Flavors Vietnam 2023
02/07/2023

7 bước Gap Year cực chuẩn: dành riêng cho học sinh cấp 3

Anh Trí đây, khi không biết nên chọn ngành nào vào đại học, lời khuyên của anh là nên Gap...
Đã sao chép
Đã lưu
Gap year

Anh Trí đây, khi không biết nên chọn ngành nào vào đại học, lời khuyên của anh là nên Gap Year.

Đây là khoảng thời gian để bạn có cho mình trải nghiệm đáng giá thay vì chọn đại rồi mai mốt ra trường làm việc gì thì tính sau.

Để biết được lí do vì sao anh đưa ra lời khuyên như vậy, mời các bạn cùng xem bài viết bên dưới. Bài chia sẻ này đặc biệt phù hợp với các em học sinh cấp 3, vừa mới thi tốt nghiệp xong.

Đi cùng anh nhé!

Hãy tận dụng 1 năm Gap Year để tích góp cho mình những trải nghiệm đáng giá
Hãy tận dụng 1 năm Gap Year để tích góp cho mình những trải nghiệm đáng giá

Gap Year là khoảng thời gian trải nghiệm đáng giá

Có câu nói “Đại học là học đại”, cứ chọn đại ngành học rồi mai mốt ra trường đi làm thì tính sau. Đây là lối tư duy Học – Làm, là lối tư duy bị động cho định hướng của bản thân.

Lối tư duy mới là Làm – Học, đây là lối tư duy chủ động. Có nghĩa là bạn nên làm trước, để rồi sau đó bạn biết mình muốn học cái gì, mình cần học cái gì, như vậy bạn mới biết mình nên chọn học ngành nào.

Lối tư duy này có thuật ngữ là Phenomenal Learning hoặc Project Based Learning dựa trên nền giáo dục tiên tiến của Phần Lan, bạn có thể tìm hiểu thêm.

Quay trở lại, làm ở đây không có nghĩa là đi kiếm tiền rồi đi học, mà là cho bạn TINH THẦN TRẢI NGHIỆM, là trải qua và nghiệm lại.

Bạn hãy ném mình vào những dự án, những trải nghiệm thực tế – một cách nghiêm túc. Từ việc trải qua này, bạn nghiệm lại thử xem đâu là hứng thú cá nhân rất thật của riêng mình. Để rồi sau đó bạn tự mình đưa ra quyết định nghề nghiệp muốn làm.

Và khoảng thời gian trải nghiệm này được gọi là Gap Year, thời hạn cho nó là đúng 1 năm.

Để chọn ngành đúng nên theo lối tư duy mới: Làm-Học
Để chọn ngành đúng nên theo lối tư duy mới: Làm-Học

Hiểu lầm không nên có khi chọn Gap Year

Trào lưu Gap Year khá phổ biến trên thế giới, dành cho những bạn từ 18 tuổi. Sau khi tốt nghiệp hoặc đã trúng tuyển vào một trường Đại Học, họ muốn dừng lại 1 năm để định hướng rõ ràng hơn.

Sau 1 năm Gap Year, các bạn ấy sẽ tự đưa ra quyết định học tiếp Đại Học, hay là rẽ sang một hướng đi mới.

Tuy nhiên, khi du nhập trào lưu này về Việt Nam, các bạn trẻ dễ bị hiểu lầm Gap Year là “Xách ba lô lên và đi trải nghiệm”, trong khi chưa có một kế hoạch cụ thể nào hết.

Chính điều này làm các bạn lãng phí 1 năm trời trải nghiệm không đúng, tư duy bị chậm lại, nhập học trễ hơn so với bạn bè đồng trang lứa.

Đôi lúc, chỉ vì hiểu sai mà có thể dẫn đến những hệ luỵ đáng tiếc nhiều hơn nữa. Cho nên trong video này, anh có chia sẻ 3 đối tượng không nên Gap Year, rất quan trọng các bạn nên bấm vào xem.

7 bước để Gap Year hiệu quả

Nếu lúc này, các bạn không thuộc 3 đối tượng trên, các bạn thật sự tự tin mình có thể tận dụng Gap Year để tìm ra định hướng, sở thích cho riêng mình. Vậy thì hãy tham khảo 7 bước dưới đây của anh.

Bước 1: Hãy chuẩn bị kế hoạch Gap Year trước 3 tháng thật cụ thể. Đó có thể là xin việc làm thêm, đi du lịch, làm thiện nguyện, hay học kỹ năng nào đó… mỗi việc bạn cần có kế hoạch thật cụ thể: thời gian, tài chính, mục tiêu, kế hoạch hành động.

Bước 2: Tìm kiếm dự án liên quan đến các ngành nghề bạn đang hứng thú. Đây là cơ hội để bạn tìm hiểu thị trường, yêu cầu nhà tuyển dụng. Cho nên đừng hùa theo những dự án chỉ để kiếm nhiều tiền.

Bước 3: Bạn đừng làm miễn phí, hãy thoả thuận một mức lương phù hợp để bạn cảm nhận được trách nhiệm, áp lực thực tế và lộ trình huấn luyện từ phía dự án. Đây là cách để bạn học thêm kỹ năng quản lý tài chính.

Bước 4: Hãy tìm kiếm trải nghiệm mà bạn có cơ hội thay đổi môi trường sống mới, văn hoá mới. Điều này sẽ giúp bạn gợi mở nhiều khám phá mới mẻ cho bản thân so với việc bạn ở mãi trong môi trường cũ.

Chuẩn bị trước 3 tháng kế hoạch Gap Year để có cho mình những trải nghiệm đáng giá
Chuẩn bị trước 3 tháng kế hoạch Gap Year để có cho mình những trải nghiệm đáng giá

Bước 5: Trong quá trình trải nghiệm, hãy tích góp cho mình những kinh nghiệm thật cụ thể để sau này có thể bổ sung vào hồ sơ của mình. Bạn có vai trò như thế nào, nỗ lực cụ thể ra sao và những thành tích đạt được là gì?

Bước 6: Hãy thường xuyên giữ liên lạc với ngôi trường trúng tuyển để cập nhật thông tin từ phòng tuyển sinh. Điều này sẽ giúp sau Gap Year, việc quay lại ngôi trường sẽ dễ dàng hơn

Bước 7: Luôn trao đổi với bố mẹ hoặc người có kinh nghiệm trước và sau Gap Year để cùng phân tích tổng hợp nỗ lực, trải nghiệm. Từ đó đưa ra quyết định cho giai đoạn tiếp theo.

Bổ sung những thành tích trong suốt Gap Year vào hồ sơ năng lực
Bổ sung những thành tích trong suốt Gap Year vào hồ sơ năng lực

Nếu các bạn làm đúng 7 bước trên, anh tin là mỗi người sẽ có cho mình sự rèn luyện rất thực tế, cá nhân. Nó tạo ra hứng thú để 4 năm Đại Học tiếp theo là một sự đầu tư có Định hướng và chuyên nghiệp hơn rất nhiều.

Ngay lúc này, nếu muốn bắt đầu Gap Year để chọn ngành nghề đúng, mỗi bạn hãy lấy lại cảm xúc bình an và tâm thế chủ động. Hãy bình luận bên dưới cho anh biết quyết định của bạn nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *