Đam mê – liệu có cách nào để tìm kiếm nó?
Thế hệ trẻ hiện nay trong công việc, các bạn không chỉ đơn thuần là muốn tìm 1 công việc ổn định trong nhà nước hay một công việc lương cao tại các tập đoàn lớn đa quốc gia nữa. Các bạn muốn nhiều hơn, muốn sâu hơn, muốn thỏa mãn bản thân hơn. Các bạn muốn có cho mình một… ĐAM MÊ.
Thế nhưng, thay vì tìm kiếm bên trong mình, các bạn lại chạy ra bên ngoài và “tạm vay mượn” ước mơ của người khác. Đến cuối cùng, các bạn trẻ đã mất rất nhiều thời gian nhưng vẫn cực kỳ thất vọng vì vẫn chưa hiểu chính mình. Chào các bạn, anh là Nguyễn Hữu Trí, hôm nay, anh xin chia sẻ cho các bạn quy trình 3 bước để các bạn có thể quay lại, nuôi dưỡng đam mê từ bên trong chính mình.
Tò mò – điểm xuất phát đầu tiên của đam mê
Đam mê của tôi là gì?
Sẽ như thế nào nếu anh nói rằng câu trả lời vốn đã được trao cho những đứa trẻ khi chúng vừa mới sinh ra từ đầu?
Đây vốn là bản năng mạnh nhất của mỗi một đứa trẻ. Đó là… SỰ TÒ MÒ. Chúng ta được sinh ra với khao khát cháy bỏng được biết nhiều điều hơn, được tương tác nhiều hơn với thế giới xung quanh. Và mỗi đứa trẻ sẽ có cho mình một sự tò mò về những thứ khác nhau.
Đó chính là hạt giống đầu tiên của đam mê. Khi có hạt giống với đầy sự tò mò, chúng ta sẽ hỏi, sẽ tìm hiểu, mày mò, thu thập thông tin,.. Đấy là khi chúng ta bắt đầu đến bước thứ 2… THÍCH THÚ về điều đó.
Thích thú – chất xúc tác mạnh nhất của đam mê
Ngay giây phút bạn thích thú môt điều gì đó, bạn sẽ cảm thấy tràn đầy năng lượng, tràn đầy những cảm xúc tích cực.
Hãy nhớ đến lần đầu tiên bạn hứng thú với một loại công nghệ mới, có thể là một chiếc điện thoại mới chẳng hạn, bạn có thể dành cả đêm, đến tận 2h sáng để nghiên cứu mà không có chút mệt mỏi nào. Đúng chứ? Đó là năng lượng, đó là sự phấn khích và sự kiên định mà anh muốn nói đến.
Khi bạn đã tràn đầy niềm yêu thích và hứng thú, bạn sẽ bắt đầu hành động, bạn sẽ bắt đầu luyện tập. Đây là bước thứ 3 trong quy trình nuôi dưỡng. Bạn đã đến được với nó rồi đấy… ĐAM MÊ của bạn.
Đam mê – sự thành công trong quá trình nuôi dưỡng
Khi bạn thích, bạn sẽ luyện tập đến khi nào bạn thật sự yêu nó và biến nó thành đam mê của mình. Tuy nhiên, quá trình này lúc nào cũng nói dễ hơn làm. Những ai từng khi luyện tập một thứ gì đấy mới cũng sẽ hiểu điều này.
Ví dụ khi lần đầu bạn học chơi ghita. Lần đầu chơi ghita, bạn có cảm thấy thật dễ dàng, thú vị, bản thân tuôn trào nhiệt huyết ngay không? Phần lớn các bạn sẽ chỉ thấy… đau thôi. Ngón tay phải bấm vào dây sắt rất khó chịu, rất đau. Vì thế, rất hiếm ai vừa tiếp xúc lần đầu mà đã thật sự đam mê và có tài năng được. Rất hiếm người nào có thể.
Vì thế, ở thời điểm này, có rất nhiều bạn sẽ bỏ cuộc, trừ khi bạn thật sự hứng thú với kỹ năng đấy. Khi bạn đã thích thú rồi, bạn sẽ có đủ năng lượng, sự kiên định và kiên trì để theo đuổi điều đó. Khi đấy, nó đã sản sinh một thứ, gọi là… ĐAM MÊ. Tại thời điểm đấy, một món quà kèm theo sẽ xuất hiện – một tài năng của riêng bạn.
Sứ mệnh – đích đến cuối cùng của đam mê
Khi bạn đã có cho mình một đam mê và luyện tập để nó trở thành một tài năng thì theo bản năng tự nhiên, bạn sẽ muốn chia sẻ và lan tỏa đến với mọi người. Và giây phút bạn mang tài năng và đam mê của bạn lan tỏa và chạm đến người khác, người ta gọi là… SỨ MỆNH cuộc đời bạn.
Đó là 3 quy trình để bạn nuôi dưỡng cho mình một đam mê và mang tài năng từ đam mê ấy để cống hiến cho mọi người, cho xã hội. Nếu mọi người muốn có một góc nhìn toàn diện hơn về vấn đề này thì có thể xem video và chia sẻ ý kiến của bạn xuống bên dưới để anh giải đáp cho bạn nha.
Còn nếu các bạn muốn có thêm một người anh thân cận, đồng hành cùng bạn trong quá trình tìm kiếm ước mơ, đam mê thì có thể tìm hiểu Khóa học AYP. Anh sẽ luôn chờ ở đây để đồng hành cùng các bạn.