Flavors Vietnam 2023
05/07/2023

Overthinking và 4 điều bạn nên biết!

Xin chào các bạn! Anh là Nguyễn Hữu Trí – Mr Quéo đến từ Học viện Awaken Your Power. Trong...
Đã sao chép
Đã lưu
Overthinking và 4 điều bạn nên biết!

Xin chào các bạn! Anh là Nguyễn Hữu Trí – Mr Quéo đến từ Học viện Awaken Your Power.

Trong bài viết này, anh muốn chia sẻ với các bạn về chủ đề Overthinking.

Liệu các bạn có phải là một người overthinking? Và làm sao để vượt qua vấn đề này?

Hãy cùng anh bàn luận về điều đó trong bài viết này nhé! Let’s go!

Overthinking và 4 điều bạn nên biết!
Overthinking và 4 điều bạn nên biết!

7 biểu hiện của người overthinking

Dấu hiệu rõ ràng nhất của một người bị overthinking đó là họ có xu hướng suy nghĩ rất nhiều, nhiều quá mức cần thiết và nhiều đến nỗi nó ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả công việc, cảm xúc, sức khỏe và tinh thần của họ.

Và dưới đây là 7 biểu hiện phổ biến của những người bị overthinking:

– Thứ nhất, họ bị tác động chỉ với một lời nói hoặc hành động của người khác. Đôi khi chỉ vì một lời nói, ánh mắt hoặc hành động của người khác cũng khiến họ thao thức cả đêm, không ngủ được.

– Thứ hai, họ thức trắng đêm trước một sự kiện quan trọng. Và nếu ngày hôm sau, mọi chuyện không như mong đợi thì họ sẽ dành cả ngày còn lại để tự dằn vặt vì sao tối hôm qua không chịu đi ngủ.

– Thứ ba, họ đọc nhiều, có ý tưởng nhiều nhưng không có hướng thay đổi. Do đó, công việc và cuộc sống của họ vẫn luẩn quẩn, loay hoay và chẳng có gì thay đổi.

– Thứ tư, họ ngủ nhiều nhưng chất lượng ngủ thấp. Họ lúc nào cũng chập chờn, thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và thiếu ngủ.

– Thứ năm, họ thường xuyên suy diễn. Từ một sự việc hoặc một hành động nhỏ nào đó, họ có thể suy diễn thành cả một cuốn tiểu thuyết mang tiêu đề “Tại sao họ lại làm như vậy?”

– Thứ sáu, họ tập viết nhật ký, tập thiền,… nhưng rồi cũng không hiệu quả.

– Thứ bảy, họ bắt đầu có thói quen sử dụng rượu bia hoặc thuốc ngủ cho dễ ngủ.

Và đó là 7 biểu hiện của người overthinking. Liệu bạn có rơi vào trường hợp nào trong 7 dấu hiệu trên không?

Bạn có bị overthinking không?
Bạn có bị overthinking không?

Anh nghĩ rằng ngày nay, rất nhiều người trong chúng ta bị overthinking. Và anh cũng thế!

Vậy nguyên nhân là do đâu? Hãy cùng anh tìm hiểu tiếp nhé!

Lí do mà ngày nay ai cũng overthinking

Thực ra, overthinking không phải là một triệu chứng gì xa lạ với chúng ta.

Trong cuộc sống thường ngày, ai trong chúng ta cũng đều có xu hướng suy nghĩ miên man chỗ này một chút, chỗ kia một chút.

Chỉ có những thiền sư khổ luyện lâu ngày thì mới có khả năng dẫn dắt và kiểm soát tuyệt đối những dòng suy nghĩ của mình.

Về mặt cơ bản, việc suy nghĩ nhiều một chút cũng là việc bình thường.

Chỉ là trong thời đại hiện nay, các triệu chứng này trở nên ngày càng phổ biến hơn, ở những lứa tuổi sớm hơn và ngày càng trầm trọng hơn.

Khoảng 100 năm trước, chúng ta bước vào lối sống công nghiệp với nhịp độ sống nhanh, tất bật và áp lực hơn rất nhiều. Điều này khiến đầu óc của chúng ta bị stress, căng thẳng thái quá và đầu óc bắt đầu vận động nhanh, nhiều và khó kiểm soát hơn.

Nhưng đó mới chỉ là sự mở đầu.

Triệu chứng overthinking thực sự bùng nổ khi chúng ta bước vào thời đại của cách mạng thông tin, khi những nội dung “mì ăn liền”, những video giải trí ngắn được ra đời và trở thành xu hướng.

Những nội dung này thường chứa những giai điệu bắt tai, hình ảnh kích thích thị giác và ngôn từ cuốn hút để tạo ra một sự kích thích toàn diện lên tất cả các thùy não của chúng ta trong thời gian ngắn.

Và cứ sau mỗi 1-2 phút thì tất cả những kích thích này lại được thay thế hoàn toàn bởi một hệ kích thích khác và kích hoạt hàng trăm những kết nối nơron mới.

