Flavors Vietnam 2023

7 kỹ năng sinh tồn trong thảm họa giẫm đạp

Xin chào các bạn, anh tên là Nguyễn Hữu Trí hay thường gọi là Mr.Quéo Ồ ruây, ông thầy đẹp...
Đã sao chép
Đã lưu

Xin chào các bạn, anh tên là Nguyễn Hữu Trí hay thường gọi là Mr.Quéo Ồ ruây, ông thầy đẹp trai đến từ học việc Awaken Your Power.

Sau thảm họa giẫm đạp rất kinh hoàng và tan thương ở phố Iteawon, Hàn Quốc thì chúng ta nhìn thấy những bài báo, những thương vong, sự đau khổ, sự mất mát đáng thương.

Tuy nhiên điều mà cá nhân anh cảm thấy đáng tiếc là có 1 thông điệp quan trọng hơn rất nhiều nhưng được chia sẻ khá là sơ sài và thiếu hệ thống với tất cả mọi người.

Đó là những hiểu biết về thảm họa giẫm đạp và kỹ năng sinh tồn trong những tình huống cực kỳ nguy hiểm đó.

Thảm họa giẫm đạp là gì?

Thảm họa giẫm đạp là tai nạn diễn ra khi có 1 số lượng rất đông người tụ tập ở 1 nơi công cộng và rồi dòng người đó liên tục tăng lên, di chuyển vào 1 hướng nào đó gây ra tắc nghẽn và những con người chèn ép, giẫm đạp nhau, gây ra rất nhiều tình huống thương vong.

Và lý do dẫn đến tử vong cao nhất không phải do giẫm đạp, mà là nghẹt thở.

Khi mà những con người được chèn lại với nhau quá sát trong 1 không gian chật chội thì phổi của chúng ta không thể di chuyển để đưa oxy vào trong cơ thể. Sau khoảng 30s-1 phút các bạn sẽ bắt đầu mệt và mất sự tỉnh táo của mình.

Sau khoảng 6 phút thiếu oxy các bạn sẽ mất các chức năng thần kinh và khi đó các bạn sẽ dễ rơi vào tình huống tử vong.

Lý do dẫn đến tử vong trong thảm họa giẫm đạp là vì bị nghẹt thở.

Vì vậy sau khi anh đã lên mạng và tìm hiểu rất chi tiết về các bài viết của chuyên gia trên thế giới, xin được tổng hợp 7 bước sinh tồn nếu lỡ bạn có gặp phải thảm họa giẫm đạp.

7 bước để sinh tồn trong thảm họa giẫm đạp

Lưu ý: 2 bước đầu tiên là 2 bước quan trọng để các bạn không bị rơi vào thảm họa giẫm đạp.

4 bước tiếp theo là 4 bước để sinh tồn nếu các bạn bị rơi vào trong 1 đám đông hỗn loạn và bị cuốn vào tai nạn giẫm đạp đó.

Và bước cuối cùng là bước các bạn có thể hỗ trợ người khác sau khi các bạn thoát ra khỏi thảm họa giẫm đạp.

Bước 1: Xác định các lối thoát hiểm ở bất cứ nơi công cộng nào bạn tới

Bất cứ khi nào các bạn đến 1 nơi đông người, dành ra 3-5 phút đầu tiên tìm lối thoát hiểm phòng trường hợp khẩn cấp.

Có thể thời điểm bạn đến không gian đó chưa đông người nhưng khi dòng người trở nên rối loạn, tầm nhìn hạn chế các bạn sẽ rất khó để tìm ra lối thoát hiểm.

Có 1 lần 2 vợ chồng anh tham dự 1 đêm nhạc rock ở quán bar.

Khi bước vào không gian đó, cả 2 bọn anh đều rất lo lắng vì đêm nhạc rất đông người. Và điều đầu tiên bọn anh làm là tìm nơi thoát hiểm phòng trường hợp cháy nổ và xô xát.

Xác định các lối thoát hiểm ở bất cứ nơi công cộng nào bạn tới

Sau khi nhận ra căn phòng có quá ít lối thoát hiểm cho nên bọn anh đã đưa ra quyết định.

Mặc dù đã mua vé vip và ngồi ngay sát sân khấu nhưng bọn anh xung phong từ bỏ ghế đó cho người khác ngồi và đứng ngay lối thoát hiểm bởi vì nếu có chuyện gì xảy ra, anh và vợ mình vẫn có thể rời khỏi đám đông hoảng loạn

Bước 2: Lường trước nguy cơ bùng nổ tai nạn để chủ động rời đi sớm

4 dấu hiệu các bạn nhận biết nguy cơ của 1 thảm họa giẫm đạp:

1) Những đám đông trở nên quá khích.

– Trẻ trâu: Là những bạn teen đi theo nhóm khoảng 4-5 người và sẽ có xu hướng xô đẩy nhau khi trở nên quá khích.

