Flavors Vietnam 2023

3 cách chấm dứt chứng mất tập trung

Xin chào các bạn, xin được giới thiệu, anh tên là Nguyễn Hữu Trí hay thường gọi là Mr. Quéo...
Đã sao chép
Đã lưu

Xin chào các bạn, xin được giới thiệu, anh tên là Nguyễn Hữu Trí hay thường gọi là Mr. Quéo Ồ ruây, ông thầy đẹp trai và chuyên cà khịa đến từ học việc Awaken Your Power. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau bàn luận về chứng mất tập trung và suy nghĩ lan man.

Các bạn có bao giờ có trải nghiệm tương tự như này chưa: Đó là lúc các bạn biết các bạn cần phải giữ sự tập trung của mình để giải quyết 1 công việc gì đó rất quan trọng nhưng đầu óc của bạn rối tung rối mù hết cả lên. Lúc thì nghĩ cái này, lúc thì nghĩ cái kia. Và thẳng thắn đi, đó là 1 thử thách rất lớn mà tất cả chúng ta ngày hôm nay đều đang đối diện: Làm sao để làm chủ được suy nghĩ của mình?

Mạng xã hội – tác nhân chính gây nên sự mất tập trung

Mất tập trung và suy nghĩ quá nhiều là 1 vấn nạn của thời đại chúng ta. 30 năm về trước, cái ngày anh còn bé thì thậm chí những đứa nhỏ còn lười suy nghĩ nữa kìa. Vậy mà chỉ sau 30 năm cuộc chơi thay đổi hoàn toàn. Không chỉ là các bạn trẻ ngày hôm nay thích suy nghĩ, họ gần như không thể ngừng việc suy nghĩ lại.

Nếu như không có thứ gì đó để suy nghĩ, trăn trở để xem hay để hóng hớt thì họ sẽ khó chịu đứng ngồi không yên vì suy nghĩ quá nhiều, thậm chí hiếu động thái quá và bắt đầu mất tập trung. Thẳng thắn đi, điều gì đã xảy ra với chúng ta và bộ não của những đứa trẻ trong suốt 30 năm vừa qua vậy?

Câu trả lời chính là: Sự bùng nổ của cuộc cách mạng thông tin cùng lòng tham vô đáy của giới truyền thông và quảng cáo.

Nếu như ngày còn bé, các bạn bật tivi lên thì trên sóng truyền hình chỉ có đúng 4 kênh: HTV7, HTV9, VTV3, VTV1, thì ngày nay khi bật youtube các bạn trẻ sẽ có hàng triệu channel để chọn và theo dõi.

Tuy nhiên, mọi sự phát triển đều đi kèm với 1 cái giá. Để duy trì việc cung cấp thông tin “miễn phí” cho hàng tỷ người trên thế giới, Youtube phải kiếm tiền đến từ quảng cáo. Và để trở thành 1 trong những công ty quảng cáo lớn nhất thế giới ngày hôm nay, Youtube cần các bạn xem video càng lâu càng tốt, để có thể chèn những quảng cáo xen giữa được nhiều hơn.

Nhưng không phải ai cũng thoải mái với những quảng cáo này, chính vì vậy đó là lý do họ tìm đến đối tượng khán giả dễ bị mất tập trung.

 

Mạng xã hội dạy con người cách mất tập trung.

Các đặc điểm của những người dễ bị mất tập trung:

Nhóm đối tượng khách hàng tiềm năng của những kênh truyền thông và quảng cáo trên Youtube thường có 2 đặc điểm chung như sau:

-Có rất nhiều thời gian rảnh

-Không phân biệt được nội dung clip với nội dung quảng cáo

Và bạn đoán đúng rồi đó, nhóm khách hàng tiềm năng này chính là những “đứa trẻ”. Các kênh truyền thông chuyển từ việc quảng cáo sản phẩm cho bố mẹ sang thẳng những đứa con của họ. Chỉ có điều hậu quả để lại là vô cùng tàn nhẫn. Khi tiếp xúc nhiều với những quảng cáo thu hút rực rỡ đó trong thời gian dài, bộ não của trẻ sẽ luôn ở trong tình trạng căng thẳng cao và khó học được những kiến thức mới.

Đối tượng tiềm năng dễ bị “mất tập trung” là trẻ em.

Con người dễ mất tập trung khi suy nghĩ và làm nhiều việc cùng lúc:

Và đó là khi chúng ta còn nhỏ, còn khi lớn lên chúng ta sẽ được tiếp cận với 1 siêu công cụ của thế hệ ngày hôm nay: máy tínhsmartphone. 2 siêu công cụ này có thể làm hầu hết các tác vụ công việc thường ngày của chúng ta, thậm chí là làm cùng lúc.

Và khả năng này gọi là multi-tasking – khả năng đa nhiệm. Sau 1 thời gian dài sử dụng máy tính, con người tưởng rằng mình cũng có thể làm việc đa nhiệm, nhưng thực tế không như vậy.

Có thể bên ngoài ta nhìn giống như 1 siêu nhân với laptop, với sổ sketch được bật tung ra với 3 cửa sổ khác nhau được chuyển liên tục, tai đeo airpod và đồng hồ thông minh liên tục cập nhật tin nhắn công việc ngay khi trong miệng đang nhai nhóp nhép miếng cơm gà suốt từ trưa đến chiều.

Bạn tưởng bộ não của bạn đang làm nhiều việc cùng lúc nhưng nó đơn giản chỉ nhảy cóc từ vùng này sang vùng khác để thực hiện từng tác vụ một. Và những việc này dù tiêu tốn năng lượng cực nhiều nhưng kết quả mang lại cho công việc lại không bao nhiêu.

Các bạn xem giải thích chi tiết hơn về cách não bộ hoạt động khi chúng ta đa nhiệm tại đây:

Bộ não khi ta mất tập trung sẽ khó học kiến thức mới:

Trong quá trình làm nhiều việc cùng lúc, bộ não nhảy cóc qua từng nhiệm vụ để làm. Khi bộ não liên tục gián đoạn việc này để nhảy qua làm việc khác, bộ não sẽ vô cùng căng thẳng, khiến cho bộ não khó để tạo các liên kết nơ-ron bền vững. Mà liên kết nơ-ron chính là nền tảng để hình thành kiến thức, vậy nên các kiến thức mới cũng sẽ khó học được hơn.

Bộ não khi mất tập trung khó học những kiến thức mới.

3 giải pháp chấm dứt mất tập trung

Và các bạn phải hiểu là khủng hoảng này không đến từ những hành động nhất thời, mà đến từ việc lặp đi lặp lại những hành động sai trong thời gian dài. Vì vậy ta sẽ chấm dứt mất tập trung bằng cách điều chỉnh lại những hành động nhỏ trong thời gian dài.

Chấm dứt thói quen đa nhiệm:

Tạo cho mình môi trường để làm việc đơn nhiệm. Làm việc với sổ thiết kế thì dẹp máy tính, còn làm việc với máy tính thì dẹp điện thoại qua 1 bên. Mỗi khi làm chỉ mở đúng 1 ứng dụng để tra cứu, và tra cứu xong là tắt. Tập thói quen dẫn dắt sự tập trung của bạn.

2 màng lọc thông tin quan trọng:

Đây là 1 thói quen rất dễ để luyện tập. Hỏi mình 2 câu trước khi có 1 cái băn khoăn lo lắng làm phiền bạn:

Câu 1: Việc này có liên quan trực tiếp đến mình không? Nếu không, việc éo gì phải tốn công suy nghĩ. Nếu có, sang câu số 2

Câu 2: Mình có trực tiếp làm được gì ảnh hưởng đến nó không? Nếu không, việc éo gì phải tốn công suy nghĩ. Nếu có thì lên kế hoach và quất nó.

Lên kế hoạch cho những khoảng thời gian cách ly với công nghệ:

Lên kế hoach chơi với những người bạn đơn nhiệm như sổ viết tay, giày chạy bộ hay cầu lông, đàn ghi ta, bếp núc, cọ vẽ, cà phê, máy ảnh chuyên dụng và dồn toàn bộ sự hứng thú và tập trung cho nó. Nuôi dưỡng sự bình an và khả năng lắng nghe chính bản thân mình.

3 cách chấm dứt chứng mất tập trung.

Và 1 bước quen thuộc, thực hành cùng nhau. Nếu bạn thật sự nghiêm túc muốn thay đổi chứng mất tập trung này thì thả cho anh 1 cái bình luận bên dưới, trả lời 2 câu hỏi:

1) Bạn muốn áp dụng cách nào trong 3 cách chấm dứt mất tập trung ở trên?

2) Nếu áp dụng, bạn nghĩ bạn sẽ áp dụng vào lĩnh vực nào trong cuộc sống hiện tại của bạn?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *