Flavors Vietnam 2023
04/04/2023

Đắng lòng sinh viên “sa lầy” với 3 ảo tưởng…

Các bạn biết không, thời sinh viên có thể là quãng thời gian dễ thương nhất, đồng thời là những...
Đã sao chép
Đã lưu
Sinh viên cần tránh những ảo tưởng này

Các bạn biết không, thời sinh viên có thể là quãng thời gian dễ thương nhất, đồng thời là những ngày tháng lầy lội nhất trong cuộc sống của chúng ta.

Nếu ngay bây giờ phải miêu tả thời sinh viên của bạn bằng 2 tính từ thì đó là gì? Tuyệt vời, thú vị, nhàm chán hay….

Và anh là Nguyễn Hữu Trí người đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc huấn luyện, chia sẻ cho hơn 170.000 sinh viên ở các trường đại học khác nhau trên cả nước, dĩ nhiên trong từng đó bạn trẻ sẽ có vô vàn tính cách khác nhau!

Từ đó, anh nhận ra rằng sẽ là không hợp lý nếu áp một công thức chung về những điều nên hoặc phải làm trong thời sinh viên. Vì vậy ngày hôm nay, chúng ta sẽ chia sẻ với nhau những điều KHÔNG NÊN LÀM hay nói cách khác là 3 ẢO TƯỞNG CHẾ.T NGƯỜI trong thời sinh viên!

3 ảo tưởng thời sinh viên
Top 3 ảo tưởng chế.t người thời sinh viên

#1 Sinh viên lên đại học CHỈ BIẾT “HỌC” ĐẠI HỌC!

Bạn không đọc nhầm đâu! Lên đại học mà chỉ biết “HỌC” đại học… là TOANG THỰC SỰ vì đây là sai lầm trong tư duy và cách nhìn nhận!

Ở Việt Nam chúng ta học cấp 1, cấp 2, cấp 3 và rồi sau đó học đại học, tựu chung nó vẫn là một ĐỘNG TỪ HỌC. Tuy nhiên ở trong tiếng Anh thì từ “học” này người ta chia ra rất rõ, rất khác biệt với 2 nghĩa: learn & study.

Một đứa trẻ đi học về, bố mẹ nó sẽ hỏi: “What do you learn in school?”. Nhưng khi các bạn lên đại học, người ta sẽ hỏi là: “So what do you study in college/university?”. Vậy learn và study khác nhau như thế nào?

Sinh viên lên đại học có thực sự học đúng nghĩa?
Sinh viên lên đại học có thực sự học đúng nghĩa?

Đầu tiên, “learn” là tiếp thu kiến thức một chiều, là quá trình tiếp nhận những câu trả lời, những kiến thức, khái niệm được truyền đạt từ thầy cô/cha mẹ/sách vở. Ngược lại khi trưởng thành chúng ta phải “study” và nó được hiểu là quá trình tìm hiểu, khám phá, nghiên cứu bao gồm 3 bước:

Bước 1: Đặt ra một câu hỏi/trăn trở/thách thức cụ thể

Ví dụ như bạn đặt câu hỏi làm sao để tự động hóa một quy trình sản xuất truyền thống nào đó, làm sao để phân tích/tính toán/định giá chính xác một doanh nghiệp hay làm sao để thuyết phục khách hàng yêu thích sản phẩm của mình,…

Đến đây, anh muốn thẳng thắn rằng nếu không thể làm được điều này thì bạn sẽ phải vạ vật, lê la trên giảng đường và bị nhấn chìm bởi hàng tấn kiến thức được ném vào mặt. Đó sẽ là những ngày của… địa ngục!

Bước 2: Thu thập, phân tích & hệ thống câu trả lời cho câu hỏi của bạn

Ngày hôm nay bạn sẽ là một đứa SIÊU LÙ – ĐẠI NGỐC nếu chỉ đơn thuần thu thập những câu trả lời, kiến thức từ thầy cô, từ textbook.

20 năm về trước, khi anh bước chân vào trường đại học của mình, ở thời điểm đó tụi anh đã được khuyến khích phải chủ động thu thập thông tin đa chiều qua internet, sách tham khảo, từ các cái forum, công việc internship, những cái dự án,… Bởi vì cuộc sống sẽ có rất nhiều những góc cạnh và những câu trả lời khác nhau cho cùng một câu hỏi!

Bước 3: Lựa chọn phương thức, chiến lược phù hợp nhất

Lúc này chúng ta cần thu thập, phân tích thông tin từ những câu trả lời khác nhau để lựa chọn được phương thức phù hợp nhất với hoàn cảnh, với tố chất, định hướng của riêng các bạn.

Sinh viên học sai cách dẫn đến giảng viên dạy sai hướng!
Sinh viên học sai cách dẫn đến giảng viên không thể dạy đúng hướng!

Vậy nên ngay tiếng Anh người ta đã phân định rất rõ sự khác biệt giữa việc “học” ở trường học và ở trường đại học. Tuy nhiên, Việt Nam chúng ta vẫn rất dễ dãi trong cách sử dụng từ ngữ của mình vì tất cả mọi thứ đều gom chung vô một từ gọi là “học”.

Chính vì vậy, khi bước vào đại học sinh viên lại tiếp tục “learn” giống như cách họ luôn làm ở cấp phổ thông. Họ vẫn tiếp tục bước vào lớp rồi chờ đợi một ai đó trao cho họ kiến thức, trao cho họ kỹ năng.

Và trong lúc đó, giảng viên ở Việt Nam hầu hết vẫn phải tiếp tục TEACH thay vì INSTRUCT! Vì vậy để vượt qua sai lầm chế.t người số 1 này, nỗ lực phải bắt đầu từ sinh viên. Các bạn phải quyết tâm có cho mình câu hỏi, trực tiếp phản biện với thầy cô giáo hoặc hỏi bạn bè, hỏi Google, YouTube,…

Hãy nhớ rằng dù trường của mình có xịn hay dỏm, thầy cô cứng nhắc, cổ hủ hay hiện đại thì tuổi trẻ này là của các bạn, sự nghiệp này là của các bạn, trăn trở này là của các bạn!

#2 Sinh viên lên đại học CHỈ ĐI HỌC TRONG TRƯỜNG ĐẠI HỌC!

Ủa lên đại học không học trong trường đại học chẳng lẽ học ở trường tiểu học? Đúng, các bạn không sai nhưng nếu ngày hôm nay cuộc chơi của các bạn chỉ luẩn quẩn quanh 4 bức tường của trường đại học và ký túc xá thì… MÀY LÀ MỘT THẰNG ĂN HẠI TIỀN CỦA TÍA MÁ MÀY!

Anh nói thiệt là trong 10 năm anh đi huấn luyện ở các trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh, anh đã gặp không biết bao nhiêu là sinh viên học lên tới năm 3 đại học nhưng vẫn chỉ quanh quẩn trong khuôn viên trường!

Các bạn đó thậm chí chẳng biết gì về Chợ Lớn, Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm, khu Công nghệ cao, viện bảo tàng, nhà hát,… và hiển nhiên khi đó đúng thật là chỉ lên đại học và học đúng trong bán kính 3 km trường đại học của mình thôi!

Ngày đó anh đi du học ở trường đại học quốc gia Singapore – NUS nhưng môi trường dạy cho anh những bài học đắt giá nhất là chính đất nước Singapore.

Cái mà ngày hôm nay anh vẫn cảm nhận được đó là sự choáng ngợp về cách thức tổ chức xã hội của họ. Tất cả đã cho anh một tầm nhìn về Việt Nam trong 50 năm tiếp theo để anh ấp ủ, xây dựng những dự định và đó là điều anh biết ơn nhất từ Singapore.

Quay lại với các bạn đến Sài Gòn học đại học, ở đây có bao nhiêu bạn thực sự có khát khao được khám phá thành phố này, được tìm hiểu về một trung tâm kinh tế – tài chính – cơ hội lớn nhất cả nước?

Cho nên lên đại học mà chỉ luẩn quẩn trong trường thì đó là đồ đại ngốc. Tuổi trẻ là phải đi đây đi đó, phải giao lưu, phải kết nối, phải trải nghiệm lăn lộn để cảm nhận được cuộc sống từ thế giới xung quanh một cách đa dạng.

Để rồi chúng ta biết trầm trồ, biết tán thưởng, biết chua xót, biết khát khao và đó là thứ mà những kiến thức trong sách vở tầm thường sẽ không bao giờ có thể dạy ta được!

Việc học chưa bao giờ dừng lại trong khuôn viên trường đại học!
Việc học chưa bao giờ dừng lại trong khuôn viên trường đại học!

#3 Sinh viên CHỈ HỌC ĐỂ LẤY BẰNG ĐẠI HỌC!

Học xong 4-5-6 năm đại học và lấy bằng đại học thì đó là điều dĩ nhiên. Nhưng nếu đi hết tuổi trẻ của mình mà chỉ lấy được mỗi tấm bằng đại học thì bạn lại là một THẰNG ĐẠI NGỐC TẬP 2.

Vì lúc đó bạn đã phí tiền của gia đình, phí cả thanh xuân của mình mà cái bằng đại học chỉ xác nhận được kiến thức của các bạn mà thôi.

Vậy nên khi đi hết quãng đường đại học của mình các bạn phải lấy được 4 thứ đó là: kiến thức – kỹ năng – kinh nghiệm – các mối quan hệ.

Trong 4 thứ này, thú thật KIẾN THỨC là cái rẻ tiền nhất! Bởi vì giá trị của nó không lâu dài, sau một thời gian rất ngắn kiến thức sẽ bị lạc hậu và lỗi thời, đặc biệt là ở khối ngành công nghệ.

Sự chuyển dịch 4.0 ngày nay làm kiến thức có thời gian sống rất mong manh nên chỉ có những KỸ NĂNG được rèn luyện trong quá trình tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm,… mới tiếp tục hỗ trợ các bạn 10-20 năm tiếp theo sau khi ra trường.

Kế đến đó là KINH NGHIỆM cho những lần thành công, những lần vượt qua giới hạn hoặc thất bại sấp mặt đau đớn.

Những kinh nghiệm xương máu đó sẽ giúp bạn định hình bản lĩnh, tính cách; nuôi dưỡng cái gọi là ý chí, sự kiên trì, sự bền bỉ và nó sẽ đi với các bạn suốt cuộc đời.

Cuối cùng chúng ta nói về MỐI QUAN HỆ. 10 – 20 năm sau khi ra trường, nói thật là tầm đó kiến thức đã “bay màu” gần hết!

Trong quá trình đi làm chúng ta liên tục rèn luyện các kỹ năng cần thiết, từ đó cũng cho mình những kinh nghiệm để đời. Duy chỉ có những mối quan hệ bạn đại học giờ gặp lại nhau là quý như vàng! Vì anh nghĩ tình bạn của những ngày tháng mà mình còn hồn nhiên, vô tư, không vụ lợi, không có toan tính thì nó giống như rượu rất lâu năm và càng lâu sẽ càng quý, càng ngon hơn.

Vậy nên đi hết quãng đời sinh viên các bạn nhất định phải có được 4 thứ này, tầm quan trọng cũng như giá trị của nó sẽ tăng theo từng cấp độ: kiến thức → kỹ năng → kinh nghiệm → các mối quan hệ.

Kiến thức có thời gian sống rất mong manh
Kiến thức có thời gian sống rất mong manh

Hãy cho mình một quãng đời sinh viên thực sự ý nghĩa

Bài học mà anh đã chia sẻ ở trên chính xác là điều mà anh ước gì, ước gì lúc 18 tuổi – khi bước chân vào trường Đại Học ai đó hãy dạy cho anh. Và có lẽ trong suốt hơn 13 năm đi dạy và huấn luyện, anh nhận ra hầu hết các bạn sinh viên vẫn không được dạy những điều trên ở trường đại học.

Đó cũng là lý do lớn nhất thôi thúc anh xây dựng nên khoá huấn luyện AYP (Awaken Your Power) – do anh trực tiếp hướng dẫn tại học viện. Anh tin với sự đồng hành của mình, trên chặng đường rèn luyện bản lĩnh và định hướng cuộc sống sắp tới, bạn có thể tạo nên một thời sinh viên bản lĩnh, tự tin và không hối tiếc bất cứ điều gì.

Và ngay tại đây anh xin rút lại 3 ý, các bạn ơi mình lên đại học rồi hãy: Học cho đúng cách – Đi cho đúng chỗ – Tích lũy cho đúng thứ. Khi không phạm phải sai lầm, anh tin là cùng nhau chúng ta sẽ học hỏi, trưởng thành, sẽ xây dựng cho mình một tuổi trẻ say sưa, rực rỡ nhất. Nhớ rằng các bạn chỉ 18 tuổi có một lần, chỉ 19 tuổi, chỉ 20 tuổi đúng một lần mà thôi và anh là Nguyễn Hữu Trí – người sẵn sàng chia sẻ với các bạn những kỹ năng, góc nhìn, kinh nghiệm, quan điểm về vô vàn chủ đề thú vị trong cuộc sống.

Còn nếu bạn vẫn băn khoăn làm thế nào để có một Quãng đời sinh viên thực sự ý nghĩa thì đây, click xem video bên dưới để một lần nữa lắng nghe 7749 màn tâm sự “thầm kín” cùng những cú vả mặt đau điếng bị dấu nhẹm trong bài chia sẻ này nhé:

Sau cùng khi đã xem hết video trên và bạn đã nhận ra mình cần phải thay đổi nhưng không có miếng động lực nào, thì đây, BÀI VIẾT này là những gì  bạn phải đọc ngay lúc này.

Hãy để lại comment bên dưới bài viết để chia sẻ cùng Mr Quéo những ảo tưởng, những sai lầm mà bạn nghĩ sinh viên cần phải né xa nhé. Chúc các bạn sống trọn ý nghĩa với tuổi trẻ của mình!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *