Xem công ty là gia đình, là lý tưởng sống của bạn, hay xem công ty là nơi để trao đổi lợi ích một cách sòng phẳng “làm là nhận lương”.
Anh Trí đây, hôm nay cùng anh đi phân tích chủ đề “Công ty là gia đình đúng hay sai nhé”.
Hãy xem công ty là gia đình
Sau khi chứng kiến hàng loạt những công ty được mệnh danh là tuyệt vời nhất trên thế giới như: Google, Amazon, Facebook, Disney…liên tục sa thải hàng loạt nhân viên, trong đó có những nhân sự thâm niên, những phụ nữ đang trong thời kỳ thai sản.
Thì bạn bắt đầu lo lắng, nghi ngờ về những khẩu hiệu mà sếp thường nói trước tập thể “Hãy xem công ty là gia đình, xem đồng nghiệp là anh chị em một nhà”. Bởi vì không biết vào một ngày đẹp trời, bạn có nhận được email bất thình lình đuổi việc hay không?
Theo anh, nếu lãnh đạo nào, người sếp nào hô hào khẩu hiệu “Hãy xem công ty là gia đình” thì đó là thao túng tâm lý.
Bởi vì gia đình là yếu tố gắn liền với tình cảm trong tiềm thức, cho nên khẩu hiệu này sẽ kích hoạt nhiều cảm xúc bên trong; từ đó bạn dễ bị thao túng tâm lý, hành vi; dễ bị dẫn dụ vào một cuộc chơi thiệt thòi.
Cho nên thay vì lo lắng chuyện ở đâu xa, chi bằng hãy rút ra cho mình góc nhìn sâu sắc hơn, để tỉnh táo chọn đúng lãnh đạo, chọn đúng môi trường cho riêng mình.
Công ty là gia đình có gì sai?
Giữa công ty và gia đình về mặt hình thức có nhiều nét tương đồng. Nhưng về mặt mục đích và bản chất tồn tại thì công ty và gia đình là 2 thực thể hoàn toàn khác nhau.
Mục đích tồn tại
Công ty là nơi để tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể cho thị trường. Ngược lại, gia đình là môi trường để mỗi thành viên được phát triển toàn diện.
Do vậy, những thành viên trong công ty được gắn bó với nhau bằng mục tiêu chung là lợi nhuận, thu nhập. Ngược lại, các thành viên trong gia đình gắn bó với nhau bằng quan hệ máu mủ, tình thương, sự nâng đỡ và chăm sóc.
Ngoài ra, nhân viên thì có thể sa thải, tuyển mới rất nhanh và dễ. Còn thành viên trong gia đình không dễ để sai thải một đứa con, hoặc tuyển một đứa con mới.
Bản chất tồn tại
Một công ty được đánh giá tồn tại thành công khi nó có lợi nhuận và tăng trưởng liên tục. Đây là hệ quả của việc cung cấp một sản phẩm tốt, có giá trị cho khách hàng.
Ngược lại để gia đình tồn tại thành công thì yếu tố quan trọng đó là hạnh phúc của từng thành viên trong gia đình và sự gắn kết giữa họ với nhau.
Sự hạnh phúc này ngoài việc dựa trên nền tảng của tiền bạc, thu nhập thì nó còn phải có sự kết nối, chia sẻ, quan tâm, chăm sóc dành cho nhau.
Đây là 2 điểm khác biệt rất lớn giữa công ty và gia đình. Trong video bên dưới, anh có chia sẻ thêm một vài khía cạnh khác nhau nữa, bạn bấm vào xem nhé.
3 bài học quan trọng dành cho người đi làm
Từ câu chuyện của các công ty hàng đầu thế giới, bạn hãy quay lại bản thân để tự hỏi xem mình rút ra được bài học gì. Thay vì lo sợ, mỗi người hãy chuẩn bị cho mình tâm thế đúng.
Dưới đây anh gợi ý 3 bài học quan trọng mà người đi làm nên có để không bị vụn vỡ trước khẩu hiệu “Xem công ty là gia đình”.
Xác định rất rõ mong muốn bản thân
Đầu tiên, bạn không được mơ hồ ở điểm này, bạn phải xác định rất rõ lợi ích và mong muốn của mình khi đi làm.
Lợi ích hữu hình có thể kể đến là tiền lương, thu nhập, công tác phí, chế độ bảo hiểm, tiền thưởng, cơ hội mua cổ phần doanh nghiệp đối với lãnh đạo…
Bên cạnh đó, lợi ích vô hình – nhưng rất quan trọng, đó là cơ hội được huấn luyện, phát triển năng lực, cơ hội tiếp cận công nghệ hiện đại, xây dựng mối quan hệ chất lượng trong cuộc sống.
Xác định rất rõ giá trị bản thân
Thứ hai, bạn không được chủ quan để rồi trở nên tự ti hay ảo tưởng về giá trị thật của chính mình. Bạn phải luôn tỉnh táo và liên tục đánh giá một cách khách quan về lợi ích mà bạn đang đóng góp cho tổ chức.
Tháng trước, có thể là công việc của bạn có giá trị và ý nghĩa đối với công ty, nhưng có thể tháng này nó sẽ thay đổi.
Cho nên, dù bạn có đang làm ở công ty 5 năm, 10 năm, thì bạn phải luôn tự đánh giá lợi ích mang lại cho công ty ở thời điểm hiện tại chứ không phải trong quá khứ, hay tương lai.
Giao tiếp cởi mở và thẳng thắng
Thứ ba, bất cứ khi nào bạn thấy sự mất cân bằng giữa lợi ích 2 phía, bạn cần ngồi lại trao đổi dũng cảm với cấp trên của mình thay vì để mọi thứ mơ hồ.
Bạn nên cùng với sếp làm rõ mong đợi từ hai phía, sau đó cởi mở tìm kiếm sự điều chỉnh chủ động từ mỗi bên.
Phải luôn phải sẵn sàng để đón đầu và đối diện. Nguyên tắc là hãy nói chuyện trước khi có chuyện, hãy chuyển đổi trước khi đánh đổi.
Có phải lúc này bạn sẽ cảm thấy sao đi làm công ty mà đổi chác, sòng phẳng quá, vậy còn đâu tình người nữa.
Sự thật là, để làm tốt ở công ty bạn phải làm đúng cái lý trước, thì cái tình nó mới theo sau. Cho nên thay vì cứ lo lắng, hoảng sợ trước những biến động bên ngoài, bạn hãy quay về chuẩn bị cho mình để làm đúng trước đã, rồi bạn sẽ cảm nhận được đi làm là niềm vui, đồng nghiệp là anh chị em, bạn bè.
Chặng hành trình phát triển của bạn, anh xin được đồng hành.