Vậy nên mặc dù biểu hiện bên ngoài của các bạn chỉ là ngồi bất động, nhìn chằm chằm vào màn hình và lướt ngón tay nhưng ở bên trong, bộ não của các bạn đang vận hành với tất cả công suất của nó.

Về lâu dài, bộ não của các bạn dần được huấn luyện và trở nên siêu nhạy cảm.

Lúc đó, chỉ cần một kích thích nhỏ nhất như một cái nhếch môi hay một cái thở dài cũng có thể kích hoạt một dòng thác lũ của những suy nghĩ ào ạt, bất tận.

Đó là lý do mà ngày nay, càng ngày chúng ta càng khó kiểm soát và dừng lại những suy nghĩ của mình.

Lí do mà ngày nay ai cũng overthinking
Lí do mà ngày nay ai cũng overthinking

Overthinking gây ra những tổn thương

Vậy thì overthinking sẽ gây hại gì cho chúng ta?

Cái giá phải trả đối với một cỗ máy chạy hết công suất và mất kiểm soát trong một thời gian dài đó là những tổn thương.

Trước hết, chúng ta phải khẳng định một điều rằng thinking – khả năng suy nghĩ và tư duy vẫn là một năng lực vô cùng quan trọng của loài người.

Thế nhưng, overthinking lại oái oăm ở chỗ là nó hướng khả năng suy nghĩ của chúng ta vào những việc mà chúng ta thường không thể kiểm soát hay ảnh hưởng được.

Phổ biến nhất là chúng ta thường overthinking trong 3 trường hợp sau:

Thứ nhất, chúng ta hối tiếc về những việc đã xảy ra.

Thứ hai, chúng ta lo sợ về những điều chưa xảy ra.

Và thứ ba, chúng ta trăn trở về những suy nghĩ và hành vi của người khác.

Vậy nên về lâu dài, overthinking sẽ để lại những tổn thương về mặt sức khỏe tâm lý, ví dụ như những triệu chứng mất tập trung, nhạy cảm thái quá, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực,…

Thậm chí, overthinking còn khiến chúng ta có thể bị trầm cảm, suy nhược thần kinh và tâm thần phân liệt. Những bệnh lý này nghe hơi đáng sợ một chút nhưng nó chính là hệ quả khi được tích lũy qua rất nhiều năm tháng.

Các bạn có từng trải qua những triệu chứng nào như thế này chưa? Hãy chia sẻ cho anh và các bạn khác biết bằng cách comment xuống phía dưới để chúng ta có những góc nhìn toàn cảnh hơn về mức độ nghiêm trọng của overthinking nhé!

Overthinking gây ra những tổn thương
Overthinking gây ra những tổn thương

Tiến trình chữa lành của người overthinking

Để bắt đầu tiến trình chữa lành cho người bị overthinking thì chúng ta cần phải ý thức và quan sát dòng chảy suy nghĩ, cảm xúc của mình.

Đây là bước đầu tiên và quan trọng nhất để nuôi dưỡng lại sự tỉnh thức cho chúng ta.

Lưu ý rằng trong quá trình chúng ta tiến hành quan sát và nhận biết dòng chảy suy nghĩ, cảm xúc này thì các bạn không nên cố gắng ngăn dòng suy nghĩ của mình lại.

Ví dụ như “Mệt mỏi quá! Phải chi mình bớt suy nghĩ được một chút!” hoặc “Trời ơi! Chui vào mền rồi mà sao còn suy nghĩ mãi, giờ vẫn chưa ngủ thì mai đi làm kiểu gì!

Việc mong muốn dừng những suy nghĩ của mình lại là một điều rất khó và gian khổ, đặc biệt khi các bạn bị overthinking.

Thêm vào đó, cái mong muốn dừng suy nghĩ của mình lại thật ra cũng là một dòng suy nghĩ. Làm sao chúng ta có thể ngăn việc suy nghĩ quá nhiều bằng cách tạo ra thêm những dòng suy nghĩ mới, đúng không nào?

Và các bạn có nhận ra rằng khi các bạn ý thức và quan sát được các dòng nước đang chảy thì điều đó có nghĩa là các bạn đã “bước lên bờ” và không còn bị dòng nước đó cuốn đi. Điều này thật tuyệt vời, phải không nào?

Dĩ nhiên, khả năng ý thức và quan sát được dòng chảy suy nghĩ của mình không phải là một khả năng dễ dàng có được. Điều này đòi hỏi một sự luyện tập thường xuyên và lâu dài.

Tóm lại, để có thể chữa lành bộ não của chính mình và vượt qua tình trạng overthinking thì chúng ta cần phải trang bị những kỹ năng để “bước lên bờ” – năng lực ý thức và quan sát được những dòng suy nghĩ, cảm xúc của mình.

Và ở bài viết tiếp theo Vượt qua Overthinking – 2 cách giúp bạn bớt suy nghĩ nhiều!, anh sẽ chia sẻ cho các bạn 2 kỹ năng đơn giản để “bước lên bờ”. Các bạn hãy đón xem nhé!

Cuối cùng, các bạn có thể nghe anh chia sẻ nhiều hơn về chủ đề Overthinking trong video dưới đây nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *