Xin chào các bạn, xin được giới thiệu, anh tên là Nguyễn Hữu Trí hay thường gọi là Mr.Quéo Ồ ruây, ông thầy đẹp trai và chuyên cà khịa đến từ học việc Awaken Your Power.
Bài viết ngày hôm nay xin đề cập đến “khủng hoảng” – 1 từ khóa khá phổ biến trong cuộc cách mạng bùng nổ thông tin hiện tại và 4 bước đã giúp anh vượt qua từng loại khủng hoảng ở mỗi thời điểm khác nhau trong cuộc sống.
Và trong bài viết này anh sẽ chia sẻ về “chiến lược 4A” để giúp bạn điềm tĩnh đối diện với khủng hoảng, bao gồm:
1) Attitude: Thái độ
2) Accept: Chấp nhận
3) Assess: Đánh giá
4) Action: Hành động
Bước 1: Chọn thái độ phù hợp khi gặp khủng hoảng
Thái độ là điều đầu tiên các bạn cần phải nhận thức được khi đối diện với 1 khủng hoảng.
Tại sao và khi nào mình muốn tìm hiểu những kiến thức và kỹ năng để đương đầu với 1 khủng hoảng nào đó? Chỉ có 2 mục đích quan trọng nhất, đó là: Để ĐƯƠNG ĐẦU hoặc để CHUẨN BỊ.
Không có cái kiểu là học cho biết, mà học là để xài cho mình.
ĐƯƠNG ĐẦU: Nếu mình thật sự đang có những khó khăn và áp lực thì học hỏi, tìm hiểu để áp dụng, điều chỉnh và nỗ lực khắc phục những khó khăn và thử thách của mình.
CHUẨN BỊ: Người khôn ngoan sẽ có kế hoạch chuẩn bị trước khi xảy ra khủng hoảng. Họ bắt tay vào rèn luyện trước, đụng chuyện là có kỹ năng xử lý liền. Khi đó họ thậm chí sẽ không rơi vào khủng hoảng. 1 ĐỒNG CHUẨN BỊ bằng 10 ĐỒNG CHI PHÍ.
Ngược lại với tinh thần chủ động chuẩn bị, sẽ có 1 kiểu người tìm kiếm kiến thức để lý giải, đổ lỗi cho hành vi và kết quả của mình.
Hành vi này không những không giúp bạn vượt qua khủng hoảng mà còn khiến bạn lún sâu vào vũng lầy ảo não, cách để chuyển tư duy đổ lỗi này các bạn có thể xem đầy đủ tại clip dưới đây:
Bước 2: Chấp nhận cuộc chơi khủng hoảng hiện tại
Cuộc đời là 1 cuộc chơi, và nếu không học cách chấp nhận cuộc chơi thì làm sao thắng.
Để chấp nhận có 1 khủng hoảng đang diễn ra trong cuộc đời của mình thì đầu tiên phải hiểu bản chất của nó là gì.
Khủng hoảng là 1 cơ chế tự nhiên để sàng lọc.
Ví dụ:
– Khủng hoảng kinh tế là 1 bài kiểm tra để xem thử doanh nghiệp nào tốt và bền vững hơn.
– Khủng hoảng việc làm là 1 bài kiểm tra để chọn ra được những cá nhân ưu tú, mô hình làm việc nào hiệu quả hơn.
– Khủng hoảng tuổi teen, 25, 30, 40, 60 đều là những bài kiểm tra để xác nhận xem cá nhân nào có sự bản lĩnh và trưởng thành hơn.
Khủng hoảng là 1 cơ chế tự nhiên để sàng lọc.
Khủng hoảng giống như 1 bài thi chuyển cấp quan trọng. Thi đậu thì bạn được bước vô 1 cuộc chơi khác, với áp lực và thử thách cao hơn nhưng đi kèm là những cơ hội và đãi ngộ tốt hơn.
Ngược lại, nếu thi rớt thì các bạn quay về chơi những cuộc chơi vừa sức hơn, đồng nghĩa với những phần thưởng ít hơn. Đó gọi là công bằng.
Bước 3: Đánh giá đúng mức độ khủng hoảng bạn đang có
1 cách đánh giá đơn giản anh có thể đề xuất trong bài viết này cho bạn là học cách lắng nghe bản thân.
Có 4 cấp độ khủng hoảng bạn cần phải lắng nghe để học cách đánh giá cho đúng:
– Cấp độ 1 – Ảnh hưởng cảm xúc: Khi khủng hoảng khiến bạn cảm thấy lo lắng, băn khoăn, bối rối.
– Cấp độ 2 – Ảnh hưởng hành vi: Khủng hoảng mức độ này khiến các bạn trì hoãn, thoái thác, làm việc không hiệu quả.
– Cấp độ 3 – Ảnh hưởng kết quả: Các bạn bị tổn thất về mặt kết quả cụ thể như tiền bạc, sức khỏe, cơ hội hoặc là các mối quan hệ.
– Cấp độ 4 – Ảnh hưởng tinh thần: Khủng hoảng mức độ nặng nhất thui chột ý chí, sự tự tôn. Và khi bạn đánh mất những mục tiêu và niềm tin ở bản thân, các bạn sẽ chấp nhận 1 phiên bản nhỏ bé hơn của chính mình.
4 cấp độ đánh giá 1 khủng hoảng.
Lắng nghe bản thân để biết mình đang ở cấp độ nào. Khi bạn nhìn nhận và đánh giá đúng khủng hoảng, bạn sẽ không rơi vào hoảng loạn và nhìn ra cách điều chỉnh phù hợp.
Bước 4: Hành động để giải quyết khủng hoảng
Điềm tĩnh và đánh giá đúng khủng hoảng xong thì nên bắt tay vào hành động.
Nếu khủng hoảng ở mức độ 1,2 thì tự lên kế hoạch hành động cho bản thân và làm liền.
Mẹo ở đây là lên những action nhỏ đủ sức làm liền để lấy đà.
– Ngay trong khủng hoảng thì có khi việc dậy sớm chạy bộ 10 phút thôi đã là 1 điều rất tuyệt vời.
– 1 việc đơn giản như dọn dẹp lại bàn làm việc, quét hoặc lau dọn phòng ngủ có khi đơn giản nhưng cực kỳ hữu hiệu.
Và tin anh đi, những việc nhỏ này sẽ dẫn đến những việc lớn khác. Bởi vì việc nhỏ làm được, việc lớn sẽ được làm.
Ngược lại, nếu khủng hoảng của bạn đang ở mức 3,4 thì có khi chữ A bạn cần là Advice: Lời khuyên. Chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ từ những đàn anh, đàn chị, tham gia 1 khóa học nhỏ để thay đổi cách suy nghĩ, làm việc hoặc xin cuộc hẹn với sếp để trình bày những khó khăn hiện tại của mình.
Attitude, Accept, Assess, Action là 4A giúp bạn giải quyết khủng hoảng.
Chốt lại: Nếu đã nhìn ra giải pháp, đứng dậy làm liền. Chưa nhìn ra giải pháp, đứng dậy đi tìm giải pháp.
Chiến lược 4A này đã giúp anh và rất nhiều chủ doanh nghiệp khác đi qua không biết bao nhiêu khủng hoảng trong cuộc đời, vì vậy thử xài liền và quay lại để cái cảm nhận ở phía dưới nha mấy bạn!
Dành riêng cho bạn nào đang gặp khủng hoảng về cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống có thể đọc thêm bài viết Work-life balance này.