– Những người say xỉn: Những người khó kiểm soát những hành vi của mình và gây ra ẩu đả

– Những cổ động viên quá khích

2) Mật độ người tăng nhanh đột biến

Nếu trong 1m2 các bạn thấy có từ 5-8 người, nguy cơ xảy ra va chạm tăng lên rất cao.

3) Không gian an toàn cá nhân bị xâm phạm

Các bạn bị những cú hích cùi trỏ, những xô đẩy thậm chí các bạn bị mất tầm nhìn của mình

4) Nghe có tiếng than phiền, khó chịu

Các bạn thường nghe những tiếng than phiền, khó chịu phát ra xung quanh với tần suất ngày càng dày đặc

Lường trước 4 nguy cơ bùng nổ tai nạn giẫm đạp

Đó là những dấu hiệu cho thấy tai nạn giẫm đạp chuẩn bị phát sinh.

Trong trường hợp không may bị cuốn vào 1 đám đông thì thực hiện bước thứ 3

Bước 3: Không đi ngược lại dòng người

Nương theo và hướng dần sang 2 bên, dịch chuyển theo phương xéo để từ từ rời ra khỏi trung tâm của đám đông.

Không đi ngược lại dòng người

Trong trường hợp này các bạn tuyệt đối không được đi ngược lại chiều của đám đông bởi vì việc này rất khó khăn và các bạn sẽ nhanh chóng bị kiệt sức.

Bước 4: Bảo vệ hô hấp với tư thế vòng trước mặt

Tư thế sai lầm mà mọi người hay mắc phải là chúng ta dùng 2 tay để cố gắng đẩy người phía trước ra, trong trường hợp này tay các bạn có thể bị tuột lên trên và khi đó lực đẩy từ phía sau khiến bạn không thở được.

Vì vậy tư thế đúng là các bạn đưa 2 khuỷu tay của mình ra phía trước, tay này giữ chặt khuỷu tay kia để bảo vệ 1 không gian an toàn trước lồng ngực.

Bảo vệ hô hấp với tư thế vòng trước mặt

Trong trường hợp các bạn di chuyển cùng với trẻ em trong thảm họa giẫm đạp, xem thêm clip của anh tại đây để có thể hiểu rõ hơn về cách bảo vệ trẻ.

Bước 5: Không được té! Chân trước sau thủ tấn

Khi các bạn té sẽ kích hoạt hiệu ứng domino mọi người ngã lên nhau, và các bạn nằm cuối nên nguy cơ tử vong rất cao.

Trong lúc đứng các bạn không nên đứng chân 2 bên, dễ mất thăng bằng.

Cách đứng an toàn hơn trong thảm họa giẫm đạp, 1 chân trước, 1 chân sau để thủ tấn.

Chân trước, chân sau thủ tấn

Nếu các bạn bị ngã, đứng dậy nhanh nhất có thể. Nếu cạnh mình có người ngã, hãy đỡ họ ngay tức thì vì để không kích hoạt hiệu ứng domino tại nơi bạn đứng

Bước 6: Nếu ngã, không nằm sấp hoặc ngửa

Nếu lỡ không may bạn bị ngã ngay trong thảm họa giẫm đạp, tư thế an toàn nhất để bảo vệ bạn là tư thế bào thai, chân kéo sát lên ngực, tay bảo vệ đầu.

Bình tĩnh hít thở và chịu đựng

Nếu ngã, không nắm sấp hoặc ngửa

Trong trường hợp này các bạn sẽ bảo vệ được nội tạng và có không gian để tiếp tục thở trong lúc chờ được giải cứu.

Bước 7: Nếu thoát được khỏi thảm họa giẫm đạp

Nếu các bạn may mắn thoát khỏi thảm họa giẫm đạp và có kỹ thuật hồi sinh để sơ cấp cứu thi các bạn thực hiện CPR hồi sức cho các nạn nhân trong lúc đợi cứu hộ.

Thứ hai, nếu các bạn không biết kỹ thuật cấp cứu, hãy nhanh chóng rời khỏi hiện trường để không gây cản trở cho công tác cứu hộ.

7 bước xử lý khi gặp phải thảm họa giẫm đạp

Anh mong là 7 bí quyết để phòng chống và sinh tồn trong thảm họa giẫm đạp vừa rồi giúp tất cả chúng ta đề cao cảnh giác và có những kỹ thuật đúng đắn tự bảo vệ mình trong những trường hợp khó khăn.

Và nếu mọi người thấy những kiến thức này thực tế và có ích cho cộng đồng thì chúng ta có thể chủ động chia sẻ nó cho người thân, gia đình, bạn bè để cùng lan tỏa hiểu biết và bảo vệ nhau để những thảm họa giẫm đạp này sẽ không bao giờ lặp lại nữa.

Dành riêng cho những bạn quan tâm về chủ đề công việc và đời sống có thể xem thêm bài viết về work-life balance.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *