Anh Trí đây, bài viết dưới đây không phải là bài giảng về lý thuyết hay lời khuyên nào hết. Đây là lời chia sẻ về chặng hành trình gần 15 năm dạy học với những cột mốc mà anh tìm lại được bản thân.
Bài viết được trích từ chương trình “The Quoc Khanh Show”, mời bạn cùng đọc nhé!
Học trò là người dạy mình
Người giúp anh nhìn ra được mình có cái gì đó sai sai lại chính là học trò của anh.
10 năm về trước khi bắt đầu việc huấn luyện, anh đã rất hồn nhiên, vô tư chia sẻ lại tất cả những gì mà anh đã trải qua. Anh nỗ lực giảng dạy để học trò cũng đạt được những kết quả tương tự: công việc tốt, kiếm được nhiều tiền, bản lĩnh chinh phục…
Sau từng khoá học, anh vẫn giữ thói quen quan sát các bạn học viên của mình thay đổi sau 1 năm, 2 năm, 3 năm. Dường như anh chợt nhận ra học trò của mình họ không hạnh phúc.
Anh cảm nhận được mình đã ép các bạn vào một khuôn mẫu giống anh: linh hoạt, nhiệt tình, nhiều năng lượng…trong khi không nhiều bạn giống như anh. Có bạn làm xong thì hào hứng, nhưng có bạn làm xong họ cảm thấy rất mệt mỏi, bối rối vì đó không phải là họ.
Anh biết mình đã sai ở đâu rồi, nên anh phải thay đổi.
Anh bắt đầu bằng việc tìm lại chính mình, tìm lại đâu là điều làm mình bình an. Bởi vì chỉ có như vậy, anh mới trao cho học trò của mình điều chân thật của chính họ được: “Anh không thể chia sẻ sự bình an cho học trò nếu anh không có điều đó.”
Học trò là người dạy anh, để anh biét mình đã làm sai
Tìm được điều chân thật của bản thân
Một khoảng thời gian rất dài, từ lúc còn học trường chuyên ở Việt Nam, đến khi anh học đại học ở Singapore, anh đã sống hoàn toàn trong môi trường hướng ngoại.
Anh đã sống trong môi trường ấy quá lâu, đến nỗi mà khi anh biết mình là người hướng nội anh đã không tin đó là sự thật.
Thế giới hướng ngoại luôn nói với anh rằng “Không nên ở một mình, không nên đi ăn một mình”.
Cho nên, vào những khoảnh khắc khi kết thúc một buổi giảng dạy nhiệt huyết, tiếng nói nhỏ trong anh mách bảo rằng “Hey, bạn cần ở một mình đó, hey bạn đang mệt đó”. Thì ngay lập tức anh xua đi, anh tự động viên bản thân “Không, mày không được mệt, mày phải nhiệt tình lên”.
Những khoảng trống đấu tranh nội tâm đó, nó thật sự làm anh rất mệt.
Cho đến khi anh ngồi lại, thật sự nghiêm túc chấp nhận và tôn trọng nhu cầu hướng nội của mình, thì tự nhiên bằng một cách nào đó, anh cảm thấy binh an.
Anh chấp nhận những khoảnh khắc một mình, những cảm giác mệt mỏi, buâng khuâng và muốn xa lánh mọi người. Anh chấp nhận những khoảng tối trong lòng dấy lên sau những giờ giảng dạy, anh chấp nhận rằng “Mặc dù mình đang làm rất tốt, nhưng có gì đó không phải là mình”.
Lắng nghe chính mình
Để có thể chấp nhận bản thân như vậy, anh đã phải làm nghi thức mỗi ngày để “Lắng nghe chính mình” một cách liên tục và có kỷ luật. Những tiếng nói bên trong vẫn luôn nhắc nhở anh mỗi ngày, nhưng giờ đây anh không bỏ qua nó mà anh thật sự trân trọng để lắng nghe nó.
Việc này không hề dễ làm, vì cuộc sống hiện đại chúng ta đang bị bao vây bởi quá nhiều tiếng ồn, nó làm con người xao nhãng bởi những thứ thật sự quan trọng với mình. Cho nên chúng ta phải tạo ra kháng sinh để bản thân có thể chống lại tiếng ồn như: viết nhật ký, yoga, thiền, chạy bộ…
Thêm nữa, để có thể hiểu được mình, bạn cần phải có một tinh thần luôn học hỏi không ngừng, đặc biệt là học hỏi về bản thân. Bản thân mỗi chúng ta đều là những kho báu không giới hạn mà ai cũng cần phải khám phá.
Anh 10 năm trước là một phiên bản thành công khác, anh của những năm sau là một phiên bản bình an, hạnh phúc và thành công trọn vẹn hơn. Cho nên anh nghĩ việc lắng nghe được mình, hiểu được mình không hề đơn giản, nhưng nó rất xứng đáng.
Cũng như anh đã tin mình, bạn cũng vậy nhé hãy tin là rồi bằng sự nỗ lực không mệt mỏi, bạn cũng sẽ tìm thấy được chính mình – một phiên bản tuyệt vời mà chỉ bạn mới có.
Hãy làm đến cùng và để cuộc sống này dạy cho bạn nhiều bài học nhé!
Bạn nghe thêm chia sẻ trong video bên dưới.