Flavors Vietnam 2023
04/04/2023

Cách yêu thương mà không gây tổn thương cho con

Xin chào các bạn, xin được giới thiệu, anh tên là Nguyễn Hữu Trí hay thường gọi là Mr. Quéo...
Đã sao chép
Đã lưu
gây tổn thương cho con

Xin chào các bạn, xin được giới thiệu, anh tên là Nguyễn Hữu Trí hay thường gọi là Mr. Quéo Ồ ruây, ông thầy đẹp trai và chuyên cà khịa đến từ học việc Awaken Your Power. Bài viết ngày hôm nay sẽ không phải là 1 bài giảng như thường ngày. Đây đơn thuần chỉ là chút trải lòng của 1 ông bố trạc tuổi trung niên, muốn nhìn nhận lại cách anh thương con của mình mà không gây tổn thương cho con.

Những ngày qua, có 1 số sự vụ thương tâm xảy ra, đó là việc một bạn trẻ trong độ tuổi teen quyết định chấm dứt cuộc đời của mình. Vừa làm trong môi trường giáo dục, vừa đóng vai trò một người cha, sự việc này thật sự làm anh rất băn khoăn. Vì việc thương con làm sao cho đúng, giáo dục để giúp con phát triển mạnh mẽ, thì ở khía cạnh này anh còn phải học nhiều.

Tuy nhiên, anh có thể giúp các bạn phân tích hành vi và tâm lý của những bạn trẻ khi rơi vào những hoàn cảnh tuyệt vọng như trên, để từ đó, nếu là người đang trong hoàn cảnh trên thì bạn hiểu mình nên làm gì, còn nếu là bậc phụ huynh, các anh chị cũng hiểu con mình đang nghĩ gì và mình nên học cách chăm sóc con ra sao.

Mắng con là 1 sai lầm là hành vi gây tổn thương cho con

Trong bức tâm thư của cậu bé trước khi tự sát gửi cho bố mẹ, có 1 ngộ nhận chung của nhiều bạn trẻ rơi vào hoàn cảnh tương tự, đó là các bạn cho rằng việc mình sống là 1 sai lầm – “Cuộc đời của tôi là 1 sai lầm”, “Bản thân tôi đã là 1 sai lầm”, để rồi các bạn tự nhận hết tất cả những cái sai trong cuộc sống là do các bạn gây ra. Phân tích ở khía cạnh tâm lý hành vi, đây là 1 niềm tin cực kỳ nguy hiểm.

Ví dụ, nếu bạn cho rằng hành vi lười biếng là 1 sai lầm, thì cái cách sửa sai là … chấm dứt lười biếng. Tương tự, nếu việc nói dối cũng là 1 sai lầm, thì cách để mọi người cùng vui là … không nói dối nữa. Vì vậy, nếu như 1 đứa trẻ có ý niệm sai lệch về bản thân, tin rằng mình là “1 sai lầm” trong cuộc sống của cha mẹ, thầy cô, bạn bè thì chúng sẽ có xu hướng muốn chấm dứt sự tồn tại của bản thân. Và niềm tin này được hình thành khi môi trường xung quanh liên tục lặp đi lặp lại ý nghĩ “đứa trẻ là 1 sai lầm”. Để rồi với tâm lý chưa vững vàng, đứa trẻ dễ bị ảnh hưởng, đưa ra những quyết định nguy hiểm cho bản thân.

Đây là 1 bài học anh rất thấm thía trong quá trình được huấn luyện tư duy và triết lý giáo dục hồi còn ở Nhật: Khi trò chuyện với 1 đứa trẻ, phải thận trọng phân biệt được giữa 2 khái niệm “Con sai rồi” và “Hành vi/ Suy nghĩ này của con sai rồi”. Bởi vì về bản chất, 2 điều này rất khác nhau.

“Mày không nói được câu nào nên hồn hết”

“Mày là trẻ con, biết cái tích sự gì mà nói”

“Mày đáng lẽ không được sinh ra” …

Là những câu nói gây sát thương tâm lý kinh khủng lên 1 đứa trẻ. Nếu phải sửa để làm hài lòng bố mẹ, thầy cô, đứa trẻ phải tự sửa chính mình.

Ngược lại:

“Hành vi này của con chưa đúng”

“Suy nghĩ này của con đang làm ảnh hưởng đến mọi người”

Là những câu nói để cho đứa trẻ biết cái sai là hành vi/ suy nghĩ của mình, chứ không phải đứa trẻ. Việc này không những thể hiện sự tôn trọng các bạn nhỏ mà còn khuyến khích sự chủ động học hỏi từ các em.

3 hành vi của cha mẹ dễ gây tổn thương cho con.

Ngừng gây tổn thương cho con bằng cách giúp trẻ nói ra suy nghĩ

Đây là 1 cách nghe đơn giản nhưng không hề dễ làm: Cho trẻ quyền để nói lên suy nghĩ của mình. Anh đã mất 1 khoảng thời gian để làm được điều này. Mỗi khi con anh làm sai 1 điều gì đó, thay vì nhảy bổ vào và phán xét thì anh khuyến khích con nói ra lý do đằng sau hành vi của bạn.

Có 1 lần, giữa anh và cậu con lớn xảy ra mâu thuẫn. Sau 1 hồi phân tích về lý do bạn không nên làm điều này. Anh chốt lại với bạn:
“Con có đồng tình với những ý kiến của ba không? Nếu chưa đồng tình, con có thể phản biện.”
“Nhưng có bao giờ con nói lại thắng ba đâu. 10 lần thì được 1, nói làm gì?” Thằng bé thủ thỉ.
Anh phì cười: “Trời, vậy là ghê lắm rồi đó. Nhân viên của ba, người nào từng phản biện lại thắng ba đều đã lên chức quản lý trong công ty hết rồi. Con nghĩ sao vậy!”
Thằng bé nghi ngờ 1 hồi lâu rồi cũng đồng tình sửa sai với cách của ba nó và đi ngủ.

