Lý do nhân viên nghỉ việc nhiều nhất phải kể đến là mâu thuẫn với sếp. Đây là mối quan hệ không dễ gì hoà hợp trong công ty. Tuy nhiên để công ty phát triển thì hai nhân tố này phải biết cách phối hợp nhịp nhàng cùng hướng về mục tiêu chung.
Vậy để thăng tiến trong sự nghiệp, bạn cùng anh khám phá bí quyết để mối quan hệ giữa sếp và nhân viên ngày càng tốt hơn thì nên làm gì nhé.
Nhận thức rõ công ty không phải là gia đình
Công ty là một tập thể mà ở đó nhiều người phối hợp cùng với nhau để tạo ra kết quả chung. Giống như một đội bóng, nhiệm vụ của cả nhóm là phải đưa được bóng vô khung thành đối phương và giữ được khung thành của mình.
Về bản chất, công ty được ra đời bởi mục tiêu chung chứ không phải xuất phát từ tình thương. Cho nên, khi bạn là nhân viên, hay bạn là sếp thì nếu mỗi người không chia sẻ được vai trò trong tập thể để tạo ra kết quả, bạn không được ở trong công ty.
Đơn giản nó là như vậy.
Bạn bị mâu thuẫn với nhân viên hay với sếp bởi vì bạn vẫn nghĩ rằng công ty là một gia đình, nơi tồn tại tình thương là trên hết. Nếu như bạn nhận thức được điều này thì trăn trở về mâu thuẫn giữa sếp và nhân viên sẽ được tháo gỡ.
Nếu mối quan hệ ấy đang không dựa trên việc tạo ra kết quả thì “Một là bạn phải thay đổi, hai là bạn phải đổi việc”.
Và nếu bạn chấp nhận mình thay đổi thì cùng xem 2 giải pháp bên dưới nhé!
Xây dựng mối quan hệ giữa nhân viên và sếp
Nếu bạn là nhân viên thì hãy ngừng mong đợi sự hoàn hảo từ sếp. Họ cũng là con người có điểm mạnh và điểm yếu. Điều bạn cần quan tâm là thấy điểm hay của họ, quan sát cách họ đối diện với những thử thách như thế nào, và hạn chế chạm vào điểm yếu của sếp.
Nếu bạn là sếp thì cũng đừng nhìn thấy nhân viên của mình không làm được việc, mà hãy công nhận những điều họ đã làm được để động viên, khích lệ phát huy điểm mạnh.
Tuy nhiên, nói lý thuyết thì dễ nhưng thực tế lại là thử thách. Bởi vì sếp rất khó để thay đổi, nhân viên là người nên chủ động thay đổi trước.
Đừng cố tìm điểm sai của sếp, đừng cố mong muốn sếp sẽ hiểu mình. Bạn hãy định vị bản thân trước hết, để rồi sau đó quan sát, thấu hiểu và đủ tự tin đáp ứng được những mong muốn của sếp.
Để rồi khi bạn trở thành người có giá trị rõ ràng trong công ty, thì sếp sẽ bắt đầu học cách quan sát và thấu hiểu bạn.
Xây dựng mối quan hệ khi bạn là quản lý cấp trung
Khi bạn là quản lý cấp trung, bạn sẽ có cả sếp và nhân viên, anh hay gọi là “bánh bì kẹp thịt”. Khi bạn ở trong vị thế này, thông thường sẽ mong đợi sếp lúc nào cũng làm gương tốt cho mình, và đồng thời mong đợi nhân viên sẽ chủ động.
Anh nghĩ là mình nên làm ngược lại, đó là chủ động hỗ trợ, hiểu điểm mạnh của nhân viên. Mình làm gương cho nhân viên bằng cách là một nhân viên chủ động với sếp của mình. Và với cả hai đối tượng này, mình không nên soi vào điểm sai để chỉ trích hay phán xét, mình hãy chủ động tìm cách để khắc phục.
Tóm lại, anh thấy điều cốt tuỷ nhất để xây dựng mối quan hệ tốt giữa sếp với nhân viên đó là sự Hiểu và Thương. Sau cùng để đi đến mục tiêu là kết quả kinh doanh, mỗi người phải cố gắng hiểu điểm mạnh và điểm yếu của đối phương. Hiểu điểm mạnh để nâng đỡ, hiểu điểm yếu để tránh đụng vào.
Còn các bạn thì sao, hãy cho anh biết quan điểm của bạn ở phần bình luận nhé!
Để nghe trọn vẹn cuộc đối thoại về chủ đề này, bạn bấm vào video bên dưới.