Xin chào các bạn, anh là Nguyễn Hữu Trí đến từ học viện Awaken Your Power. Trong vài năm trở lại đây, SELF-HELP luôn là chủ đề gây tranh cãi với muôn vàn quyển sách, hàng ngàn khoá học nói về nó. Chính điều đó đã đẩy giá trị của Self Help lên mức phải có nó thì mình sẽ trở nên giàu có, nổi tiếng và ảnh hưởng lên người khác.
Đây cũng là ngộ nhận của anh, và phải mất hơn một thập kỷ giảng dạy và huấn luyện thì anh mới có thể thật sự thấm thía điều này. Do đó chia sẻ dưới đây sẽ như bài luận tốt nghiệp nộp muộn đến thầy anh – thầy Stephen Covey, và cũng là lời cam kết cho chặng hành trình 10 năm tiếp với cách tiếp cận giáo dục khác biệt hơn mà anh mong được đồng hành cùng các bạn.
Cùng đọc và chia sẻ cảm xúc với anh nhé!
Bản chất của Self Help là gì?
Về bản chất, Self Help thật ra là những kỹ năng nhằm hướng dẫn con người đạt được sự bình an, tìm kiếm lại niềm vui, hạnh phúc bên trong. Mặc dù những cuốn sách Self Help, những khoá học về Self Help đã nổ rộ ở Việt Nam vào khoảng 15 năm trở lại đây, nhưng thực chất nó đã ra đời từ hơn 2600 năm trước với những vị thầy đi tiên phong như là Đức Phật, Lão Tử, Khổng Tử, Socrates, Đức Giêsu Kitô, Nhà tiên tri Muhammad.
Nếu tạm đặt những yếu tố tôn giáo và sự thần thánh hóa sang một bên thì tất cả những lời dạy trong kinh, trong sách về giới luật, quy tắc, sám hối, tu hành hay làm công quả đều hướng dẫn con người cách sống, cách cư xử đúng đắn khôn ngoan. Đó chính là “Self Development” một cách bền vững đã được duy trì và phát triển trong suốt gần 3.000 năm.
Cú bẻ lái tăm tối của Self Help
Vào khoảng năm 1937, với sự ra đời của hai cuốn sách Self Help bán chạy nhất mọi thời đại “Think and Grow Rich” của Napoleon Hill và “How To Win Friends and Influence People” của Dale Carnegie. Sự ra đời của hai cuốn sách này có thể ví như sự ra đời của động cơ hơi nước, cuộc cách mạng công nghiệp và cuộc cách mạng thông tin. Và đây cũng chính là cú bẻ lái quan trọng của Self Help, từ việc tìm kiếm và phát triển hạnh phúc bên trong nay đã thay đổi thành những thứ bên ngoài.
Dưới đây anh xin chia sẻ 3 khía cạnh là “mặt trái của Self Help”
Phải giàu có mới là hạnh phúc
Các bạn để ý cuốn sách của Napoleon Hill nhé! Nếu như tựa đề là “Think&Grow” thì không có gì quá khác biệt, nhưng lại là “Grow Rich” mà không phải là “Grow Happy, Grow Peacefull”. Hay như cuốn sách của Cale Carnegie là “How To Win Friends and Influence People” là phải ảnh hưởng được nhiều người càng tốt.
Nếu trước kia sự bình an, hạnh phúc phải là ở bên trong, thì bây giờ mục đích là phải đạt được sự giàu có, các mối quan hệ và ảnh hưởng lên người khác – những thứ bên ngoài.
Hãy tưởng tượng nếu những phương tiện như tiền bạc, quyền lực lọt vào tay những người mà sâu thẳm bên trong của họ là sự giận dữ, sự tự ti hoặc lòng thù hận thì sẽ như thế nào.
Và quay lại Self Help, nếu như những kỷ thuật, phương pháp được dẫn dắt bởi những con người mà ở họ thiếu đi những nhân cách như sự dũng cảm, kiên trì, trung thực, nhân hậu hoặc lòng từ bi thì chắc chắn sẽ tạo ra thảm kịch khủng khiếp, có thể kể đến là Adolf Hitler.
Chính trăn trở đó đã thôi thúc giáo sư Stephen Covey viết cuốn sách “7 thói quen của những người hiệu quả” vào năm 1989 để chứng minh giàu có không phải là yếu tố duy nhất để hạnh phúc.
Không bao giờ cảm thấy đủ
Ngành công nghiệp Self Help đã dùng những kết quả bên ngoài làm tiêu chuẩn đo lường sự trưởng thành của mỗi người. Xã hội được xây dựng dựa trên sự so sánh và ganh đua về của sự giàu có và nổi tiếng, cho nên chúng ta sẽ rất dễ so sánh theo kiểu “có bao nhiêu tiền, nổi tiếng tới mức nào”.
Hay xã hội luôn nhấn mạnh vào sự khiếm khuyết của bản thân rằng “Bạn chưa đủ”. “Bạn chưa đủ sự tự tin, bạn không đủ dũng cảm, bạn nói chưa đủ dõng dạc, bạn bắt tay chưa đủ mạnh, mục tiêu của bạn chưa đủ lớn, và bạn làm việc chưa đủ nhiều, chưa đủ quyết liệt và chăm chỉ”.
Và rồi anh tin, ngộ độc Self Help sẽ làm bạn bắt đầu ngấu nghiến tất cả những kiến thức, những kỹ năng, công nghệ mới mẻ với mong muốn trở nên mạnh hơn, giỏi hơn, ngầu hơn. Các bạn ước muốn mình có thể chinh phục những cột mốc thành công cao hơn nữa, cao hơn nữa. Anh cũng đã từng như vậy suốt nhiều năm.
Và chính tham vọng đó, cái giá phải trả là các bạn sẽ chẳng bao giờ cảm thấy đủ, cảm thấy thoả mãn, bình an và hạnh phúc.
Công nghiệp hoá ngành giáo dục
Ngành công nghiệp Self Help đã biến con người thành một cỗ máy đúng nghĩa, biến giáo dục thành Mass-Education. Hãy tưởng tượng giáo dục sẽ là một nhà máy công nghiệp chuyên sản xuất những con người “giống nhau”, bằng cách tạo ra một cái khuôn để làm mẫu và rồi dập cái khuôn đó xuống cho tất cả các sản phẩm, tất cả con người.
Họ sẽ lắp ráp những chi tiết, trang bị cấu hình, những bộ phận cho con người như là khả năng thuyết trình, năng lực lãnh đạo, kỹ năng bán hàng, khả năng quản lý công việc và sắp xếp thời gian.
Và đỉnh cao của công nghệ sản xuất này chính là một cái thứ mà anh nghĩ rất đặc biệt, nổi tiếng ngày hôm nay, đó là NLP (Neuro Linguistic Programming) – Lập trình ngôn ngữ tư duy. Các bạn là một chiếc máy vi tính để có thể xoá hết những gì là cá nhân và rồi sẽ được cài đặt lại hết toàn bộ hệ điều hành và những phần mềm tiên tiến nhất.
Anh không hề có ý chỉ trích những kỹ năng này, nhưng chúng ta phải tiếp cận nó một cách có “tính người hơn”. Anh tin, giáo dục không thể là một ngành công nghiệp, nó phải là NÔNG NGHIỆP. Nếu các bạn tò mò về góc nhìn này của anh, hãy bấm vào xem video để khám phá nhé!
3. Hãy để Self Help làm đúng bản chất của nó!
Nhìn lại quá khứ, hiểu về nguồn gốc của Self Help, các bạn có nhận ra rằng cốt lõi của giáo dục nên bắt đầu từ lòng từ bi, hay phải xuất phát từ tiếng nói của hạnh phúc.
Cho nên, việc làm đầu tiên của một người thầy/người huấn huyện/người dẫn dắt có khi không phải cố nhồi nhét một kiến thức/hệ tư tưởng/kỹ năng nào đó. Mà có khi là phải dừng lại để thấu hiểu được từng học trò của mình, để rồi sau đó dẫn dắt khơi gợi và tạo điều kiện để phát triển một cách tự nhiên và chân thật nhất.
Nói về Self Help, anh hoàn toàn không có ý định phủ nhận công dụng và sự sâu sắc của tất cả những cái kỹ năng, những phương pháp tư duy mới mẻ đó, nhưng chúng ta cần nhìn lại cách tiếp cận. Hãy dùng những công cụ đó bằng sự hứng thú, bằng tình yêu thương đối với những ấp ủ, với những giá trị, những hoài bão của riêng mình.
Thay vì ngộ độc sách Self Help, hãy dùng nó là động lực khám phá chính mình chứ không nên là bất cứ một tiêu chuẩn nào đang được dẫn dắt bởi truyền thông, để rồi so sánh, hà khắc đối với chính mình, bạn nhé!
Cú bẻ lái về “Self Help” của ông Quéo!
Nhìn lại chặng hành trình của mình trước đó, anh thấm thía hơn lời dạy của Thầy anh – thầy Stephen Covey và tự đề ra cho mình một cam kết mới. Kể từ năm 2012, trong học viện Awaken Your Power đã có một cái yêu cầu bắt buộc là bọn anh phải có cơ hội trò chuyện và lắng nghe để hiểu từng học viên của mình một cách sâu sắc trước khi các bạn bước vào bất cứ khoá học nào.
Thay vì hướng học viên ra bên ngoài, anh và học viện chú trong hướng dẫn cách để học viên hướng vào bên trong để ôm ấp, thấu hiểu sự yếu đuối của chính mình, thay vì “criticize” thì anh hướng dẫn “embrace yourself”.
Để rồi sau đó mỗi học viên sẽ tìm kiếm được định hướng riêng xuất phát từ niềm vui, sự say mê bên trong. Dù bạn lựa chọn như thế nào, hay làm bất cứ thứ gì cũng được, làm bánh, làm một bác sĩ chuyên khoa, cắm hoa, đi bán sữa, đi chụp ảnh, nuôi chó mèo hay là một người mẹ… thì chỉ cần đó là cái bạn muốn thật sự thì tự khắc tiền bạc hay các mối quan hệ của chúng ta rồi sẽ đủ đầy và sâu sắc.
Xin được tóm lại những trải lòng trong bài viết này bằng một đúc kết đơn giản. Đây là giấc mơ làm giáo dục của anh, về cách tiếp cận dựa trên tình yêu thương để mỗi học viên của anh tìm cho mình được sự bản lĩnh và bình an trong tâm hồn. Nếu xem đến đây, các bạn có những cảm xúc, suy nghĩ nào đừng ngần ngại thả cho anh chiếc bình luận bên dưới nhé!
Xin cảm ơn và xin được được đồng hành cùng với nhau!