Xin chào các bạn! Anh là Nguyễn Hữu Trí – Mr Quéo đến từ Học viện Awaken Your Power.
Các bạn có nhận ra rằng chúng ta thường rất sáng suốt đối với vấn đề của người khác nhưng lại rất dễ loay hoay, bế tắc hoặc không nhận ra vấn đề của chính mình không?
Trong bài viết ngày hôm nay, anh sẽ chia sẻ với các bạn về lý do vì sao chúng ta lại có xu hướng như thế và các giải pháp cho vấn đề này nhé!
Bắt đầu thôi nào!
Vì sao chúng ta thường hay bế tắc trong vấn đề của chính mình?
Lý do khiến chúng ta có xu hướng sáng suốt trong vấn đề của người khác nhưng lại bế tắc trong vấn đề của chính mình đó là Khoảng cách về tâm lý và cảm xúc.
Chúng ta có thể nhìn được sự việc của người khác một cách đa chiều, khách quan và chính xác hơn là vì chúng ta có khoảng cách về tâm lý đối với kết quả của vấn đề đó.
Hay nói cách khác, chúng ta càng ít bị vướng mắc về lợi ích hay sự an toàn cá nhân đối với kết quả bao nhiêu thì chúng ta sẽ càng ít nảy sinh cảm xúc đối với sự việc bấy nhiêu.
Khi đó, góc nhìn của chúng ta sẽ không bị cảm xúc làm cho lu mờ và nhìn nhận sự việc một cách thấu đáo hơn. Từ đó, chúng ta sẽ đưa ra những lời khuyên và giải pháp khôn ngoan hơn.
Ngược lại, khi chúng ta vướng mắc cảm xúc và tâm lý với kết quả cuối cùng của sự việc thì chúng ta sẽ rất dễ có cái nhìn cảm tính và phản hồi một cách nông nổi, thiếu khôn ngoan.
Ví dụ, khi chúng ta tư vấn tình cảm cho một người bạn thì việc họ thành hay bại thực ra cũng không quá ảnh hưởng tới chúng ta. Thế nên chúng ta có thể tư vấn một cách rất là bình tĩnh và thấu đáo.
Nhưng thử tưởng tượng rằng nếu crush của đứa bạn đó cũng chính là crush của mình thì liệu các bạn có tư vấn một cách công tâm được không?
Chính những vướng mắc về mặt tâm lý và cảm xúc sẽ ức chế lý trí, sự khôn ngoan và sáng suốt của chúng ta khi phải đối diện với những vấn đề quan trọng và khẩn thiết của chính mình.
Ở các phần tiếp theo, anh sẽ chia sẻ cho mọi người một số phương pháp để vượt qua những vướng mắc tâm lý này.
Vượt qua bế tắc, tiêu cực bằng phương pháp Viết nhật ký
Phương pháp đầu tiên anh muốn chia sẻ với các bạn để giúp mọi người thoát khỏi cảm giác bế tắc, tiêu cực đó là phương pháp Viết nhật ký.
Anh đã chia sẻ rất kỹ về cách viết nhật ký để lắng nghe chính mình trong bài viết 3 phương pháp để lắng nghe chính mình! Các bạn có thể tham khảo thêm nhé. Tuy nhiên, trong bài viết này, anh muốn mách cho các bạn một mẹo rất thú vị mà anh hay dùng.
Đó là khi các bạn muốn tháo gỡ sự giận dữ hay sự thất vọng của mình bằng việc viết nhật ký thì hãy đổi từ ngôi thứ 1 sang ngôi thứ 2, thay đổi từ “mình” thành từ “mày/cậu/…” chẳng hạn.
Khi đó, các bạn sẽ nhận diện được cảm xúc của mình một cách khách quan hơn rất nhiều thay vì bị nó kiểm soát.
Ví dụ, thay vì chúng ta viết vào trong nhật ký của mình rằng “mình cảm thấy quá bất công khi người ta đánh giá thấp tác phẩm của mình” thì các bạn hãy viết là “mày đang cảm thấy quá bất công khi người ta đánh giá thấp tác phẩm của mình”.
Các bạn có nhận ra sự khác biệt giữa hai câu viết này không? Ở câu thứ nhất, các bạn xác nhận sự bất công mà cuộc đời đang cư xử với mình. Còn ở câu thứ hai, các bạn đang đóng vai trò của người quan sát, các bạn đang nhìn thấy một người đang rất bức xúc vì cảm thấy mình là nạn nhân của suy nghĩ của người khác.
Bằng sự thay đổi đơn giản này, các bạn đã tách mình ra khỏi tâm lý nạn nhân. Vậy nên anh tin rằng nhật ký là một công cụ tuyệt vời để chúng ta trò chuyện và thấu hiểu chính bản thân mình.
Thoát khỏi mông lung, bế tắc bằng kỹ thuật A&B Chair
Phương pháp thứ hai mà anh muốn chia sẻ với các bạn đó là kỹ thuật A&B Chair.
Đây là kỹ thuật mà anh đã giảng dạy và hướng dẫn cho hơn 10.000 học viên của mình trong suốt 15 năm qua để giúp họ vượt qua những cảm xúc tiêu cực, mông lung và bế tắc của mình.
Mỗi khi các bạn có một quyết định rất quan trọng cần phải cân nhắc thì các bạn hãy lấy hai chiếc ghế và đặt nó đối diện nhau, một cái là chiếc ghế A và một cái là chiếc ghế B.
Chiếc ghế A là chiếc ghế dành cho phiên bản bản năng và tự nhiên nhất của các bạn. Ngược lại, chiếc ghế B là chiếc ghế dành cho phiên bản điềm tĩnh hơn của chính mình.
Các bạn sẽ ngồi vào chiếc ghế A trước để nói ra và giải tỏa những cảm xúc, nhận diện những suy nghĩ tức thời của mình. Sau đó, các bạn hãy đổi sang chiếc ghế B để tách mình ra khỏi những cảm xúc và suy nghĩ đó, quan sát và cân nhắc lại mọi thứ.
Khi các bạn đổi qua đổi lại vài lần như vậy thì tự khắc, các bạn sẽ có được sự bình tĩnh và không bị kiểm soát bởi những cảm xúc bộc phát tức thời đó.
Và đó là 2 phương pháp đơn giản mà anh muốn chia sẻ với các bạn để giúp mọi người vượt qua được những vướng mắc về tâm lý và từ đó, chúng ta có thể đưa ra những quyết định sáng suốt và khôn ngoan hơn.
Ngoài ra, các bạn có thể xem tiếp video dưới đây để nghe anh chia sẻ thêm về một số phương pháp nâng cao hơn nhé!
Cuối cùng, các bạn cảm thấy bài viết ngày hôm nay như thế nào? Hãy bình luận xuống phía dưới để chia sẻ cho anh biết nhé!