không thua bất cứ một sinh viên Singapore nào. Thậm chí sau này khi quay lại Singapore, anh đã tự tin diễn thuyết trên diễn đàn cùng với những diễn giả giỏi nhất đến từ Mỹ.
Hôm nay khi nhìn lại, anh thấy Tiếng Anh dường như là nỗi trăn trở, nỗi đau rất lớn của thế hệ trẻ Việt Nam khi mà chúng ta dành không biết bao nhiêu năm để học mà vẫn không giỏi nổi, không giao tiếp được! Và anh cũng đã từng như các bạn!
2 sai lầm kinh điển khiến bạn học Tiếng Anh hoài mà không giỏi
Các bạn có thắc mắc tại sao một đứa trẻ sơ sinh chỉ mất 2-3 năm đầu đời đã có thể học bất cứ ngôn ngữ nào trên thế giới? Trong khi chúng ta có hẳn 12 năm hay thậm chí là hơn, cộng thêm người hướng dẫn, cộng thêm hàng tá giáo trình, trên dưới trăm lần kiểm tra kiến thức mà vẫn không cách nào ngấm nổi ngôn ngữ này.
Theo trải nghiệm cá nhân của anh, có 02 sai lầm rất lớn khiến chúng ta bị “hành hạ” bởi Tiếng Anh đó là:
Sai lầm thứ nhất: Học Tiếng Anh để đi thi
Chúng ta học với một mục đích rất NGỐC NGHẾCH đó là để ĐI THI. Chúng ta cố gắng cày từ vựng, ngữ pháp,… để được điểm cao trong bài kiểm tra, để lấy một văn bằng nào đó mà quên mất 02 mục đích cốt lõi của việc học một ngôn ngữ mới:
– Đầu tiên, ngôn ngữ giúp kết nối mọi người với nhau
– Sau cùng, ngôn ngữ là công cụ để khám phá, mở rộng nhận thức
Khi đó ta có thể trò chuyện với một người mà trước đây mình không thể nào hiểu được. Thông qua ngôn ngữ đó mình có cơ hội tìm hiểu về văn hóa, công nghệ, những vùng đất mới để mở rộng hiểu biết. Đây mới là điều quan trọng nhất của những ngôn ngữ chứ không phải là đi thi hay lên lớp.
Anh thú thật ngày còn bé anh chưa bao giờ thích Tiếng Anh, anh tìm cách quẳng nó ra sau đầu, anh cho nó biến mất không dấu tích ngay sau khi bước chân ra khỏi cửa lớp. Vậy điều gì đã khiến anh thay đổi? Học thuộc 5 từ vựng được 500đ, được 5 chẹo? Không, đều không đủ, sự thật nó “kích thích” hơn nhiều, video dưới đây xem ngay sẽ rõ…
Sai lầm thứ hai: Học Tiếng Anh phi tự nhiên
Chúng ta học với một phương pháp rất là PHI TỰ NHIÊN và NGƯỢC ĐỜI! Thiết kế bẩm sinh trong bộ não của mình để tiếp thu một ngôn ngữ được sắp xếp theo trình tự là: Nghe – Nói – Đọc – Viết.
Nhưng nhìn lại cách học Tiếng Anh hết sức truyền thống trong hầu hết những trường THPT lại bắt đầu bằng từ vựng, ngữ pháp rồi mới đến đọc, sau đó là nghe và nói rất ít. Trong khi mục tiêu quan trọng nhất của một ngôn ngữ thể hiện ở 2 kỹ năng nghe – nói.
Chúng ta đi ngược lại hoàn toàn quy trình bản năng, hơn hết còn bắt đầu với thứ khó nhất, chán nhất là học thuộc, chép thuộc từ vựng. Chẳng trách sao chặng hành trình học Tiếng Anh lại cực kỳ đau khổ, lại tuyệt vọng đến vậy. Đáng sợ hơn, chúng ta còn dễ dàng bị chỉ trích vì những lỗi sai để rồi hình thành nên nỗi sợ vô hình với ngôn ngữ này.
Học Tiếng Anh phải nói sai thì mới nói đúng được!
Nếu nói về bí quyết cá nhân để chia sẻ với các bạn thì đó là: ngay bây giờ hãy tạm thời gạt hết tất cả những thứ từ vựng, cấu trúc mẫu câu, thi cử qua một bên và tự hỏi mình rằng rốt cuộc các bạn muốn dùng Tiếng Anh để khám phá cái gì, để tìm hiểu cái gì? Sau đó, khi xác định được mong muốn học Tiếng Anh để làm gì rồi chúng ta mới có đủ động lực bước vào giai đoạn thực hành.
Việc rèn luyện một ngôn ngữ mới, các bạn cần cho mình cơ hội tạo ra lỗi sai và từ từ điều chỉnh nó. Không mở miệng nói thử sẽ không bao giờ nói đúng được. Vậy nên tuyệt đối không được ngại sai, cứ quất cái ý bằng từ đơn trước sau đó ghép nó lại, “tút” nó gần với suy nghĩ của mình. Và đừng đặt nặng vấn đề phải phát ẩm chuẩn 100% thì người ta nghe mới hiểu, ngay cả người bản xứ còn có lúc sai, có lúc không hiểu nhau cơ mà!
Hòa trộn sự hứng thú và nỗ lực lại, anh hy vọng Tiếng Anh sẽ không còn là nỗi ám ảnh của các bạn nữa. Anh sẵn sàng viết nhiều bài Blog hơn nữa liên quan đến chủ đề này nếu các bạn còn gặp vướng mắc. Vì vậy, hãy chia sẻ chân thành với nhau về câu chuyện học Tiếng Anh của mình trong phần bình luận bên dưới nhé!
Còn lại, nếu ngay lúc này các bạn cần ai đó truyền cho mình “chút xíu” động lực để có thể học Tiếng Anh một cách hiệu quả thì hãy đọc ngay BÀI VIẾT này kẻo trễ.