1 tuần sau, khi gia đình anh đi ăn chung ngoài quán. Anh lại có thêm 1 cuộc cãi vã nhỏ với con. Nhưng lần này, 1 cách chắc nịch, con anh nói: “Hồi nãy lúc con làm cái này thì ba đã có thái độ như thế này, nghĩa là cái ba nói không thật sự giống cái ba nghĩ! Vì vậy ba không thể la con được.”

Con anh nói đúng. Không cãi được, anh đồng ý và xin lỗi. Anh không thắng trong cuộc cãi vã này, nhưng chính hành động gật đầu và đồng ý là anh thật sự sai, đã giúp xây dựng cho con anh sự tự tin vào lời nói và suy nghĩ của mình. Để con anh hiểu, cha mẹ không phải lúc nào cũng đúng, và cứ là con thì phải im lặng và nghe lời.

Ngừng gây tổn thương cho con bằng cách giúp con nói ra suy nghĩ.

Chỉ trích lỗi sai của con cũng gây tổn thương cho con

Đây là 1 thói quen nhiều bậc cha mẹ ở Việt Nam hay mắc phải. 1 bài kiểm tra 3 điểm con mang về, phụ huynh sẽ luôn than trách là sao con chỉ được 3 điểm, sai 7 câu nào. Bởi vì cha mẹ hay là thầy cô có suy nghĩ rằng mình phải chỉ ra cái sai cho con thì nó mới phấn đấu và làm tốt hơn được.

Tuy nhiên, để con được tốt hơn, thì cha mẹ phải hiểu là “tốt hơn” có nghĩa là phải “tốt”, rồi mới “hơn” được. Vì vậy, việc thiết thực mà cha mẹ có thể làm là chỉ ra những cái tốt của con mình, và rồi hướng dẫn cho con em mình cách để làm tốt hơn.

Ví dụ con làm bài kiểm tra được 3 điểm, thì thay vì chỉ trích con sai lận 7 câu, thì mình động viên con là con đã làm đúng được 3 câu rồi. Nếu câu này con sửa thêm lỗi này nữa, rồi câu kia con đổi cách làm mới thì có khi con sẽ lên được 5 điểm rồi, là đạt điểm trung bình. Và nếu con cố gắng học thêm kiến thức này thì con sẽ lên được 7 hoặc 8 điểm.

Tóm lại, nếu muốn con mình làm tốt hơn những kết quả hiện tại, bạn phải công nhận những kết quả hiện tại của con, khi đó mới giúp cho con nhìn ra được cách để đạt được kết quả tốt hơn.

Và nhiều bạn cũng thắc mắc: ”Anh ơi, nếu làm vậy mình có đang nuông chiều, làm con hài lòng với các kết quả con đang có mà không chịu nỗ lực phấn đấu thì sao?”. Vậy thì xem kỹ video này để có được câu trả lời hoàn chỉnh nha:

Một chút trải lòng về cách giúp con tự chữa lành tổn thương

Có 1 lời khuyên anh muốn chia sẻ với các bạn là nếu ba mẹ của mình đang là những người cởi mở, có góc nhìn cập nhật để luôn tìm cách thấu hiểu con thì xin chúc mừng các bạn. Còn nếu mình chưa có những phụ huynh giống vậy thì cũng khoan giận dữ và áp lực họ phải thế này, thế kia.

Thay vào đó, tự xây dựng cho mình nhiều chỗ nương tựa vững chắc trong các mối quan hệ.

Là nó sẽ giống như 1 cái kiềng 8 chân, nếu rủi mình có mất đi sự nâng đỡ hỗ trợ từ 1 chân, mình vẫn sẽ còn 7 chân còn lại để làm điểm tựa.

Thật ra cuộc đời dễ thương lắm. Có nhiều người rất sẵn lòng giúp các bạn. Không chỉ mỗi ba má, có khi còn là họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp. Mở lòng ra và thật tâm chia sẻ với họ những khó khăn trong lòng, có khi sẽ không có giải pháp mới, nhưng nếu điều đó thật sự giúp mình nhẹ lòng hơn thì tại sao bạn không thử?

Hãy cùng thực hành, nếu bạn thật sự nghiêm túc muốn có người chia sẻ và hỗ trợ thì ít nhất bạn cũng phải biết họ là ai. Trả lời 2 câu hỏi này để giúp bạn tìm ra những người quan trọng đó và hiểu cách trò chuyện với họ:

1) Những người bạn có thể mở lòng chia sẻ vấn đề của mình có tính cách hoặc tố chất, điểm mạnh như thế nào? Dũng cảm, tận tâm, tinh tế, giỏi vẽ vời hoặc đẹp trai, xinh gái chẳng hạn hehe.

2) Có những người nào bạn nghĩ đến đầu tiên sau khi trả lời câu hỏi thứ 1. Viết tên họ ra, và có khi nếu được thì mình có thể rủ và bao họ 1 buổi cafe để cùng ngồi trò chuyện và giúp mình tháo gỡ những băn khoăn trong cuộc sống của mình.

Hãy nhớ, là anh và các bạn đang đồng hành cùng nhau có nghĩa là cùng nhau hành động, vậy nên thả bình luận liền nha.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *