Flavors Vietnam 2023
04/04/2023

Cách hết lười hiệu quả khi hiểu 6 loại lười này

Xin chào tất cả các bạn, anh là Nguyễn Hữu Trí – Mr Quéo đến từ học viện Awaken Your...
Đã sao chép
Đã lưu
Cách hết lười

Xin chào tất cả các bạn, anh là Nguyễn Hữu Trí – Mr Quéo đến từ học viện Awaken Your Power. Ngày hôm nay chúng ta sẽ nói với nhau 6 loại lười biếng khác nhau và cách điều chỉnh làm sao cho thật là tinh tế để vượt qua nó.

Anh nghĩ là với rất nhiều bạn sau một thời gian dài bị sự lười biếng ám ảnh thì họ căm ghét nó tới mức độ là họ muốn phẫu thuật và cắt bỏ luôn dây thần kinh lười trong não để mà sống tích cực mỗi ngày, đúng không?

Nhưng có 1 điều ít ai biết, thực chất lười biếng là một chức năng tối quan trọng trong việc duy trì sự sinh tồn và bảo vệ tính mạng của các bạn.

6 loại Lười thường gặp
6 loại Lười thường gặp

Vậy nên thay vì muốn hết lười mãi mãi, hãy cùng nhận diện xem bạn đang gặp vấn đề với loại lười nào để chúng ta có cách điều chỉnh và tháo gỡ hiệu quả nhất nhé.

Lười vì bất tiện

Anh Trí, em biết là dậy sớm, tập thể dục rất quan trọng. Em muốn làm nhưng phiền quá anh. Dậy xong rồi phải đi thay đồ, thay quần, thay áo rồi phải lôi giày, lôi vớ ra chuẩn bị. Oải quá anh.

Trong khi em chỉ cần lật người một cái là em có thể chụp được cái điện thoại, chọt hai cái thôi là em có thể bật được Facebook lên. Và khi đó em có thể ngay tức thì tập bài tập thể dục bằng mắt…

Cho nên nguồn gốc của loại lười biếng này nó xuất phát từ 1 lý do rất đơn giản, đó là công đoạn chuẩn bị trước khi bắt đầu 1 hành động tích cực nó nhiêu khê, nó lỉnh kỉnh và phiền phức hơn rất nhiều so với quá trình để bắt đầu 1 thói quen lầy lội và tiêu cực.

Khi hiểu về thể loại lười này, các bạn sẽ dễ dàng xử lý nó bằng cách nhiêu khê, phức tạp hóa quá trình để bắt đầu một thói quen lầy lộitiện lợi hóa quá trình chuẩn bị cho việc quan trọng mà các bạn muốn làm.

Ví dụ đơn giản: bạn có thể sạc smartphone của các bạn ở trong phòng khách thay vì ở ngay đầu giường, nhét cái app Facebook vào trong một cái folder xấu xí và bà xàm ba láp nào đó để nó khó kiếm lên, thức dậy phải mò mò mò một hồi mới tìm ra được cái gọi là Facebook.

Ngược lại, các bạn có thể mặc sẵn đồ chạy bộ khi đi ngủ, để đôi giày và đôi vớ ngay dưới giường của mình từ đêm ngày hôm trước, để đảm bảo khi các bạn bật dậy, vừa đặt chân xuống giường là các bạn chạm đúng đôi giày của mình và khi đó các bạn xỏ giày vô xong rồi thì các bạn khó bò ngược lại lên giường lắm. Lúc đó các bạn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều trong việc bắt đầu một cái thói quen tích cực.

Lười vì bất tiện
Lười vì bất tiện

Lười vì sợ

Ngại, tự ti, e dè, áp lực, tất cả những cảm xúc đó đều liệt vào nhóm sợ. Lười vì sợ thì nguyên nhân nó không đến từ những quy trình từ bên ngoài mà nó đến từ bản lĩnh ở bên trong. Các bạn ý thức được là mình chưa chuẩn bị đủ công cụ, kiến thức, bản lĩnh cho cái việc mà các bạn chuẩn bị làm. Cho nên các bạn có xu hướng tránh né và trì hoãn nó.

