“Thẳng thắn đi…” – anh rất hay nói câu này với học viên của mình hay trong tất cả các video anh chia sẻ. Anh luôn khuyến khích mọi người đừng đè nén mà hãy lắng nghe và tôn trọng cảm xúc của mình. Nhưng… phải thành thật là…
Có những lúc sự thẳng thắn một cách nóng vội sẽ khiến bạn mất nhiều hơn là được! Vậy làm sao để thẳng thắng mà không tạo khẩu nghiệp, không làm mất đi mối quan hệ đôi bên? Chúng ta cần những kỹ năng và vị thế như thế nào để được QUYỀN THẲNG THẮN? Bí quyết nằm ở SỰ TIN TƯỞNG!
Nhưng để giữ vững được sự tin tưởng đó, chúng ta cần học được một thứ gọi là NGHỆ THUẬT PHẢN HỒI bằng “thông điệp BẠN” thay vì “thông điệp TÔI”.
Và anh là Nguyễn Hữu Trí – người sẽ chia sẻ với các bạn hết sức chân thực về chủ đề này!
THÔNG ĐIỆP BẠN đưa nghệ thuật phản hồi về con số âm
Hãy quan sát những người xung quanh và với chính bản thân các bạn. Có phải khi đặt ra kỳ vọng, chúng ta luôn mong đợi một điều gì đó nhưng một khi nó không đáp ứng hoặc tệ hơn là nó đi ngược với cam kết ban đầu thì mình mặc nhiên thấy bị tổn thương. Cơn tức giận đó mặc sức cuốn phăng đi sự khôn ngoan và chúng ta sẵn sàng rủa xả đối phương bằng những lời lẽ, những hành động không thương tiếc để trút hết mọi điều dồn nén trong lòng.
Khi đó bạn bắt đầu phán xét, chỉ trích nhân cách, hành động, tư duy, suy nghĩ của người ta từ trên xuống dưới bằng những câu từ vô cùng sắc bén: tại sao bạn như thế này, bạn như thế kia, bạn có biết suy nghĩ không, bạn nghĩ sao mà làm vậy, bạn có biết cái gì gọi là trách nhiệm không, bạn làm ăn kiểu quái gì vậy, bạn có danh dự không, bạn là người lớn hay con nít,…
Và cách phản hồi này gọi là THÔNG ĐIỆP BẠN! Hay dân gian gọi đó là “gửi” đôi dép phang vô mặt nhau chát chát!
Sau đó… mình hả giận, nhưng sự thẳng thắn của mình đã làm mất luôn mối quan hệ đó và rồi cả hai không thể nhìn mặt nhau nữa. Dĩ nhiên nếu mình không dính dáng vô người đó nữa thì ok coi như mất mối quan hệ, nhưng nếu đó là nhân viên trong bộ phận của mình hay thậm chí đó là thành viên trong gia đình mình thì cái tổn thương và mối quan hệ đó nó sẽ dai dẳng!
Vậy nên thành thật mà nói việc chúng ta chọn phán xét bằng “thông điệp bạn” là một việc cực kỳ rủi ro bởi một khi mình chạm tới nhân cách – hành động – suy nghĩ của người khác thì mình đã biến họ thành kẻ thù. Và một khi trở thành kẻ thù sẽ không có thấu hiểu, không có trò chuyện, không có giao tiếp nữa mà chỉ có chiến đấu!
Nghệ thuật phản hồi bằng THÔNG ĐIỆP TÔI
Trong trường hợp đứng trước sự tức giận, sự thất vọng, người giao tiếp hiệu quả họ không đè nén, họ vẫn rất thẳng thắn mà biểu hiện cảm xúc một cách rất khôn ngoan bằng cách chuyển THÔNG ĐIỆP BẠN thành THÔNG ĐIỆP TÔI.
Thay vì chỉ trích, phán xét, anh sẽ bắt đầu rằng: bạn ơi mình có thể chia sẻ với bạn băn khoăn của mình được không, mình đã rất lo lắng, khủng hoảng, cả nhóm đã rất hoang mang, chúng mình đã phải, mình không biết là chúng ta sẽ tiếp tục làm việc với nhau như thế nào, có điều gì ngăn bạn giữ cam kết hay không, sau này thật khó để mình tiếp tục giao những trọng trách khác cho bạn, thật sự là xong tới thời điểm này mình rất là mệt mỏi và thất vọng,…
Các bạn có thấy được sự chân thành mà thẳng thắn trong này không. Anh đã mô tả cảm xúc, hành động, suy nghĩ của mình với người đối diện. Anh không hề đè nén, nói giảm nói tránh nhưng trong quá trình đó anh cũng không phán xét hay chỉ trích người khác. Ở đây anh chỉ đơn thuần bày tỏ bản thân đã trải qua những gì, anh đã lo lắng, áp lực ra sao. Anh không tấn công và phán xét người bạn của mình bởi vì anh chưa hiểu thực sự đã có chuyện gì đã xảy ra với bạn. Và anh nghĩ điều quan trọng nhất đó là cho họ cơ hội để trình bày câu chuyện của họ.
Thử tưởng tượng xem nếu lúc đó người cộng sự của mình chia sẻ là nhà họ có người bị tai nạn hay bản thân bạn ấy đã gặp một bất trắc nào đó mà chính ngay lúc này họ còn rất hoang mang chưa biết xoay sở như thế nào thì các bạn vẫn có thể giữ được sự tin tưởng và thông cảm cho nhau.
Còn giả sử ngay tại thời điểm họ chưa kịp nói gì mà các bạn rút 2 chiếc dép ra + 10 cái miệng của mình ra sau đó phang tất cả sự phán xét, chỉ trích, chà đạp lên nhân cách của đối phương thì… Có khi họ biết họ sai nhưng họ cũng không xin lỗi và làm gắt ngược lại, thách thức ngược lại các bạn! Mối quan hệ này coi như chấm… hết!
Nghệ thuật phản hồi kết tinh từ nội lực
Trong suốt 11 năm anh đi dạy ở Việt Nam cho những doanh nghiệp, những người giữ vị trí quản lý thì nghệ thuật phản hồi là một kỹ năng rất thực tế. Nhưng sau mỗi lần anh chia sẻ với học viên của mình, anh luôn nhắc họ thêm một việc cuối cùng là để sử dụng được thông điệp tôi thì các bạn phải có VỊ THẾ PHẢN HỒI.
Hay nói cách khác, để mình phản hồi với người khác về việc trễ giờ của họ thì các bạn phải là người đúng giờ; để phản hồi việc thiếu nhiệt tình, thiếu cam kết trong công việc thì bản thân các bạn phải là người nghiêm túc, quyết liệt và say sưa. Có như vậy mình mới được quyền phản hồi!
Bên cạnh đó, bản thân mình tuyệt đối không được phép nói về những thứ mà mình không làm được. Không được phép chia sẻ những thứ mình không hiểu và chém gió rao giảng những thứ mông lung không có thật.
Vậy nên nghệ thuật phản hồi bằng thông điệp tôi phải đi từ Bản lĩnh, từ chính nội lực của các bạn trong quá trình rèn luyện, tích lũy. Hoặc hiểu đơn giản là: “Có sống đàng hoàng thì mới có quyền nói người khác!” Cái này nó thuộc về cái nết, thuộc về bản lĩnh cá nhân nên sẽ chẳng có sách vở hay bài giảng nào có thể bù đắp cho các bạn.
Ok! Anh đã xong phần chia sẻ của mình, còn bây giờ đến lượt các bạn. Hãy chấm nhẹ một comment về những gì bạn ngộ ra được sau khi đọc hết bài viết này với góc nhìn từ chính bản thân mình và những người xung quanh…
Nếu cần nghiệm lại sâu sắc hơn “bộ kỹ năng” chửi thẳng mặt nhưng không gây mất lòng với những ví dụ “cực cháy”, click vào video bên dưới nhé: