Khủng hoảng 1/4 cuộc đời là một nỗi ám ảnh của nhiều bạn trẻ từ 20-30 tuổi.
Nó gắn liền với 3 cảm xúc Tự Ti-Lạc Lối-Thất Vọng trong 3 khía cạnh Sự Nghiệp-Tài Chính-Tình Cảm Đôi Lứa.
Và anh là Nguyễn Hữu Trí – Mr Quéo đến từ học viện Awaken Your Power. Ngày hôm nay, anh sẽ chia sẻ 5 gợi ý đơn giản nhất giúp các bạn vượt qua Khủng hoảng 1/4 cuộc đời.
Trước hết, các bạn có đang rơi vào cuộc khủng hoảng này không? Hãy xem video dưới đây để anh chỉ cho các bạn dấu hiệu nhận biết nhé!
Ở phần tiếp theo của bài viết, anh sẽ chia sẻ 5 gợi ý giúp các bạn vượt qua những ngày tháng khủng hoảng này.
Sẵn sàng chưa nào? Let’s go!
Vượt qua Khủng hoảng 1/4 cuộc đời – Hạn chế dùng mạng xã hội
Lời khuyên thứ nhất: Khi rơi vào Khủng hoảng 1/4 cuộc đời, hãy hạn chế tối đa việc sử dụng mạng xã hội.
Bởi vì, thủ phạm lớn nhất tạo nên tất cả những khủng hoảng này đó chính là SỰ SO SÁNH.
Ngày trước, chúng ta chỉ so sánh mình với bạn bè hoặc anh chị em họ hàng trong những dịp cà phê, họp lớp hay trong những dịp Tết, đám giỗ, đám cưới họ hàng…
Ngày nay, nhờ có sự ra đời của mạng xã hội, chúng ta có thể so sánh mình với bất kì ai. Đó có thể là bạn của bạn mình ở nước ngoài, những thiên tài khởi nghiệp, những ngôi sao TikTok hay bất kì ai mà chúng ta thấy trên mạng xã hội.
Liệu có công bằng nếu chúng ta so sánh hậu trường của mình với trailer đã được chỉnh sửa của người khác? Người ta chỉ đăng những tấm hình đẹp nhất sau khi đã chỉnh sửa, những trải nghiệm vô cùng sang chảnh của họ lên mạng xã hội. Đâu có ai đăng giấy nợ, deadline, những tật xấu của mình hay trận cãi vã với người yêu lên cho cộng đồng mạng biết, đúng không nào?
Thật ngốc khi chúng ta cứ suốt ngày so sánh mình với người khác. Điều này khiến bản thân mình trở nên tự ti, áp lực và rơi vào khủng hoảng tuổi đôi mươi.
Vì vậy, trong khoảng thời gian bạn đang gặp khủng hoảng, hãy hạn chế sử dụng mạng xã hội trong 3-6 tháng. Cách ly mạng xã hội một thời gian sẽ giúp bạn loại bỏ những mối quan tâm không cần thiết, từ đó điềm tĩnh và tập trung hơn vào bản thân mình.
Vượt qua Khủng hoảng 1/4 cuộc đời – Chủ động tìm mentor
Lời khuyên thứ hai: Khi rơi vào Khủng hoảng 1/4 cuộc đời, hãy chủ động tìm cho mình một người mentor trong công việc hoặc cuộc sống.
Mentor không phải là một nhân vật nào đó quá cao siêu như một bậc thầy vĩ đại toả sáng trên bục giảng hay một doanh nhân thành đạt nổi tiếng khắp thế giới.
Mentor giống như một ông anh, bà chị đi trước – là người đã có những trải nghiệm thực tế, những vết sẹo đã liền da. Họ sẵn sàng lắng nghe, đưa ra góc nhìn rõ ràng và sâu sắc về những mệt mỏi, đau đớn và uất ức của các bạn.
Sau đó, họ sẽ vỗ vai và động viên các bạn: “Anh/chị hiểu mà. Mệt mỏi lắm, chán nản lắm đúng không? Nhưng không sao đâu, mọi chuyện rồi cũng sẽ qua thôi. Cố lên nhé…”
Những đàn anh, đàn chị chân tình đó chính là những món quà, những vũ khí mạnh mẽ hơn bất cứ cuốn sách hay bài giảng nào.
Vì vậy, hãy chủ động tìm kiếm cho mình một người mentor giống vậy. Điều này không khó lắm đâu nhưng quan trọng là các bạn phải dám tìm, dám hỏi và dám mở lòng.
Vượt qua Khủng hoảng 1/4 cuộc đời – Tìm sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè
Lời khuyên thứ ba: Khi rơi vào Khủng hoảng 1/4 cuộc đời, hãy tìm sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè.
Nếu bạn cảm thấy cuộc sống này quá phũ phàng thì một cuộc gọi về cho ba mẹ sẽ giúp bạn ấm lòng hơn rất nhiều đấy. Đôi khi một câu quan tâm của mẹ có thể khiến bao nhiêu áp lực của bạn tan biến hết: “Thôi, cứ bỏ hết công việc lo toan ngoài kia đi. Về nhà mấy hôm, mẹ nấu canh măng chua cá lóc cho mà ăn. Ăn no, tinh thần vui vẻ rồi mình chiến đấu tiếp. Còn đi làm cả đời mà, lo gì…”
Hoặc bạn cũng có thể chạy qua phòng đứa bạn thân nhất của mình, kể cho nó nghe tất cả những uất ức bạn đang gặp phải và khóc lóc tỉ tê một trận với nó cho đến khi nào chán thì thôi. Sau khi tâm trạng đã khá hơn thì trở về nhà, tắm rửa và tiếp tục đi làm như bình thường…
Bạn bè và gia đình có thể không có tất cả câu trả lời bạn cần nhưng họ có tình yêu thương vô điều kiện dành cho các bạn. Và thật ra, tình thương của họ có thể còn quan trọng hơn những câu trả lời kia.
Hãy nhớ rằng dù cho cả thế giới có quay lưng với bạn thì gia đình, bạn bè vẫn sẽ luôn ở bên và ủng hộ bạn vô điều kiện. Vì vậy, hãy tìm đến họ để nhận được sự hỗ trợ khi bạn gặp khó khăn nhé!
Vượt qua Khủng hoảng 1/4 cuộc đời – Ngừng so sánh người yêu và sếp
Lời khuyên thứ tư (dành riêng cho chị em phụ nữ): Hãy ngừng so sánh anh người yêu của mình với ông sếp ở trong công ty.
Bạn không nên tạo áp lực và liên tục so sánh chàng người yêu trẻ tuổi, đang chập chững bắt đầu sự nghiệp của mình với một anh sếp trung niên, chững chạc và đã có gia đình.
Thay vào đó, bạn có thể rủ người yêu sang nhà sếp chơi, biết đâu sếp lại trở thành mentor cho anh ấy thì sao. Đây là một cách vô cùng tinh tế để gửi đến chàng trai của mình thông điệp rằng bạn đang muốn có một mối quan hệ nghiêm túc, đồng thời tìm kiếm cho anh ấy một sự hỗ trợ nào đó để nhanh chóng trưởng thành hơn.
Bên cạnh đó, hãy cố gắng kết thân với vợ của sếp hoặc một đàn chị nào đó vô cùng bản lĩnh trong hôn nhân và sự nghiệp. Khi đó, bạn có thể tâm sự tỉ tê với họ và hỏi họ rằng: “Chị ơi, hồi đó chị vượt qua khủng hoảng 1/4 cuộc đời như thế nào vậy chị? Chị đã làm gì để giữ cho tình yêu được bền lâu vậy chị?…”
Tóm lại, thay vì suốt ngày so sánh người yêu của mình với sếp thì hãy chủ động tìm cách để hỗ trợ anh ấy phát triển. Đồng thời, các bạn cũng hãy tự trau dồi bản thân mình để xứng đáng với mối quan hệ nghiêm túc của cả hai nhé!
Vượt qua Khủng hoảng 1/4 cuộc đời – Bắt đầu từ những nỗ lực nhỏ
Lời khuyên thứ năm: Khi rơi vào Khủng hoảng 1/4 cuộc đời, thay vì tập trung vào những mục tiêu lớn, những kế hoạch xịn sò để mình bứt phá, thì hãy chậm lại nuôi dưỡng cho mình sự nỗ lực từ những điều nhỏ nhất.
Tin anh đi, những điều chia sẻ ở trên của anh sẽ không hiệu quả nếu bạn không thật sự làm tốt việc này. Hãy nỗ lực từ những điều nhỏ nhất – nhưng có ý nghĩa thật sự với bạn.
Đó là nuôi dưỡng những sở thích nhỏ bé, đơn giản nhưng lại xuất phát từ sự tò mò, hứng thú thuần khiết từ sâu thẳm trong trái tim của bạn. Khủng hoảng xảy ra bởi vì tận sâu bên trong những hạt mầm của sự hứng thú không được nuôi dưỡng, cho nên khi các yếu tố bên ngoài tác động như: sự so sánh, mạng xã hội, các tiêu chuẩn…sẽ làm bạn dễ bị chông chênh.
Cho nên, lúc này bạn cần quay về lắng nghe chính mình một cách điềm tĩnh để nhìn rõ được đâu là hạt giống cần nuôi dưỡng, đâu là những cỏ dại để loại bỏ. Nếu bạn cần người tư vấn có chuyên môn để lắng nghe, để phản chiếu lại bản thân, để tìm ra sự tò mò chân thật cần được đánh thức, bạn có thể tham khảo buổi “Tư vấn cá nhân” tại học viện AYP nhé.
Tóm lại, hãy bắt đầu từ những nỗ lực nhỏ và tin vào trực giác của chính mình để tìm lại phiên bản chân thật nhất của bản thân nhé!
Và đó chính là 5 gợi ý đơn giản nhất sẽ giúp các bạn điềm tĩnh và vượt qua thử thách mang tên Khủng hoảng 1/4 cuộc đời. Các bạn cảm thấy bài học ngày hôm nay như thế nào? Đừng quên comment xuống dưới để chia sẻ cho Ông Quéo biết nhé!
Em cũng đang rơi vào cuộc khủng hoảng này, cảm ơn bài chia sẻ của anh rất nhiều ạ.