Giải pháp cho lười sợ rất đơn giản. Từ khóa đó là step by step. Nếu việc bạn định chinh phục thật sự nó quá khó khăn so với năng lực hiện tại của mình, hãy chia nhỏ chặn hành trình ra, làm từ từ từng bước một và tăng dần độ khó, từng bước trang bị cho mình những kiến thức, những kỹ năng mới ở từng cấp độ.

Trong khóa huấn luyện AYP, khi dạy cho học viên của mình cách để lên chiến lược vượt qua một khủng hoảng thì anh chia sẻ một hình ảnh rất đơn giản, đó là để nhảy lên một bức tường cao 4m, các bạn phải là một siêu nhân nhưng nếu có một cái cầu thang 40 bậc, mỗi bậc cao 10cm để dẫn lên nóc của bức tường đó thì thậm chí một đứa nhóc 4 tuổi cũng có thể dễ dàng chinh phục được thử thách đó. Cho nên, bí quyết ở đây là chia nhỏ thử thách của mình ra.

Nếu bạn chia nhỏ rồi mà vẫn còn thấy sợ thì kiếm một ông thầy trời đánh nào đó, một huấn luyện viên đứng sau lưng đạp cho các bạn một đạp, té cắm mặt vào trong cái thử thách đó, để rồi đánh vật với nó, sùi bọt mép ra. Và khi các bạn chiến thắng, các bạn sẽ bắt đầu nhanh chóng nhận ra rằng, nỗi sợ chỉ thực sự tồn tại ngay trước khi các bạn bắt tay vào cuộc chơi mà thôi. Còn một khi đã bắt tay vào chơi rồi thì mình cứ quất ầm ầm ầm ầm ầm ầm, tâm trí đâu có rảnh rỗi nữa đâu mà ngồi sợ hãi, lo lắng.

Lười vì sợ
Lười vì sợ

Lười vì chán

Đây là một việc không khó, không bất tiện. Các bạn cũng đã làm được nó vài lần rồi chứ không phải là không. Nhưng sau vài lần các bạn làm lặp đi lặp lại, các bạn bắt đầu sinh ra chán, mất hứng.

Sau ba bốn cuộc tình nào đó thì các bạn nói, anh ơi em nghĩ tới việc bây giờ phải bắt đầu lại hết tất cả mọi thứ từ đầu, phải đi cà phê, phải đi dạo rồi tâm sự, rồi qua nhà thăm gia đình rồi làm quen với chó, rồi làm quen với em trai, em gái, bà nội, bà ngoại. Haizz, em mệt mỏi quá anh, có thiệt là em phải làm lại hết tất cả những thứ đó từ đầu không, em lười yêu quá. Không! Ai nói mày phải yêu cái người tiếp theo y chang cái cách mà mình đã yêu cái người trước đó. Khùng hả? Tình yêu thời học sinh nó khác với tình yêu tuổi trưởng thành. Người ta thay đổi, chúng ta thay đổi, khách hàng thay đổi, xu hướng công nghệ thay đổi, anh ấy, cô ấy thay đổi.

Cho nên chỉ có mấy đứa khùng mới tự ép mình là phải luôn làm theo một cái cách cũ, một cái khuôn mẫu sáo rộng nào đó để rồi than chán, than là vô vị, nhạt nhẽo. Chỉ có con người buồn chán chứ không có công việc buồn chán. Đánh thức lại cái sự tò mò của các bạn để tìm hiểu, cập nhật.

Cập nhật về công nghệ, về thị trường, về khách hàng. Cập nhật về những cái tình cảm, những cái ý tưởng mới mẻ của cái bạn nam, bạn nữ đang ngồi ngay trước mặt mình. Cập nhật về sức khỏe, về những lo toan của ba má mình. Và từ đó các bạn bắt đầu có thể sáng tạo, thay đổi cách thức làm việc của mình.

Và nếu thậm chí là sau khi chúng ta đã quan sát và cập nhật và thấy là mọi thứ xung quanh các bạn hoàn toàn không có thay đổi gì luôn thì các bạn vẫn có quyền thay đổi và làm mới phương thức làm việc của mình. Biết đâu nó lại là một cái cảm hứng sáng tạo mới mẻ trong cuộc sống, cho công ty, cho đội nhóm và doanh nghiệp của các bạn.

Nâng cấp kỹ năng, thay đổi phương thức làm, tìm những người bạn đồng hành, nói chung là thay đổi đi mấy đứa. Khi đó cuộc sống sẽ không thể buồn chán được.

Lười vì chán
Lười vì chán

Lười vì bị tổn thương

Không phải vì bạn sợ một điều tồi tệ gì đó có thể xảy ra mà vì nó đã xảy ra hai lần, ba lần trước đó rồi. Cho nên lần này, khi chuẩn bị làm, các bạn cảm thấy hơi lười, hơi không sẵn sàng.

“Hả, lại gọi điện cho cái bà khách hàng mới hành em ra bả ngày hôm trước á hả?!”

“Hả, lại chở ba em đi mua đồ nữa hả, lần trước đi mua đồ thiếu điều ông mua hòm cho anh luôn rồi á!”

“Hả, lại chở em đi shopping một chút xíu thôi hả, một xíu theo cái đơn vị của em á đúng không?”

Nếu người ta vô ý dẫm lên cái chân của mình, làm mình đau thì các bạn phải la lên và nói cho người ta biết là anh ơi, chị ơi nhấc cái chân lên, đạp nát cái chân của em rồi, đau lắm, em là người chứ đâu phải gỗ đá, em cũng biết tổn thương và đau đớn chứ bộ!

Cho nên, nguyên tắc là la lên, chia sẻ thẳng thắn, chân thành. Cứ im im nghiến răng và cam chịu để rồi khi mà mình uể oải, mình trì hoãn thì người ta đánh giá mình. Đừng ngần ngại để phản hồi nếu người khác làm các bạn bị tổn thương.

Anh có niềm tin là 99,5% trường hợp người ta gây ra tổn thương cho các bạn là người ta vô ý đó, không ai cố ý đâu, thiệt. Cho nên mình phải thẳng thắn chia sẻ với người khác, chia sẻ với cấp trên của mình, chia sẻ với cộng sự, chia sẻ với khách hàng, chia sẻ với người yêu của mình, bố mẹ của mình, bạn bè của mình.

Làm rõ với họ về những mong đợi, những giá trị, những nguyên tắc, những sở thích riêng của các bạn. Và rồi cùng nhau thảo luận để điều chỉnh cách hợp tác. Không cần phải cắn răng cam chịu một mình rồi thành ra mình sợ, rồi mình ghét bỏ luôn một công việc mà nó thật sự quan trọng và ý nghĩa đối với mình.

Lười vì bị tổn thương
Lười vì bị tổn thương

Lười vì kiệt quệ

Các bạn không đi tiếp bởi vì các bạn thật sự đã cạn kiệt sức lực, năng lượng. Các bạn không thể tiếp tục cười nói giả lả được nữa bởi vì các bạn đã cạn kiệt cảm xúc bên trong của mình. Các bạn không thể tiếp tục đưa ra những ý tưởng, những giải pháp bởi vì các bạn đã cạn kiệt ý tưởng, đơ não rồi. Có bao giờ trải qua cái đó chưa?

Giải pháp tự nhiên của mọi người khi rơi vào tình huống này đó là họ chuyển sang trạng thái bỏ trốn của bộ não bò sát để bảo vệ cơ thể. Họ ném hết tất cả mọi thứ và nói that’s enough, no more. Nếu ai đã từng áp dụng phương pháp này, các bạn cũng sẽ đều công nhận với anh là nó rất sướng khi mình stop hết tất cả mọi thứ, bung xoã. Tuy nhiên, tới khi các bạn hết mệt và các bạn muốn quay trở lại việc đó thì nó rất khó khăn. Bởi vì quy trình công việc đã bị gián đoạn, gãy vỡ, những mối quan hệ uy tín và sự tin cậy các bạn cũng đã bị rạn nứt.

Cho nên, giải pháp hiệu quả hơn rất nhiều của anh trong tình huống này là đừng dừng lại nhưng chậm lại một nhịp. Chuyển sang chế độ power saving mood, trạng thái tiết kiệm năng lượng. Nếu các bạn không chạy nổi nữa thì đi bộ chậm cũng được nhưng đừng có bỏ cuộc. Nếu các bạn không giả lả cười nói được nữa thì im lặng, quan sát và lắng nghe chứ đừng vội bỏ trốn. Nếu các bạn không đưa ra được những giải pháp nữa thì bình tĩnh lùi lại một nhịp, nhìn cả cái bức tranh toàn thể chứ đừng vội đầu hàng.

Quá trình chậm lại một nhịp này nó sẽ giúp các bạn có thời gian để tìm lại sinh lực, cảm xúc hoặc tư duy sáng tạo của mình. Và quan trọng hơn hết là nó cho mình sự bình tĩnh để cân nhắc quyết định tiếp theo.

Dĩ nhiên sau đó các bạn vẫn có quyền dừng lại nhưng dừng lại một cách từ tốn và đẹp mắt để hạn chế tối đa những tổn thất không đáng có. Cái quan trọng nhất là bạn có cho mình sự điềm tĩnh khi đưa ra lựa chọn. Đó là cách hay hơn rất nhiều để đối diện với sự kiệt quệ.

Lười vì kiệt quệ
Lười vì kiệt quệ

Lười vì sai mục tiêu

Đây là công việc làm mà các bạn làm được, không phải là không thể nhưng mà các bạn không tỏa sáng, các bạn không thật sự xuất sắc và giỏi. Bạn rơi vào cái bẫy của cái sự tầm tầm và bình bình trong cuộc sống, trong công việc. Và điều quan trọng nhất là khi các bạn hoàn thành công việc, các bạn cũng không cảm thấy vui, tự hào hay háo hức. Hoặc thậm chí bên cạnh cái sự tung hô, những thành tích hoành tráng từ bên ngoài thì bên trong các bạn có một chút gì đó dằn vặt và tội lỗi, một cái kết không trọn vẹn và không có hậu.

Lý do của kiểu trạng thái này đó là bởi vì các bạn đã chọn sai mục tiêu. Các bạn đang theo đuổi mục tiêu quan trọng đối với người khác nhưng đó không phải là điều mà bạn thật sự mong muốn. Hoặc tệ hơn nữa, các bạn chọn sai cách làm, các bạn vi phạm những giá trị, những nguyên tắc sống của mình trong quá trình theo đuổi mục tiêu. Và vì vậy càng làm các bạn càng cảm thấy nặng nề và u uất.

Đây là loại lười biếng tích cực. Nó đến để cảnh báo cho chúng ta là có một lựa chọn nào đó không phù hợp. Trong trường hợp này các bạn nên cân nhắc một khoảng lặng để dừng lại. LỰA CHỌN QUAN TRỌNG HƠN NỖ LỰC. Trong lúc dừng lại này đừng để mình thụt lùi, rồi vùi đầu vào chán nản, hãy học hỏi để có cho mình những lựa chọn thông minh hơn.

Hiện tại, nếu bạn nào đang rơi vào trạng thái “sai mục tiêu”, bạn không biết đâu mới là mục tiêu chân thật của mình để quyết liệt với nó đến cùng, vậy hãy nhờ đến sự trợ giúp của anh.

Trong vòng 3 tiếng, tại Workshop “Chiến lược Thấu hiểu bản thân và Dẫn dắt sự nghiệp” trên Zoom, anh sẽ từng bước tháo gỡ những trăn trở, cái đã khiến bạn đặt sai mục tiêu, và rồi đưa những tư duy mới để bạn cảm nhận sự thay đổi, nhưng vẫn là chính các bạn ở một phiên bản tốt hơn.

Tìm hiểu thêm nhé!

Lười vì sai mục tiêu
Lười vì sai mục tiêu

Tới thời điểm này đã thấy bớt ghét sự lười biếng hơn chút nào chưa? Đã thấy là khi mình hiểu đúng và đưa ra những điều chỉnh phù hợp thì lười biếng thật sự cũng là một điều rất đơn giản, đúng không? Các bạn có thể xem thêm video dưới đây để nghe anh nói kĩ hơn về sự Lười Biếng của chúng ta nhé!

Đừng quên để lại comment ở phía dưới để chia sẻ cho anh biết những quan điểm của các bạn nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *