Xin chào các bạn anh là Mr Quéo – Nguyễn Hữu Trí đến từ học viện Awaken Your Power.
Hôm nay chúng ta sẽ quay lại với một chủ đề rất thú vị đó là cách mình thể hiện tình cảm, quan điểm, cá tính của bản thân trên mạng xã hội để tránh mang vạ vào thân.
Bài viết này sẽ không đúc kết những kinh nghiệm hay mẹo làm việc như những bài viết kỹ năng thường thấy trên website nguyenhuutri.vn mà chỉ đơn giản là một đoạn chia sẻ về góc nhìn của anh qua 2 câu chuyện để nói về ý nghĩa thực sự của việc giảng dạy.
Câu chuyện thứ nhất: Thủ khoa Sư phạm với bài văn khó ngấm!
Thủ khoa khối D14 kỳ thi THPT Quốc gia 2020 với 9,75đ môn Ngữ Văn – Võ Lập Phúc gần đây đã gây tranh cãi khi đăng tải bài phân tích “Sóng” của Xuân Quỳnh theo lối đậm mùi triết học.
Dài 10 trang, ngôn từ uyên bác đến nỗi khiến người xem lạc lối, choáng váng là những gì anh cảm nhận được khi mới chỉ đọc vài câu đầu của bài phân tích này:
“Nền tảng là một khái niệm đồng thời mang tính vật chất lẫn phi vật chất. Nó tồn tại hiển nhiên trong mọi dạng thức có mặt trong cuộc sống, lắp đặt nên các công trình và nằm ẩn yên bên trong miền hồn thăm thẳm của mỗi cá nhân… Xem thêm”
Sau khi được đăng tải, một bộ phận netizen trầm trồ ngưỡng mộ Võ Lập Phúc vì kiến thức sâu rộng, ngôn từ bác học. Bên cạnh đó cũng không ít ý kiến cho rằng bài viết thiếu cảm xúc, khó hiểu, phô trương ngôn từ và gây ngộp cho người đọc.
Không gian mạng là nơi rất tuyệt vời để thể hiện cá tính của mình nên anh hoàn toàn tôn trọng lối văn phong, quan điểm của Phúc.
Tuy nhiên điều làm anh băn khoăn nhiều hơn việc thích hay không thích đó là bạn đang là sinh viên đại học Sư phạm, mà còn là Thủ khoa môn Văn đầy cá tính thì sẽ ra sao khi bạn này trở thành giáo viên và đem lối diễn đạt này để dạy cho các thế hệ trẻ sau này?
Có khi nó chính là ác mộng của học trò vì càng nghe, càng học, càng không hiểu, càng thấy mình yếu kém và dần tin rằng mình không có khả năng học được môn Văn.
Cá nhân anh nhận định, năng lực quan trọng nhất của một người thầy đó là giảng giải những điều phức tạp một cách đơn giản chứ không phải nói những chuyện đơn giản thành phức tạp.
Vậy nên anh rất quan ngại nếu các bạn trẻ sau này phải đối mặt với người thầy quá sức bác học và hàn lâm.
Câu chuyện thứ hai: Cô giáo hotgirl Minh Thu
Cũng là sinh viên đại học Sư phạm nhưng cô giáo Minh Thu lại tạo nên sức hút bất ngờ bởi phương pháp giảng dạy dễ hiểu và vẻ ngoài xinh xắn.
Dạy online môn Vật Lý với 1,8 triệu lượt xem livestream là thành tích vượt trội mà có lẽ chưa có thầy cô giáo cùng bộ môn nào ở Việt Nam đạt được.
Thậm chí cô giáo này còn chưa chính thức tốt nghiệp.
Nhưng sau đó cô ấy lại bị phản ánh vì hành động viết tên học sinh lên bảng (được cho là cố ý câu view) và dạy online tương tác như cách của một Youtuber!
Cá nhân anh thấy chuyện này chẳng có gì sai, nhưng phải chăng mọi người đã quá quen với hình ảnh thầy cô giáo lên lớp → giảng bài → giao bài tập → cắp cặp đi về?
Vậy nên khi cô trò chuyện, tương tác gần gũi với học trò liền gặp phản ứng trái chiều!
Chia sẻ với báo Lao động, Minh Thu cho biết bản thân học chuyên Lý từ những năm học phổ thông nhưng với cá tính mạnh nên bị xem như học sinh cá biệt trong trường. Vậy nên cô đã trải qua quãng thời gian rất cô đơn vì không ai lắng nghe mình cả.
Đây cũng là lý do thôi thúc Minh Thu quyết tâm học Sư phạm để trở thành giáo viên nhằm thay đổi góc nhìn giảng dạy.
Khi nghe tâm sự này cá nhân anh cảm thấy rất vui vì nhận ra thế hệ thầy cô giáo sau này có những người rất cá tính, gần gũi, hiểu được tâm lý, mong muốn của học sinh để rồi nỗ lực tiến đến gần các em hơn.
Đặc biệt khi thầy cô giáo có thể nói cùng ngôn ngữ với học trò mình là lúc họ có thể dẫn dắt, đồng hành cùng với các em trên con đường trau dồi kiến thức và kỹ năng sống.
Nếu được học với thầy cô giáo như vậy, các bạn sẽ thực sự thấy được mỗi ngày đến trường là một niềm vui!
Đó cũng là ước ao của anh đối với các thế hệ học sinh sau này. Hãy cùng đồng hành, nỗ lực để cùng nhau tạo ra tương lai đó các bạn nhé.
Còn lại các bạn có ý kiến hay chia sẻ nào từ 2 câu chuyện trên, viết ra ở phần bình luận bên dưới hoặc xem lại video này để ngẫm lại một lần nữa ý nghĩa thực sự của việc giảng dạy: