Xin chào các bạn! Anh là Nguyễn Hữu Trí – Mr Quéo đến từ Học viện Awaken Your Power.
Làm thế nào để có thể tha thứ cho những người đã từng làm tổn thương mình rất nhiều?
Mọi người thường hay nhầm lẫn giữa việc THA THỨ và chuyện BỎ QUA, thậm chí là DUNG TÚNG. Ví dụ: “Thôi kệ đi! Tha thứ cho họ đi! Tôi là người đầy lòng vị tha nên tôi bỏ qua chuyện đó!”. Thật ra đây là hành vi dung túng cho cái sai của người khác chứ không phải là tha thứ.
Trong bài viết này, anh sẽ chia sẻ cho các bạn về 3 bước để tha thứ cho người khác.
Để có thể tha thứ, ta phải chấm dứt việc nuôi dưỡng thù hận
Bước đầu tiên để có thể tha thứ cho người khác đó là: Quyết định chấm dứt việc nuôi dưỡng sự căm hận ở trong lòng của mình.
Các bạn phải nhận ra là khi mình nuôi dưỡng sự thù hận dành cho một ai đó hoặc một sự việc gì đó trong quá khứ thì nó giống như chúng ta đang đốt một ngọn lửa trong lòng của mình.
Ngọn lửa đó không biết có làm nóng được ai ở bên ngoài không nhưng trước hết, nó sẽ thiêu cháy tâm can của người nuôi dưỡng ngọn lửa đó.
Bởi vì trong quá trình chúng ta nuôi dưỡng sự thù hận đối với một lời nói, hành vi của một người nào đó đã gây ra cho mình trong quá khứ thì việc đầu tiên mà các bạn làm đó là các bạn sẽ tua đi tua lại ký ức đó hết lần này tới lần khác trong tâm trí của mình.
Người ta làm mình đau 1 lần nhưng về nhà, mình tua lại nỗi đau đó 1.000 lần. Điều này chẳng khác nào chúng ta liên tục bới móc vào một vết thương nào đó trong tâm hồn mình để cho nó không ngừng rỉ máu.
Bên cạnh đó, khi chúng ta giận dữ, thù hận thì cơ thể chúng ta sẽ tiết ra Andrenaline và Cortisol. Hai hormone này kích thích sự căng thẳng, ức chế quá trình tiêu hóa và chuyển dịch chất dinh dưỡng trong cơ thể. Nó khiến chúng ta trở nên kiệt quệ và dễ bị stress hơn.
Sự thù hận khiến chúng ta tàn phá cơ thể, sức khỏe và tâm hồn của chính mình. Vì vậy, việc đầu tiên chúng ta cần làm là dừng việc tra tấn bản thân mình lại.
Chữa lành tổn thương của mình để tha thứ cho người khác
Tiếp theo, bước thứ hai chính là: Chữa lành vết thương.
Hiển nhiên, khi một ai đó gây tổn thương cho mình thì mình cần phải tìm cách để chữa lành vết thương đó.
Anh nghĩ cách đầu tiên và đơn giản nhất để chữa lành cho một tổn thương trong cảm xúc, tâm hồn của mình đó là: Đặt niềm tin vào khả năng tự chữa lành của cơ thể.
Lúc này, các bạn hãy tập trung vào những thứ khác như một sở thích của mình, những mối quan hệ lành mạnh của mình, một công việc mà mình đang rất hứng thú và nghiêm túc,… và để cho thời gian giúp bạn chữa lành vết thương đó.
Dĩ nhiên, sẽ có những tổn thương tâm lý vô cùng nghiêm trọng và rất khó để có thể tự chữa lành.
Trong trường hợp này, chúng ta có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người có kinh nghiệm, những chuyên gia trong lĩnh vực này để được dẫn dắt và cung cấp những công cụ, phương pháp để chữa lành vết thương của mình một cách hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, đôi khi chúng ta bị thương nặng nhưng lại lầm tưởng rằng đó chỉ là một vết thương nhẹ. Ta bỏ mặc nó và khiến nó ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Có một mẹo rất đơn giản để biết được xem mình bị thương nặng hay nhẹ, đó là: Sau 3 – 6 tháng, nếu mình thấy cái tổn thương đó vẫn còn, thậm chí nó trở nên tệ hơn thì xác suất là mình có một vết thương nặng và cần tìm sự hỗ trợ càng sớm càng tốt.
Tha thứ và hàn gắn lại mối quan hệ
Cuối cùng, bước thứ ba đó là: Hàn gắn lại mối quan hệ.
Không những tự chữa lành cho mình mà biết đâu tới lúc đó, các bạn bắt đầu có cho mình sự từng trải, sự khôn ngoan và bao dung để có thể chữa lành luôn cho người đã gây ra tổn thương cho mình.
Bởi vì anh có niềm tin là những người đã gây tổn thương cho chúng ta thì hầu hết hoặc là họ vô ý hoặc là trong hoàn cảnh đó, họ cũng đang bị tổn thương và trong lúc đó, họ không kiểm soát được hành vi của mình nên đã gây tổn thương cho chúng ta.
Vậy nên sau khi đã chữa lành được vết thương của mình rồi thì bước cuối cùng, hãy trò chuyện với những người đã tổn thương mình một cách điềm đạm và cởi mở.
Chúng ta trò chuyện với họ không phải để buộc tội hay chỉ trích họ mà để hiểu họ hơn. Tìm hiểu xem là ngày đó, chuyện gì đã xảy ra với họ, tại sao họ lại vô tình làm tổn thương mình,…
Sau đó, các bạn hãy giải bày cảm xúc của mình cho họ biết. Chia sẻ với họ rằng ngày đó, khi sự việc đó xảy ra thì mình đã tổn thương như thế nào… Bởi vì, có khi họ vô tình gây ra tổn thương cho mình mà họ không biết.
Để đến cuối cùng, cả hai hiểu nhau hơn và tôn trọng nhau, không gây ra và lặp lại tổn thương cho nhau thêm bất cứ một lần nào nữa.
Điều này anh gọi là tha thứ dựa trên sự thấu hiểu.
Video dưới đây chia sẻ về câu chuyện người thật, việc thật của một bạn học viên bên anh. Hãy cùng tìm hiểu xem bạn ấy đã vượt qua hoàn cảnh đau thương và tha thứ cho chính những người đã tổn thương bạn ấy như thế nào nhé!
Đừng quên bình luận xuống phía dưới để chia sẻ cho anh biết về cảm nhận của các bạn nhé!